Saturday, November 23, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 2 Mùa Vọng | Năm B

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II MÙA VỌNG NĂM B

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Mc 1, 1-8

Khởi đầu Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Đây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan.

Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.

SUY NIỆM:

Gioan Tẩy giả là người ứng nghiệm lời tiên tri Isaia: “Đây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi”. Điều đó chứng tỏ vị sắp đi qua là cao trọng, là quyền thế, nên mọi sự đối với Ngài với hết sức tốt đẹp.

Có lẽ lời rao giảng của Gioan không xa lạ, không mới mẻ: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”, nhưng chính cách sống của ông trở thành minh chứng cho lời rao giảng đó.

Một đời sống nhiệm nhặt, khó nghèo, kỷ luật với bản thân thể hiện được niềm xác tín vào lời ông rao giảng, do đó dân chúng mới tin và thực hiện theo những lời mời gọi của Gioan; và kết quả là chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối.

Có lẽ cũng có nhiều bậc thầy, nhiều tiên tri thời bấy giờ rao giảng những sứ điệp giống Gioan, nhưng hình như không được người ta đón nhận. Lý do là vì có lẽ dân chúng không cảm nhận được “sự thật” nơi lời của những người rao giảng.

Qua sứ điệp dọn đường của Gioan hôm nay, mời gọi mỗi Kitô hữu hãy củng cố niềm tin vào Đấng mình đang chờ đợi để uốn nắn con người của mình cho phù hợp với sự tốt lành của Đấng ấy, nhất là uốn nắn về khả năng yêu thương và tham gia của mình.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin giúp con có một đời sống kỷ luật để nhờ đó có thể bước đi trong đường lối của Chúa.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Lc 5, 17-26

Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: “Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!”

Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: “Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?” Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: “Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: ‘Các tội của ngươi đã được tha’, hay nói: ‘Ngươi hãy đứng dậy mà đi’, đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất”. Người nói với người bất toại rằng: “Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà”. Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: “Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng”.

SUY NIỆM:

Quyền năng của Thiên Chúa gắn liền với việc tha tội, để làm nổi bật Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót.

“Những người biệt phái và tiến sĩ luật” cố gán ghép một Thiên Chúa đầy uy quyền theo kiểu quan quyền, luật lệ, mục đích để cho bản thân họ là những người đại diện cho quyền lực của Thiên Chúa.

Không phải thể. Quyền năng của Thiên Chúa là để giải thoát con người khỏi mọi sự dữ. Vì thế khi dùng tình yêu thương để đưa con người đến những giá trị tốt đẹp, bất kể họ là ai, là chúng ta đang thể hiện uy quyền của Thiên Chúa.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ngụp lặn trong quyền năng của Chúa bằng đời sống cầu nguyện, để từ đó chúng con có thể chia sẻ quyền năng của Thiên Chúa bằng một đời sống yêu thương, phục vụ, tham gia vào đời sống Giáo hội, để góp phần xây dựng những giá trị tốt đẹp cho Giáo hội.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Lc 1, 39-47

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabeth. Và khi bà Êlisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Êlisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”. Và Maria nói rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi”.

SUY NIỆM:

Hình ảnh một sự tham gia mà Giáo hội đang sống được thể hiện rõ ràng trong bài Tin Mừng hôm nay.

Thiên Chúa vì yêu thương nên tham gia vào đời sống nhân loại qua mầu nhiệm nhập thể của Ngội Hai Thiên Chúa.

Đức Maria muốn tham gia vào chương trình của Thiên Chúa nên Mẹ đã sẵn sàng nói tiếng xin vâng, chấp nhận những bấp bênh của sứ mạng mới.

Và hơn thế nữa, Mẹ đã lên đường để mời gọi sự hiệp thông – tham gia của người khác, cụ thể là của bà Êlisabet.

Kết quả sự Hiệp thông – Tham gia là niềm vui của mọi người. Niềm vui sâu thẳm trong tâm hồn nhờ được cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa.

Do đó, niềm vui đích thực là được cộng tác với chương trình của Thiên Chúa chứ không phải để mình được nổi bật, dù những việc mình làm hết sức tốt đẹp.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết tìm thánh ý Chúa thực hiện mỗi ngày, chứ không phải mỗi ngày tìm cách làm cho “cái nư” của mình được thỏa mãn.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Mt 11, 28-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu biết rõ con người khát khao, mòn mỏi nên Ngài đã nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

Lời van xin trời mưa là để nhắc nhớ tôi cần đến Chúa. Chúa đã đến rồi. Những cơn mưa Thánh Ân vẫn đang đổ đầy cuộc đời tôi, nhưng tôi đã biết mở tâm hồn để đón nhận chưa?

Tôi đang vất vả, đang nặng nề, đang mệt nhọc, đang khô cằn: Hãy tìm đến Chúa, tâm hồn tôi sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng và tươi mát.

Như vậy tâm tình đúng đắn trong mùa Vọng là tôi cứ van xin để nhắc nhở mình, nhưng tôi phải đến lãnh nhận bằng nổ lực của tôi.

Nổ lực để không làm những điều “ám muội, đứng thẳng và ngẩng đầu lên”.

Nổ lực để gắn bó với Chúa.

Giả dụ tôi đã làm những điều “ám muội”, tôi đã ngã gục vì những tội lỗi, thì hãy biết nổ lực để sửa đổi, để trỗi dậy.

Giả dụ tôi chưa gắn bó với Chúa thì nổ lực để gắn bó với Chúa nhiều hơn.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, tâm hồn con đang khát khao, mòn mỏi trông mong, nhưng tôi lỗi cứ đan xen, xiết chặt, bóp nghẹt ơn thánh Chúa. Xin cho con biết xét mình, sám hối, xưng tội, và đền tội để được Chúa “xé nát” tấm thảm đậy nắp tâm hồn con.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Mt 11, 11-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!”

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu đã đề cao Gioan Tẩy giả, nhưng qua đó hướng con người ta đến hạnh phúc mà Gioan Tẩy giả có được.

Gioan Tẩy giả được đề cao vì ông đã sống trọn vẹn chương trình Thiên Chúa dành cho ông. Ông luôn nhớ và xác quyết mình là ai và sóng đúng với sứ mạng của mình.

Ông chỉ là người dọn đường, và quả thật đã dọn đường rất tốt nhờ giúp dân chúng ăn năn sám hối, sửa đổi cuộc sống của mình.

Ông chỉ là rể phụ dù ông nổi bật hơn chú rể, nhưng không bao giờ ông để người ta đến với mình; ông luôn đẩy người ta đến với chú rể.

Sở dĩ ông sống đúng sứ mạng của mình vì ông biết Đấng tác thành nên ông đã sai ông. Ông đã cộng tác vì ông biết mình là “đầy tớ”. Đầy tớ vui khi thấy mình chu toàn bổn phận ông chủ giao.

Ông không đòi quyền làm ông chủ, dù trước mắt người đời ông dư khả năng; nhưng trong Thiên Chúa thì ông mãi mãi là “đầy tớ” của Ngài.

Để có được cách sống như Gioan, quả thật ông đã phải chiến đấu với cái tôi của chính mình. Vì kẻ thù lớn nhất của con người chính là cái bóng của họ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn mỗi ngày để chu toàn những bổn phận được Chúa giao phó. Và xin cho con lấy Chúa làm niềm vui mỗi khi con chu toàn bổn phận Chúa giao.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Mt 11, 16-19

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: ‘Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!’

“Vì Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: ‘Ông ta phải quỷ ám!’ Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: ‘Đó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi’. Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình”.

SUY NIỆM:

Niềm hy vọng Kitô giáo đặt nền tảng trên đức tin. Có tin người ta mới chờ. Có chắc chắn người ta mới đợi. Không ai chờ một điều tuyệt vọng. Không ai đợi một sự mông lung.

Những đứa trẻ chẳng biết mình chờ gì, mong gì, chỉ biết sống theo cảm xúc của người lớn. Ai khen, ai cho đồ ăn vì vui. Ai chê bai, bỏ mặc thì buồn, khóc…

Vì thế sự mong chờ hiệu quả, tích cực là luôn thao thức với đối tượng chờ đợi của chúng ta. Chính Chúa là niềm vui đích thực của chúng ta.

Mùa Vọng, chúng ta mong chờ điều gì?

Nếu mong chờ ơn cứu độ thì phải biết chỉnh đốn bản thân, từ bỏ những điều xấu xa, tội lỗi.

Nếu mong chờ những niềm vui của đời này, những thứ làm cho chúng ta ưa thích từ tiền bạc, danh vọng, quyền lực, đam mê thì chúng ta chẳng thể sửa đổi được con người mình, mà càng làm cho con người chúng ta méo mó, lệch lạc, mất đi định hướng lúc ban đầu của Thiên Chúa.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa Giêsu, sự cứng cỏi của con tim sẽ ngăn cản ơn thánh Chúa tuôn đổ trên cuộc đời chúng con. Sự chai lì của tâm hồn sẽ làm cho con không còn nhận ra lời kêu mời khẩn thiết của Chúa. Vì vậy xin Chúa hãy dập tắt ngọn lửa cố chấp nhen nhóm trong lòng con bằng những cơn mưa ơn phúc của Ngài.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Mt 17, 10-13

Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: “Tại sao các luật sĩ lại nói Elia phải đến trước đã?”

Chúa Giêsu trả lời: “Thật Elia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ”.

Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu giải đáp thắc mắc của các môn đệ về việc “Tại sao Êlia phải đến trước?” Người Do Thái tin rằng Êlia sẽ trở lại làm ngôn sứ cho Đấng Messia. Chẳng những tin là Êlia sẽ đến, mà còn khẳng định Êlia đến để: “Làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo Ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất này” (Ml 4, 6). Nghĩa là sứ mạng của Êlia là phải tiêu diệt điều ác, sửa sang lại mọi sai lầm để đáng cho Đấng Mesia ngự đến.

Hôm nay các môn đệ hiểu được ý của Thầy mình, khi các ông biết Ngài nói về Gioan Tẩy Giả.

Trong khi mong chờ Chúa đến, chúng ta đi theo con đường mà Êlia, Gioan Tẩy Giả, tất cả các ngôn sứ và chính Chúa Giêsu đã đi là con đường hy sinh, phục vụ đến quên mình.

Gioan Tẩy Giả đã mạnh dạn rao giảng, lên án những thói xấu… bất chấp sự đố kỵ ganh ghét của người khác, đến nỗi phải bị chặt đầu. Nhưng từ đó người ta nhận ra sứ điệp mạnh mẽ, dứt khoát của Gioan Tẩy Giả là phải sửa đổi tận căn để Đấng Cứu Thế có thể ngự vào trong tâm hồn.

Chúa Giêsu, khi Ngài đến thì cũng đi trên con đường đau khổ đó. Nhưng chính tình yêu tự hiến của Ngài làm đã tiêu diệt mọi mầm móng chiến tranh, và làm trơn tru con đường gươm đao, giết chóc và sự hy sinh.

Dọn một con đường cho Đức Vua ngự đến. Con đường đó là con đường hy sinh để từ bỏ những tính hư nết xấu. Con đường của tự hiến để phục vụ Nước Trời, phục vụ người khác.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, con đường Chúa đến với con là con đường tình yêu, thì xin cho con cũng biết dùng con đường đó để đến với tha nhân.

bài viết mới