CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH
Ga 13,31-33a.34-35
A. Hạt giống…
Đoạn Tin Mừng này là một phần của bữa tiệc ly. Có 3 chi tiết đáng lưu ý :
1. Giây phút Giuđa ra đi là tiếng chuông báo hiệu cuộc thương khó bắt đầu. Chúa Giêsu coi đó là tiếng chuông mở đầu giờ Ngài được tôn vinh. Không phải đau khổ tự nó là tôn vinh, mà vì qua đau khổ Chúa Giêsu thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thực hiện ý muốn Chúa Cha.
2. Trước lúc bước vào con đường thập giá, Đức Giêsu trối lại cho các môn đệ điều răn mới của Ngài : “Chúng con hãy yêu thương nhau… Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con có lòng yêu thương nhau”.
B. … nảy mầm.
1. Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thi hành ý muốn Chúa Cha. Do tình yêu, người ta cũng lấy làm vinh dự được chiều ý người mình yêu. Thánh Phaolô nói “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”. Các tông đồ sau khi bị bắt nhốt trong tù và bị đánh đòn, đã “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Nếu ta không lấy làm vinh dự làm theo ý Chúa và chịu khổ vì Chúa, đó là dấu ta chưa yêu Chúa.
2. “Thầy ban cho chúng con một điều răn mới là chúng con hãy yêu thương nhau” : Yêu thương nhau là điều răn của Chúa. Chúng ta yêu thương nhau là tâm huyết của Chúa. Như thế, khi chúng ta không yêu thương nhau thì không phải là chúng ta chỉ lỗi phạm đến nhau mà là xúc phạm đến chính Chúa, xúc phạm đến điều quan trọng nhất trong Đạo Chúa.
3. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau” : Tại sao người ta không tin vào Giáo Hội ? Tại sao người ta không đánh giá cao cộng đoàn của chúng ta ? Đức Giêsu đã trả lời trước từ lâu rồi : tại vì chúng ta không yêu thương nhau.
4. Một bề trên tu viện công giáo đến tìm một ẩn sĩ Ấn giáo tại chân núi Hy mã lạp sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện ông :
Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu hằng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ.
Vị bề trên hỏi tu sĩ Ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ Ấn giáo ôn tồn bảo : “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Và ông giải thích : “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Ngài”.
Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang vậy ? Nhưng có điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ đều có thể là Đấng Cứu Thế.
Vậy là từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn. (Trích “Món quà giáng sinh”)