SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN NĂM C
CHÚA NHẬT
LỜI CHÚA: Tin mừng Lc 18, 9-14
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
SUY NIỆM:
Ngay từ đầu đoạn Tin Mừng này đã nói Chúa kể dụ ngôn này là dành cho “những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác”, nghĩa là Chúa muốn nói đến hạng người kiêu căng, ngạo mạn.
Chúa không thích người khinh bỉ kẻ khác, vì Chúa yêu thương và tôn trọng mọi người, không loại trừ một ai, không ai là bị khinh rẽ.
Chúa muốn mỗi người hãy khiêm tốn vì bản thân mình bất toàn. Hãy biết gục đầu đấm ngực vì những điều mình còn sai sót. Đừng ngẩng đầu để chê bai, lên án người khác.
Thái độ khiêm tốn chính là một tâm hồn nhỏ bé, luôn nhìn nhận mình chẳng là gì, và cố gắng mỗi ngày để làm cho ơn Chúa được sinh hoa kết quả.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!
THỨ HAI
LỜI CHÚA: Tin mừng Lc 13, 10-17
Nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: “Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà”. Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.
Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: “Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat”.
Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?”
Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện.
SUY NIỆM :
Sức mạnh của ma quỷ thật ghê gớm. Nó làm cho con người phải đau đớn về xác thịt. Nó khống chế không cho con người “trông lên được” mà chỉ nhìn xuống, không thể thấy ánh mặt trời mà chỉ thấy những gì u uất trước mặt… Mặc dù ta không bị quỷ ám, nhưng thế lực của ma quỷ vẫn thống trị và nếu không cẩn thận sẽ làm cho xác thịt ta đau khổ vì những đòi hỏi của dục vọng, của đam mê… Thế lực ma quỷ khiến ta không thể đứng thẳng lên để thấy ánh dương mà chỉ cúi đầu thấy những gì thấp hèn dưới đất.
Đức Giêsu đã chủ động giải thoát con người khỏi thế lực của ma quỷ bằng việc đặt tay, chúc lành. Được Đức Giêsu đụng chạm ta sẽ được giải thoát khỏi sự dữ. Ngài cho ta được đụng chạm qua cầu nguyện, qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, qua các việc lành… Những lúc đó chúng ta tiếp xúc trực tiếp với Chúa.
Tuy nhiên có một thế lực khác làm cho người ta đau khổ cũng không thua gì ma quỷ, đó là “đàn em” của nó, những con người ngăn cản việc giải thoát người đau khổ bằng luật lệ, bằng định kiến, bằng quyền hành.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin giải thoát con cho khỏi sự dữ. Xin giúp con đừng trở thành tay sai của ma quỷ để kiềm hãm kẻ khác bằng sức mạnh của mình. Amen.
THỨ BA
LỜI CHÚA: Tin mừng: Lc 13, 18-21
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó”.
Người lại phán rằng: “Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men”.
SUY NIỆM :
Chúng ta chưa thấy cây cải của người Do Thái, loại cải mà lại trở thành cây to cho chim trời đến nương náu? Nhưng chắc chắn có một loại cải như thế. Qua đó cho thấy hình ảnh Giáo hội trở thành nơi nương náu cho con người.
Chính Đức Giêsu đã trở thành nơi nương náu cho ông Giakêu để ông được đón nhận dù ông bị xã hội loại trừ. Ngài cũng trở thành nơi nương náu cho người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình khi dân chúng tìm cách ném đá chị. Và biết bao những phận đời yếu đuối mỏng manh đã được Ngài che chở qua việc chữa lành, cho ăn uống, giúp đỡ cách này cách khác…
Nước Trời còn được ví như tấm men được vùi trong đấu bột để giúp nó được dậy men, được nở ra, được nhiều hơn. Nước Trời có một sức mạnh giúp thế giới này được tốt hơn.
Đức Giêsu đã làm điều đó khi Ngài làm cho đạo cũ của người Do Thái được trở nên mới mẽ, có một sức sống. Không phải Ngài thay đổi, nhưng Ngài đem đến tinh thần mới, tinh thần đó chính là tự do và tình yêu thương nơi mỗi con người được đặt vào luật cũ.
Sống đạo ngày hôm nay không phải là giữ một mớ lề luật, nhưng là tình yêu thương trong mọi sự.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, con được sống trong Giáo hội là nơi để nương tựa, là nơi để cải thiện con người của con thành tình yêu của Chúa. Xin cho con cũng góp phần với Giáo hội trở thành nơi nương tựa cho người khác, trở thành nơi chiếu tỏa tình yêu thương bằng những việc làm cụ thể.
THỨ TƯ
LỜI CHÚA: Tin mừng Lc 13, 22-30
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu tới’. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi’. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta’.
Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết”.
SUY NIỆM :
Điều quan trọng trong đời sống đức tin là mỗi người phải lo thay đổi cách sống của mình cho phù hợp với đường lối Chúa. Chính vì thế, lời đáp của Chúa Giêsu không xác định về số ít hay số nhiều người được cứu thoát, nhưng về tính cách nghiêm trọng của cuộc sống hiện tại con người: “Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13, 24).
Ngoài việc nhiều người sẽ chen chúc vào cửa hẹp để dự bữa tiệc vui Nước Trời, ở đây còn nói đến một yếu tố thứ hai: thời gian gấp rút vì cửa sắp đóng. Trên thực tế, tìm cách vào, giữa đám đông hỗn độn, ở phút chót thường là thất bại và còn gây ra cảnh tượng dẫm đạp lên nhau.
Vì họ đến vào phút chót, lại chen lấn nhiều người, nên họ nại đến việc trước đây họ đã từng ăn uống với Ngài để xem có được ưu tiên nào không. Nhưng Ngài đã đáp một cách chắc nịch đến hai lần: “Ta không biết các anh từ đâu đến”. Điều này nghĩa là: “Ta không chọn các ngươi, các ngươi không thuộc về những kẻ được chọn”. Ở đây không phải Chúa Giêsu tùy tiện từ chối theo tình cảm, nhưng là một cách gián tiếp Ngài nói họ bị loại vì làm điều xấu. Có những mối liên hệ theo kiểu xả giao với Thiên Chúa cũng chẳng ích lợi gì nếu người ta không chịu hoán cải cuộc đời.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin giúp con để con dám mạnh dạn từ khước những hấp dẫn của con đường thênh thang rộng rãi mà bước vào con đường hẹp. Để khi dám chấp nhận đi vào con đường hẹp là con dám để cho thánh ý Chúa soi dẫn, để cho lời Chúa uốn nắn, sửa dạy mình. Amen.
THỨ NĂM
LỜI CHÚA: Tin mừng Lc 13, 31-35
Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!” Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.’“Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”
SUY NIỆM :
Thái độ của Đức Giêsu cho ta thấy Ngài chủ động trong cuộc khổ nạn. Không ai có thể làm hại được Ngài nếu như Ngài không tự nguyện đi vào con đường đau khổ đó.
Nhưng điều Ngài than thở chính là sứ điệp gửi thành Giêrusalem cũng như từng người chúng ta: Ngài quý trọng và muốn tập họp mọi con cái trong thành Giêrusalem lại để âu yếm vỗ về như gà mẹ ấp ủ gà con, nhưng họ không chịu. Nói bóng gió đó là hình thức khước từ ơn cứu độ, chối bỏ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thực hành thứ nhất : Trong mọi việc, thái độ tự nguyện sẽ làm nên giá trị công việc, nhất là trong những việc thuộc về bổn phận, thói quen… Không ai ép buộc tôi, không ai có quyền trên cuộc đời của tôi ngoài Chúa. Vì vậy mọi việc tôi làm bằng sự tự ý tự nguyện sẽ mang đến cho đời tôi một giá trị lớn lao.
Thực hành thứ hai : Chúa đã yêu thương và ban ơn cứu độ cho tôi bằng những phương thế hết sức rõ ràng cụ thể trong đời sống hằng ngày. Vì vậy tôi hãy cố gắng đón nhận ơn cứu độ đó bằng sự nổ lực vươn lên mỗi ngày để sống đạo đức, thánh thiện hơn.
CẦU NGUYỆN:
Xin cho con vui lòng bước theo Chúa trong những công việc hằng ngày để đón nhận ơn cứu độ cho bản thân và sẻ chia ơn cứu độ đó cho người khác. Amen.
THỨ SÁU- 28/10: LỄ THÁNH SIMON VÀ GIUĐA TÔNG ĐỒ
LỜI CHÚA: Tin mừng Lc 6, 12 – 16
Trong những ngày ấy Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ: Ðó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là nhiệt thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội. Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.
SUY NIỆM :
Chọn 12 Tông đồ là việc làm quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, vì họ sẽ là nền tảng để Thiên Chúa xây dựng Hội thánh của Ngài. Chính vì thế Đức Giêsu đã phải cầu nguyện suốt đêm.
Việc chọn gọi này cho thấy chức vụ trong Hội thánh không phải do con người mà do Thiên Chúa muốn. Nó cho thấy Thiên Chúa tin tưởng, cho con người được cộng tác với Ngài chứ không phải vì con người đủ tài đức. Việc chọn 12 Tông đồ cho biết ý định cứu độ của Thiên Chúa trong lòng Giáo hội.
Tuy nhiên việc chọn gọi này cũng có sai lầm do con người không biết sử dụng tự do đúng đắn. Giuđa Iscaiôt là kẻ đã phản bội vì ông muốn theo chương trình của riêng ông mà không đi theo chương trình của Thiên Chúa.
Mỗi người đều được Chúa chọn gọi trong một ơn gọi khác nhau ; đặc biệt với những ai sống đời tận hiến. Họ được Thiên Chúa cho tham dự vào sứ mạng đặc biệt của Ngài không phải vì họ xứng đáng, không phải vì có đủ tài đức, nhưng chỉ vì Ngài muốn. Vì thế hãy cố gắng sống tốt ơn gọi của mình.
Có những người đã không cộng tác mà còn phá hoại chương trình của Thiên Chúa vì họ sống theo ý riêng của mình. Hãy biết hoán cải để quay trở lại phục vụ Nước Chúa.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã ban con được sống trong bậc sống của mình. Trong mỗi bậc sống Chúa đều muốn chúng con cộng tác với Chúa để mang lại phần rỗi cho mình và cho tha nhân. Xin cho con luôn nổ lực hết mình để cho ơn cứu độ được thực hiện.
THỨ BẢY
LỜI CHÚA: Tin mừng Lc 14,1.7-11
Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng: “Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’, bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’, bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. “Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
SUY NIỆM :
Bài học về chỗ ngồi không chỉ là bài học nhân bản, mà còn là bài học tu đức. Đức Giêsu dạy cho mọi người con đường để về trời. Đó là con đường khiêm tốn.
Ngài cho biết “chỗ ngồi” không do ta chọn, mà do chủ nhà xếp đặt cho. Cũng vậy, Thiên Chúa dựng nên con người và đặt họ ở những vị trí khác nhau.
Thái độ khiêm tốn là không mong muốn được ngồi ở vị trí của người khác vì nó đẹp, nó sang, nó vinh dự… Khiêm tốn cũng là sẵn sàng ngồi ở vị trí mà chủ nhà đã định cho ta. Không từ khước vì làm khó cho chủ nhà, không “giả bộ” xin chỗ khác để nhằm đề cao bản thân… nhưng trong mọi sự hãy ngồi đúng và bình dị trong chỗ của mình.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con đừng quan tâm đến vị trí, mà hãy lưu tâm đến trách nhiệm, để dù ở đâu, làm gì con cũng chỉ lo chu toàn và đẹp ý Chúa mà thôi. Amen.