Wednesday, December 25, 2024
spot_img

Hạt giống nảy mầm | Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN

CHÚA KITÔ VUA

Lc 23,35-43

A. Hạt giống…

Đoạn Tin Mừng này mô tả cảnh Đức Giêsu trên thập giá :

– Phía dưới thập giá, dân chúng “đứng nhìn” cách bàng quan như không liên can gì đến mình, các thủ lãnh Do thái thì chế nhạo “Hắn đã cứu người khác thì hãy cứu lấy mình đi nếu thật hắn là Đấng Kitô”, lính tráng cũng chế giễu “Nếu ông là vua dân Do thái thì hãy cứu lấy mình đi”.

– Trên đầu Ngài có bảng viết “Đây là vua người Do thái”.

– Bên cạnh Ngài có hai tên gian phi : một tên hùa theo đám người phía dưới để chế giễu Ngài ; tên kia công nhận Ngài là vua nên nói với Ngài “Khi ngài vào Nước của Ngài thì xin nhớ đến tôi”.

Nghĩa là : thánh Luca đã cố ý trình bày Đức Giêsu trên thập giá như một vị vua đang ngự trên ngai của mình. Nhưng đa số những người ở dưới và bên cạnh, vì đã quá quen với hình ảnh một ông vua trần gian nên chẳng những không nhận ra Ngài mà còn chế nhạo Ngài.

B. … nảy mầm.

1. “Nếu ông thật là vua thì hãy tự cứu lấy mình đi”. Câu này được lặp đi lặp lại nhiều lần trên môi miệng của hầu hết những người chứng kiến cảnh Đức Giêsu trên thập giá. Câu này chứng tỏ một quan niệm rất ích kỷ và vụ lợi về tước hiệu làm vua : làm vua trước hết là để lo cho bản thân mình. Nhân loại đã đau khổ biết bao nhiêu vì đã có biết bao người làm vua theo kiểu đó.

Còn Đức Giêsu, Ngài làm vua không phải để hưởng thụ, không phải vì bản thân. Một vị minh quân thì trước tiên phải thương dân, nghĩ đến dân, lo cho dân.

2. Hằng ngày tôi cũng đứng dưới thập giá Chúa rất nhiều lần. Thái độ và tâm tình của tôi giống ai : như dân chúng “đứng nhìn” ? như những kẻ thù ghét “chế nhạo” ? hay như người trộm lành “Xin Ngài nhớ đến tôi” ?

3. Lời anh trộm lành rất đáng làm gương cho chúng ta. Lúc bị hành hạ đau đớn, anh nói “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng vì xứng với việc chúng ta đã làm”. Trong những lúc bị khổ, nhiều người cứ làm như tên trộm dữ, đã không nghĩ đến tội mình mà còn bực tức với người khác. Làm như thế, chẳng những không hết khổ mà lại còn khổ thêm, nhất là những cái khổ ấy chẳng mang lại ích lợi gì cả.

4. Vào thời Nga hoàng, một thanh niên vì chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của đại văn hào Tolstoi và nhất là giáo huấn của Chúa Giêsu, nên đã từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự. Ra trước tòa, anh đã trình bày niềm xác tín là anh không thể cầm khí giới giết người. Sau khi nghe người thanh niên biện hộ, quan tòa mới phát biểu như sau : “Tốt lắm, tôi đã hiểu được lý tưởng của anh. Nhưng anh còn phải thực tế. Lý tưởng anh đề ra là lý tưởng của Nước Trời, mà Nước Trời thì chưa đến”. Nghe thế người thanh niên dõng dạc trả lời : “Thưa ông tôi nhìn nhận là Nước ấy chưa đến cho ông… nhưng Nước ấy đã đến cho tôi. Tôi không thể sống như Nước ấy chưa đến, để tiếp tục chém giết và gieo rắc hận thù. (Góp nhặt)

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here