CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
Mt 4,1-11
A. Hạt giống…
Những cơn cám dỗ mà Đức Giêsu chịu là tiêu biểu cho những cám dỗ chính mà ai ai cũng có thể gặp. Cho nên cách Ngài chiến đấu với chúng và chiến thắng chúng cũng là gương mẫu cho mọi người noi theo :
– Cám dỗ thứ nhất (biến đá thành bánh) là tiêu biểu cho cám dỗ chỉ sống dựa vào những nhu cầu vật chất của thân xác. Đức Giêsu chiến thắng nhờ biết rằng “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh”.
– Cám dỗ thứ hai (nhảy từ nóc Đền thờ xuống) là tiêu biểu cho ý muốn quá ỷ lại vào quyền phép Thiên Chúa, buộc Ngài phải làm phép lạ cho mình. Đức Giêsu nói “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi”.
– Cám dỗ thứ ba (trên núi cao nhìn xuống các nước thiên hạ) là tiêu biểu cho lòng ham muốn quyền hành và vinh hoa lợi lộc với điều kiện là phải thỏa hiệp với sự dữ (thờ lạy Satan). Đức Giêsu nói “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi”.
B. … nảy mầm.
1. Trong tiếng Do thái, chữ “cám dỗ” có nghĩa là “thử thách”, “thử tài”, giống như chữ “đi thi” của chúng ta ngày nay. Cám dỗ là đi thi : ai thắng cám dỗ là thi đậu, ai sa ngã là thi rớt. Bởi thế cám dỗ là dịp tốt để ta “lấy bằng cấp”. Tuy nhiên ta đừng khinh địch, hãy nhớ lời Chúa Giêsu căn dặn “Thứ quỷ này chỉ có thể thắng nhờ ăn chay cầu nguyện”. Nhớ lời trong Kinh Lạy Cha “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, và nhớ Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng này đã chiến thắng được nhờ sự trợ giúp và che chở của Thiên Chúa.
2. Có người nói rằng đạo Công giáo đầy mặc cảm tội lỗi cho nên bao giờ cũng bắt đầu Thánh lễ bằng lời kêu gọi sám hối. Thực ra chính Chúa Giêsu cũng luôn kêu gọi sám hối. Cho nên đây không phải là mặc cảm mà là một thực tế : con người dễ đi lạc, cho nên cần luôn ý thức tình trạng lạc đường ấy để quay về.
3. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”: rất nhiều khi chúng ta bận rộn kiếm ăn đến nỗi không còn nghĩ đến việc tìm kiếm những giá trị tinh thần và đạo đức gì nữa. Như thế là chúng ta chỉ lo cho cuộc sống thân xác chứ không lo cho cuộc sống linh hồn.
4. “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa” : thay vì tìm biết và vâng theo ý Chúa, chúng ta lại thường buộc Chúa phải làm theo ý mình, và khi đòi không được như thế thì giận hờn Thiên Chúa.
5. “Ngươi chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa” : rất nhiều khi chúng ta đã tôn thờ những thứ khác thay chỗ Thiên Chúa, như tiền bạc, thú vui, danh vọng v.v.
6. Đức Giêsu đã dựa vào Lời Chúa trong Thánh Kinh để tìm được ánh sáng soi dẫn quyết định của mình, nhờ đó mà không vướng cạm bẫy của Satan. Lời Chúa là ánh đèn soi bước con đi.
7. Trong vườn, một gốc nho héo úa giữa bao cây xanh tươi mơn mởn. Tưới bao nhiêu phân cũng chẳng thấy khá hơn. Cuối cùng, người chủ đào gốc lên xem, thì thấy có miếng gỗ nằm chắn ngang gốc nho.
Có lẽ đời ta cũng vậy. Nếu không đâm rễ sâu vào lòng đất là Lời Chúa, đời ta cũng sẽ tàn úa. (Góp nhặt)
8. Một đêm giáng sinh nọ, Thánh Giêrônimô đang quỳ bên máng cỏ để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người thì bỗng Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói lòa. Ngài hỏi thánh nhân :
– Giêrônimô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không ?
– Lạy Chúa Hài Đồng, thánh nhân đáp, con xin dâng Chúa trái tim của con.
– Được lắm, nhưng còn gì khác nữa không?
– Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể.
– Con còn điều gì khác nữa không ?
– Con có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu. Thánh nhân khẩn khoản thưa.
Chúa Hài Đồng bảo :
– Này Giêrônimô, hãy dâng cho ta cả những tội lỗi của con nữa.
– Ôi lạy Chúa, Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại, làm sao con dâng cho Chúa tội lỗi của con được ?
– Được chứ ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi.
Nghe thế, thánh nhân bật khóc vì sung sướng. (Trích “Món quà giáng sinh”)