Friday, November 22, 2024
spot_img

Hạt giống nảy mầm | Lễ Chúa Thăng Thiên

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

Lc 24,46-53

A. Hạt giống…

Bài Tin Mừng này có hai phần :

1. Những lời căn dặn cuối cùng của Đức Giêsu (cc 46-49) :

– Sự cần thiết của Thập giá : đã có chép từ lâu trong Sách Thánh rằng Đấng Cứu Thế phải qua chịu nạn rồi mới tới phục sinh.

– Môn đệ Chúa phải rao giảng và làm chứng về việc Ngài chết và sống lại.

– Đức Giêsu sẽ ban Thánh Linh cho môn đệ.

2. Đức Giêsu lên trời (cc 50-53) : Luca đã dùng cách viết của loài người để tạm diễn tả việc Đức Giêsu siêu thăng. Ngài siêu thăng không có nghĩa là Ngài rời bỏ một nơi (trái đất) để đến một nơi khác (trời), mà là : 

– Ngài thay đổi tình trạng : không còn ở tình trạng loài người hèn hạ nữa, mà trở về tình trạng vinh quang của một vị Thiên Chúa.

– Ngài cũng thay đổi cách hiện diện : từ nay Ngài không thường xuyên hiện diện giữa chúng ta bằng thân xác hữu hình của Ngài nữa, nhưng vẫn hiện diện một cách vô hình dù chúng ta không thấy.

B. … nảy mầm.

1. Cho đến phút cuối cùng lúc Đức Giêsu sắp về trời mà các môn đệ vẫn còn chưa hiểu câu chuyện đời Ngài. Bởi đó, trước khi ra đi, Ngài đã giải thích lần nữa một cách tóm tắt : đó là một cuộc đời thập giá. Nói cách khác, sở dĩ Ngài bỏ trời cao để xuống thế là để chịu chết trên thập giá ; và hôm nay Ngài trở về trời được cũng là nhờ Ngài đã hoàn thành sứ mạng thập giá.

Đời Chúa là kiểu mẫu cho đời con. Đau khổ của đời con là thập giá, nhưng vinh dự của đời con cũng chính là Thập giá.

2. Nhưng có lẽ lúc ở Bêtania hôm ấy, các môn đệ cũng vẫn chưa hiểu. Vì vậy Đức Giêsu bảo các ông trở về Giêrusalem, ở lại trong thành chờ đến khi Ngài gởi Chúa Thánh Thần đến với các ông. Đến khi đó, Chúa Thánh Thần sẽ giúp các ông hiểu hết.

Lạy Chúa, con vẫn chưa hiểu mầu nhiệm đời Chúa, và vẫn chưa hiểu về những thập giá của đời con. Xin ban Thánh Thần cho con. 

3. Thánh Luca muốn chúng ta xác tín rằng ngày nay Đức Giêsu phục sinh đã thay đổi cách hiện diện nhưng vẫn luôn hiện diện. Nói cách khác, tuy chúng ta không nhìn thấy Ngài nhưng thực sự Ngài hằng ở bên cạnh chúng ta.

Nhiều khi chúng ta buồn rầu ảo não bởi vì nghĩ rằng Chúa đã vắng mặt, Chúa không còn ở bên cạnh mình nữa đang lúc mình gặp khó khăn, Chúa bỏ rơi mình rồi… ! 

Xin cho con xác tín điều Thánh Luca tha thiết nói với con trong bài Tin Mừng này, bởi vì có xác tín như thế thì con mới có thể lúc nào cũng “lòng đầy hoan hỉ” như các môn đệ xưa.

4. Người hấp hối than thở với cha sở rằng chẳng cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Cha sở lấy một chiếc ghế đặt bên cạnh, rồi bảo ông hãy nghĩ rằng Chúa Kitô đang ngồi đó, hãy đặt tay mình trên tay Ngài trên thành ghế. Người đó làm theo và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Mấy hôm sau, được tin ông qua đời, cha sở đến thăm và thấy tay ông vẫn còn đặt trên bàn tay vô hình ở thành ghế. (Góp nhặt)

5. Có lời Kinh Thánh chép “Đức Kitô phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại”. (Lc 24,46)

Lapeaux là một chính trị gia và là nhân viên của Hội đồng Hành chánh quốc gia Pháp (1745-1799). Ông rất ghét đạo Công giáo nên đứng ra lập một đạo mới dựa vào triết lý và khoa học. Nhưng chẳng ai theo. Ông bực tức và đi hỏi một bạn đồng nghiệp : “Tại sao đạo của tôi vừa là công trình của triết lý và khoa học, vừa có những người rất giỏi truyền bá mà vẫn thất bại, trong khi Công giáo chỉ nhờ mấy anh chài lưới ít học mà lại thành công ?”. Người ấy trả lời : “Nếu anh muốn thiên hạ theo đạo của anh, hãy để người ta đóng đinh anh vào ngày thứ sáu, rồi sáng chúa nhật hãy cố sống lại xem”.

Lạy Chúa, Chúa đã sống lại để minh chứng đạo của Ngài là đạo thật. Xin cho con biết yêu mến đạo Chúa và hân hoan loan báo Tin Mừng Phục sinh cho mọi người. (Hosanna)

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here