Monday, December 23, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần VI | Phục sinh | Năm A

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VI PHỤC SINH NĂM A

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Ga 14, 15-21

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó”.

SUY NIỆM:

Trước khi từ giã các môn đệ về trời, Chúa Giêsu đã căn dặn các ông rất kỹ lưỡng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy”. Như một lời trăn trối, như một kiểu bộc bạch tận đáy lòng, nhưng nhất là tất cả yêu thương để lại cho các môn đệ của mình: “Hãy giữ giới răn Thầy”.

Nếu còn lòng mến với Thầy thì chắc chắn môn đệ sẽ không bao giờ quên lời Thầy mà lo tuân giữ giới răn của Thầy. Về phần Thầy là Đấng Phục Sinh, đã nắm giữ mọi quyền năng trên trời dưới đất, chỉ cần các môn đệ nhớ và giữ lời Thầy, còn mọi sự cứ để Thầy lo.

Sự lo lắng của Thầy là định liệu để Thần Chân Lý sẽ hoạt động thay Thầy cho các môn đệ. Tác động của Thần Chân Lý sẽ phù hợp với thời đại hậu Phục Sinh để giúp Tin mừng cứu độ được lan tỏa khắp nơi bằng một đời sống thánh thiện, yêu thương nhờ biết tuân giữ lời Thầy.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết nghe theo sự hướng dẫn của Thần Chân Lý để có thể yêu mến và tuân giữ lời Chúa cách tận tình hơn.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Ga 15, 26 _ 16, 4

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu. Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con”.

SUY NIỆM:

Muốn làm chứng cho Đức Kitô, các môn đệ của Ngài phải có 3 yếu tố sau đây:

Trước hết, họ phải là những người “Ở với Đức Kitô”. Đây là một trong hai tiêu chuẩn để các Tông Đồ chọn người bổ sung vào nhóm 12 thay thế cho Giuđa. Đây cũng là tiêu chuẩn quan trọng nhất để chúng ta có thể làm chứng về Đức Kitô. Quả thật nếu không “ở với Đức Kitô”, nghĩa là không có sự hiệp thông với Ngài thì người môn đệ không biết gì về Ngài. Mà nếu không biết gì về Đức Kitô thì làm sao có thể làm chứng? Chứng nhân là người xác nhận: “Điều này đúng, tôi biết chắc như vậy!”

Kế đến, người ta đòi hỏi nơi người làm chứng phải có niềm tin. Nếu chúng ta biết một người, nhưng chúng ta không tin tưởng người đó thì chắc chắn chúng ta cũng không muốn cho nhiều người biết đến người đó, vì người đó không có gì hấp dẫn. Người môn đệ phải có niềm tin vào Đức Kitô, rằng Ngài đax đem đến cho họ hạnh phúc, thì mới có thể làm chứng cho Ngài được.

Sau cùng, lời chứng đó phải được bày tỏ ra. Niềm vui, hạnh phúc không thể chất chứa trong lòng, mà còn phải muốn cho nhiều người cũng được niềm vui, hạnh phúc đó. Vì vậy người ta đòi hỏi nơi chứng nhân khả năng để có thể bày tỏ ra bên ngoài điều mình xác tín.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, sứ mạng của chúng con là làm chứng nhân cho Chúa. Khi chúng con làm chứng cho Chúa, chúng con được làm việc cùng với Chúa Thánh Thần, vì Chúa thánh Thần cũng sẽ làm cho nhiều người biết Chúa. Xin cho chúng con ý thức sứ mạng cao cả, thánh thiêng của mình để chúng con tìm nhiều thời gian hơn gặp gỡ Chúa; tin tưởng vào ơn cứu độ Chúa ban; và mạnh dạn thông truyền niềm vui đó cho mọi người. 

THỨ BA

LỜI CHÚA: Ga 16, 5b-11

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con. Khi Người đến, Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử”.  

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu cho các ông thấy vai trò quan trọng của Đấng Bảo Trợ. Nhưng Đấng Bảo Trợ là ai? Ngài sẽ làm gì để khỏa lấp nỗi trống vắng trong lòng các môn đệ? Công việc của Ngài như thế nào khiến Chúa Giêsu đề cao vai trò của Ngài?

Đấng Bảo Trợ chính là Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Ở đây Gioan dùng động từ Elegchein để chỉ hoạt động của Ngài. Nó có nghĩa là một cuộc thẩm vấn, điều tra cho đến khi một người chấp nhận điều mà họ cố tình chối bỏ, hoặc trốn tránh từ trước tới giờ, hay một sự thật mà họ chưa được biết. Trong việc thẩm vấn này, nó buộc một người nhìn nhận tội lỗi cũng như nhược điểm của mình, đồng thời nhìn nhận những điều tốt nơi người khác. Nói ngắn gọn lại, Chúa Thánh Thần sẽ “Elegchein”, tức là trách cứ và thuyết phục con người.

Ngài trách cứ con người về tội lỗi. Chúa Thánh Thần làm cho con người nhận ra tội lỗi của mình. Quả thật, nhiều khi con người hành động sai trái mà không nghĩ rằng mình sai, ngược lại họ còn tưởng mình đang hành động cho công lý, cho sự thật, đang bênh vực Thiên Chúa. Ví dụ trong buôn bán, người ta gian lận chút ít để lấy tiền làm việc thiện. Thấy người khác xúc phạm đến những người tu hành, chúng ta không ngần ngại chửi mắng xối xả, nói là đang bảo vệ “người của Chúa”… Chúa Thánh Thần sẽ tác động nơi tâm hồn mỗi người, khiến chúng ta tự tố cáo về tội lỗi của mình.

Chúa Thánh Thần sẽ thuyết phục con người về sự công chính. Ai sẽ làm cho nhân loại nhận ra một tử tội là Thiên Chúa? Điều này con người không thể chấp nhận được. Ấy vậy mà dưới chân thập giá, tên đại đội trưởng đã thốt lên: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa”. Hay như Phaolô đang lùng bắt Chúa Giêsu cũng đã phải khuất phục trước sức mạnh của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần đã thuyết phục con người để họ nên công chính nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô bị treo trên thập giá.

Chúa Thánh Thần thuyết phục con người về sự phán xét. Nghĩa là con người tin rằng ai cũng sẽ lãnh lấy hậu quả từ những việc họ làm; hậu quả tốt hay xấu là tùy vào hành động tốt hay xấu của họ.

Nói tóm lại,với hành động “Elegchein”, Chúa Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta không thể yên vì những tội của mình. Nhưng Ngài cũng sẽ tác động để chúng ta biết đón nhận những điều tốt mà Đức Giêsu đang mời gọi chúng ta.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con biết rèn luyện lương tâm của mình chon ngay thẳng để luôn lắng nghe và làm theo tác động của Thánh Thần.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Ga 16, 12-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: “Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.  

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu cho chúng ta thấy vai trò của Chúa Thánh Thần là “Thần Chân Lý”, nghĩa là Ngài sẽ dẫn chúng ta đến sự nhận biết Thiên Chúa ngày càng rõ ràng hơn.

Chúa Giêsu là Ngôi Lời, tại sao Ngài không nói hết với con người? Muốn truyền đạt điều gì, người thầy phải khởi đi từ những điều căn bản, nhưng phải dễ hiểu. Và cũng tùy thuộc vào mỗi học trò, có người tiếp thu nhanh, có người chậm; có người nói bóng gió là hiểu liền, nhưng có người phải rõ ràng; có người nói chung thì hiểu tất cả, nhưng có người phải nói riêng từng điều một…

Sự mặc khải của Thiên Chúa trong mỗi cuộc đời chúng ta cũng theo định luật tiệm tiến như vậy. Sẽ có người cảm thấy mình chưa biết Chúa nhiều lắm, nhưng có người cảm thấy Chúa luôn luôn ở bên mình. Sẽ có người đủ sức mạnh để vượt qua những cám dỗ, thử thách vì họ thấy Chúa đang ở phía trước, nhưng sẽ có người dễ dàng sa chước cám dỗ vì họ chưa nhìn ra phía trước là gì…

Điều quan trọng là chúng ta hãy luôn luôn đặt mình dưới ngọn gió của Thánh Thần, để Ngài “muốn thổi đâu thì thổi”. Chúng ta luôn tin tưởng, vững tâm bước đi trên con đường của Thánh Thần. Đừng bao giờ bỏ cuộc. Hãy biết rằng Chúa Thánh Thần sẽ bẻ cho thẳng lại đường cong của cuộc đời chúng ta, “Ngài có thể vẽ đường thẳng trên nhưng đường cong”.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, sức lực và khả năng của con có hạn. Nhưng Chúa vẫn yêu thương và ban ơn trợ giúp tùy theo sự đón nhận của con. Chúa sẽ từ từ đưa con vào con đường tình yêu, con đường kết hiệp với Chúa. Xin cho con đừng bao giờ cứng đầu, cứng cổ, khép mình lại. Nhưng xin cho con dù như thế nào cũng biết mở lòng để Chúa Thánh Thần tác động và dẫn con đến gần Chúa hơn.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Ga 16, 16-20

Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”. 

Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: “Điều Người nói với chúng ta: ‘Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy’, và ‘Vì Thầy về cùng Cha’, như thế có ý nghĩa gì?” Họ nói: “Lời Người nói ‘Một ít nữa’ có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?” 

Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.  

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu nói với các môn đệ về khoảng thời gian giao thời giữa hiện tại và tương lai mà Ngài gọi là “ít lâu nữa”. Người Do Thái quan niệm thời hiện tại là thời xấu, còn thời tương lai là thời tốt, thời của Chúa. Nhưng để bước vào thời tương lai đó người ta phải trải qua “ngày của Chúa”, ngày tất cả mọi sự sẽ sụp đổ để thay thế bằng một thế giới mới .

Quan niệm đó được diễn tả bằng hình ảnh người mẹ phải trãi qua cơn đau đớn khủng khiếp để sinh ra đứa con. Khi đứa con ra đời là niềm hạnh phúc cho người mẹ, khiến bà không còn nhớ gì đến cơn đau mình.

Chúa Giêsu đã phác họa bức tranh của đời sống đức tin cho các môn đệ. Trước hết Ngài cảnh báo họ: “Anh em sẽ than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20). Nghĩa là người môn đệ Chúa sẽ phải gặp gian nan thử thách, nhưng họ đừng để mình gục ngã. Đó chỉ là “ngày khủng khiếp”, là “cơn đau đẻ” của người mẹ trước khi họ bước vào hạnh phúc viên mãn, trước khi họ có được niềm vui từ đứa con mới sinh.

Tuy nhiên chân lý mà Chúa Giêsu muốn mặc khải cho các môn đệ là họ không bao giờ đơn độc, vì chính Ngài đã đi con đường thập giá trước các ông. Trong cuộc hành trình của mình, người môn đệ có Chúa cùng đồng hành để những lúc họ đi không nổi, Chúa sẽ dìu dắt họ; những lúc họ quỵ ngã, Chúa sẽ vác họ trên vai; những lúc họ cô đơn, Chúa sẽ cùng đồng hành với họ… Biết như vậy để người môn đệ luôn dõi nhìn về tương lai tươi đẹp phía trước và vững bước trong hiện tại để vượt qua “ngày khủng khiếp”, vượt qua “cơn đau đẻ”.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết rằng Chúa đã ở bên con, đang ở bên con để cùng đồng hành với con, dẫn con về nơi mà con sẽ mãi mãi ở bên Chúa. Chúa là nguồn vui, là động lực để con bước đi.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Ga 16, 20-23a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời. Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa”.  

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy niềm vui sâu xa của người Kitô hữu: “Lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của nanh em sẽ không ai lấy mất được” (Ga 16, 22).

Trước hết sự vui mừng của người môn đệ Chúa Giêsu sẽ không ai lấy mất được. Bởi vì niềm vui này không lệ thuộc vào niềm vui của thế gian. Kinh nghiệm cho thấy ngay cả trong những lúc đau khổ, người ta vẫn có được niềm vui và hạnh phúc. Trong bối cảnh xã hội chúng ta, những người lớn tuổi đều có chung một kinh nghiệm: “Thời buổi khó khăn vậy mà vui hơn bây giờ. Đó là một giai đoạn sống vô cùng hạnh phúc”. Bởi vì đơn giản niềm vui của người Kitô hữu không lệ thuộc vào những thứ hời hợt ở bên ngoài, mà niềm vui của người Kitô hữu lệ thuộc vào biến cố Chúa đã Phục Sinh. Đâu ai có thể làm cho Chúa chết nữa, vì vậy niềm vui của chúng ta sẽ là vĩnh viễn.

Kế đến, niềm vui của chúng ta là một niềm vui trọn vẹn. Trong tất cả mọi niềm vui, hạnh phúc ở trần gian này luôn có một cái gì đó khiến nó không trọn vẹn. Ở bên cạnh người yêu chúng ta hạnh phúc, nhưng sợ sẽ mất người yêu. Giàu có làm cho chúng ta vui, hạnh phúc, nhưng luôn sợ găp thất bại trong làm ăn, sợ mất tiền… Còn niềm vui của người Kitô hữu là sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, là được sống với Ngài.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm niềm vui đích thực là niềm vui ơn cứu độ mà Chúa đã đổ máu ra để chuộc lấy cho chúng con. Xin cho con luôn ở bên Chúa để niềm vui của con sẽ không bị ai lấy mất.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Ga 16, 23b-28 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Người sẽ ban cho các con. Cho đến bây giờ, các con chưa nhân danh Thầy mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm vui trọn vẹn. Tất cả những điều đó, Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói với các con. Đã đến giờ Thầy sẽ không còn dùng dụ ngôn mà nói nữa, Thầy sẽ loan truyền rõ ràng cho các con về Cha. Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu. Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra. Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha”.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ: “Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em, nhân danh Thầy” (Ga 16, 23b). Đây là kết quả tất yếu trong mối liên hệ cha con giữa Thiên Chúa và con người. Khi con người đã thật sự biết Chúa là Cha yêu thương, họ sẽ đến với Ngài trong tất cả mọi cảnh huống của cuộc đời, họ sẽ trình bày với Ngài bất cứ điều gì. Tại sao vậy? Vì họ biết Cha luôn yêu thương mình. Cũng như đứa bé biết cha nó rất vui khi gặp nó, nên nó sẽ đến nói đủ thứ chuyện với cha, nhiều khi chỉ là những chuyện đâu đâu, vì điều chính yếu không phải là nội dung câu chuyện, mà là được ở bên cha nó, được nói cho cha nó nghe.

Chúa Giêsu muốn chúng ta có mối liên hệ với Chúa Cha như vậy, có thể nói với Ngài bất cứ chuyện gì. Nhiều khi chúng ta phân vân không biết Cha có cho mình điều này không? Cứ trình bày, cứ nói. Giả dụ Ngài nói không là vì Ngài có tình yêu và hiểu biết hơn chúng ta. Chúng ta nói với Chúa tất cả, nhưng sau cùng vẫn luôn luôn là: “Một theo ý Cha”.

Nhiều khi con người sợ hãi trước sự thánh thiện của Chúa, không dám đến với Chúa vì thấy mình tội lỗi quá, nhưng Thiên Chúa lại muốn sửa dạy để con người tốt lành hơn chứ không bao giờ Ngài muốn họ phải chết vì tội của họ.

Con người chỉ đến với Chúa khi họ có nhu cầu vượt quá sức của mình, ví dụ bệnh tật, tai ương… Thiên Chúa không chỉ là Đấng quyền năng, mà Ngài còn là người Cha nhân lành, Người Cha chăm sóc cho con cái mình mọi sự chứ không phải chỉ là những việc vượt quá sức con người. Người Cha này muốn được gần gũi con cái mình.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con luôn có lòng khao khát có Chúa bên cạnh mình, để tìm mọi dịp, mọi cách, mọi cơ hội được gần gũi với Chúa. Gần Chúa đơn giản chỉ để con hạnh phúc, và lúc đó chắc chắn Chúa cũng rất vui.

bài viết mới