SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VII THƯỜNG NIÊN C
CHÚA NHẬT
TIN MỪNG: Lc 6, 27-38
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.
SUY NIỆM
Những việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ xem ra nghịch lý với cái nhìn của con người, nhưng những điều đó nhằm để họ nên giống “Cha các con là Đấng nhân từ”.
Từ đó chúng ta thấy sự thánh thiện của Thiên Chúa vượt hẳn sự thánh thiện của con người. Tầm nhìn và cung cách đối xử của Thiên Chúa, con người không bao giờ nghĩ tới nếu không được Đức Giêsu mặc khải.
Vì thế trở thành môn đệ Đức Giêsu là một vinh dự để hướng đến giá trị cao cả vượt sức tự nhiên của con người.
Ví dụ lẽ tự nhiên chúng ta rất ghét kẻ làm hại mình, nhưng để trở nên giống Thiên Chúa Cha là Đấng nhân từ, chúng ta tập luyện để không còn ghét và đạt đến mức yêu cả kẻ của mình thì quả thật còn gì hạnh phúc bằng; và hạnh phúc đó vượt hẳn hạnh phúc theo kiểu thế gian.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, chúng con còn yếu đuối, còn bị những giá trị thế gian chế ngự nên chúng con thường hành động theo kiểu thế gian. Xin giúp sức để chúng con cố gắng trở nên giống Cha là Đấng nhân từ để hướng hành động của chúng con trở nên cao cả hơn.
THỨ HAI
TIN MỪNG: Mc 9, 13-28
Khi ấy, Chúa Giêsu (từ trên núi xuống) và đến cùng các môn đệ, Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông.
Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến chào Người. Và Người hỏi họ rằng: “Các ngươi tranh luận gì với nhau đó?” Một người trong đám đông trả lời rằng: “Lạy Thầy, tôi đem đến cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực”. Người đáp lại: “Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho Ta”. Và người ta đem nó đến.
Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Chúa Giêsu hỏi cha nó rằng: “Nó bị như thế từ bao giờ?” Ông ta đáp: “Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi”. Chúa Giêsu nói với ông: “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được”. Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: “Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi”. Chúa Giêsu thấy đám đông tuôn đến, Người nạt thần ô uế rằng: “Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa”. Sau khi kêu thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến đám đông nói: “Nó chết rồi”. Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng lên.
Khi Chúa vào trong nhà, các môn đệ hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?” Người đáp: “Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay”.
SUY NIỆM:
Các môn đệ của Đức Giêsu trong câu truyện này là những học trò xuất sắc vì họ dám thắc mắc: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?”(Mc 9, 28). Nhờ thắc mắc nên Đức Giêsu đã cho họ biết nguyên nhân tại sao họ “không làm nổi”, và nguyên nhân đó là: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9, 29)
Câu trả lời của Đức Giêsu nói lên sự thật về bản thân của Ngài, sự thật về ma quỷ và sự thật về các môn đệ.
Ngài chỉ cần phán một lời: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé này”(Mc 9, 25), thì lập tức: “Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi” (Mc 9, 26). Như vậy Ngài là Đấng quyền năng, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền chỉ bằng một lời phán. Ngài là Đấng “đỡ nó dậy, và nó đứng lên”. Sự đụng chạm của Ngài làm cho kẻ tưởng chừng như đã chết được sống lại trong đời sống mới, được thông phần vào sự phục sinh của Ngài. Ngài là Đấng ân cần dạy dỗ để các môn đệ cũng có được chia sẻ sức mạnh của Ngài.
Ma quỷ có sức mạnh gây nên những khổ sở cho con người: “Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra” (Mc 9, 18b). Sức mạnh của nó làm cho nhiều người tưởng đứa bé đã chết. Và như thế, hành động của ma quỷ hoàn toàn ngược lại với hành động của Đức Giêsu. Tuy nhiên chỉ cần Đức Giêsu phán một lời là lập tức nó làm theo. Như vậy ma quỷ rất sợ Đức Giêsu.
Môn đệ của Đức Giêsu cũng có thể trừ quỷ nếu họ có được sức mạnh từ nơi Ngài. Để có được sức mạnh đó, Đức Giêsu đã nói rất rõ ràng: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9, 29).
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, cám dỗ của ma quỷ ngày hôm nay là dùng mọi cách để loài người bỏ cầu nguyện, mất đi sự hiệp thông với Đức Giêsu, vì vậy họ trở nên yếu nhược. Xin cho chúng con tỉnh thức và nhớ rằng nếu không có sức mạnh của Chúa trong cầu nguyện, thì chúng con sẽ trở nên yếu nhược, và ma quỷ sẽ mặc sức mà hủy hoại cuộc đời của con. Xin lời của Đức Giêsu luôn vang vọng trong trái tim chúng con: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9, 29).
THỨ BA- 22/02: LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ
TIN MỪNG: Mt 16, 13-19
Khi ấy, Chúa Giêsu đến miền Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một trong các tiên tri!” Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”.
SUY NIỆM:
Sau một thời gian rao giảng cho dân chúng về Nước Trời, đây là lúc để Đức Giêsu đúc kết lại: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16, 13-19) Dân chúng không đáp ứng sứ điệp của Đức Giêsu, mặc dù có những lúc họ tôn Ngài lên làm vua, nhưng rõ ràng vị vua đó chỉ theo nghĩa trần tục.
Đức Giêsu đặt vấn đề với các môn đệ để chính các ông phải bày tỏ lập trường của mình: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai” (Mt 16, 15).
Ngày xưa ông Simon Phêrô đã đại diện anh em để tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Câu trả lời xuất sắc có sự trợ giúp của Đấng thông suốt mọi sự: “Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17). Dù như thế nào thì đó cũng là mặc khải của Thiên Chúa Cha về Đức Giêsu, để con người nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.
Câu hỏi “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15) cũng chính là câu hỏi Đức Giêsu dành riêng cho từng người chúng ta. Mỗi người hãy trả lời câu hỏi đó, vì chính nó sẽ định hướng cho cuộc đời của chúng ta.
Nếu nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, là chủ tể muôn loài muôn vật thì chắc chắn chúng ta sẽ suy phục Ngài bằng tất cả niềm tin.
Nếu nhìn nhận Đức Giêsu như một vĩ nhân hoặc một trong các vị thần khác, thì thái độ của chúng ta dành cho Ngài chỉ là sự ái mộ hoặc để tìm kiếm thế lực phục vụ lợi ích cho riêng mình.
Lời tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16) không phải chỉ một lần cho tất cả, nhưng nó phải được lặp lại thường xuyên để định hướng cho cuộc đời mình và nhắc lại mỗi khi chúng ta chọn lựa những giá trị khác ngoài Đức Kitô.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin tha thứ cho những lần chúng con chưa chọn Chúa làm chủ tể của cuộc đời mình. Và xin ơn trên giúp chúng con nhận ra sự thật về niềm tin mà con đã được ban cho vì đức tin của chúng con còn yếu kém. Chúng con cầu nguyện cho Đức Thánh Cha là Đấng kế vị thánh Phêrô để Ngài đủ sức bảo vệ Giáo hội và dẫn đưa dân Chúa về Nước Trời.
THỨ TƯ
TIN MỪNG: Mc 9, 37-39
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con”.
SUY NIỆM:
Qua Sự kiện có những người không thuộc nhóm môn đệ Chúa Giêsu cũng trừ quỷ. Điều này khiến Gioan đại diện cho anh em mình để trình bày bất bình có ý lấy điểm với Thầy Giêsu, nhưng quan điểm, cái nhìn của các ông đã bị phản bác. Qua đó Chúa Giêsu nâng cấp tầm nhìn cho các môn đệ mình.
Các môn đệ có cái nhìn phe nhóm, cục bộ. Cái nhìn của các ông tự thân đã khép kín tất cả để tự tôn bản thân và bảo vệ phe nhóm của mình.
Chúa Giêsu khẳng định những gì tốt đẹp đều bởi Thần Khí Chúa. Sự tốt đẹp đó được thể hiện ở tính toàn vẹn chứ không chỉ ở giới hạn nào.
Khẳng định của Chúa Giêsu cũng cho thấy giới hạn của con người. Mỗi người đều là một vẻ đẹp của Thiên Chúa, nhưng một người không thể là tất cả cho vẻ đẹp viên mãn đó. Vì vậy phải biết mở lòng ra để cho vẻ đẹp của Thiên Chúa được lan tỏa.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, nhiều khi vì sợ mất ảnh hưởng nên chúng con đã phủ nhận khả năng của người khác, thậm chí còn tìm cách cho nó trở nên xấu. Xin cho chúng con hiểu được tác động của Thánh Thần để mở rộng con tim, mở rộng tâm hồn góp phần làm cho Nước Chúa được trị đến.
THỨ NĂM
TIN MỪNG: Mc 9, 40-49
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai cho các con (uống) một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, thật Thầy bảo các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.
“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. Vì mọi người sẽ bị ướp bằng lửa.
“Muối là vật tốt, nhưng nếu muối ra lạt, các con lấy gì mà ướp nó cho mặn lại được? Các con hãy có muối ở trong mình và sống hoà thuận với nhau”.
SUY NIỆM:
Đời sống đức tin là một sự chọn lựa giữa còn và mất, giữa sống và chết, giữa thiên đàng và hỏa ngục.
Ai cũng biết những giới răn của Thiên Chúa và lời giảng dạy của Đức Giêsu là nhằm đưa chúng ta đến hạnh phúc đời đời, đến sự sống thật, đến bến thiên đàng. Còn việc chúng ta có đạt được những giá trị cao quý đó hay không là do sự chọn lựa của chúng ta.
Chọn lựa nào cũng có giá trị của nó. Những giá trị thuộc về ma quỷ, xác thịt và thế gian thì khỏi phải trả giá ở đời này vì ma quỷ luôn khuyến mãi cho chúng ta. Những giá trị linh thánh, những giá trị cao cả của Tin Mừng thì đòi hỏi chúng ta phải dấn thân vào qua cửa hẹp, phải trả một cái giá rất đắt, nhiều khi bằng cả mạng sống mình nữa.
Nhưng cái giá ở đời sau cho những chọn lựa theo ma quỷ, xác thịt và thế gian thì ai cũng biết: phải sa hỏa ngục. Còn cái giá cho những chọn lựa sống theo Tin mừng thì ai cũng mong muốn, đó là hạnh phúc ngàn thu.
Vấn đề là chúng ta không đủ sức để chọn lựa những giá trị đòi chúng ta phải hy sinh, chính vì thế chúng ta thường hay chọn những sự dễ dãi.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh để chúng con biết dứt khoát với những điều xấu hầu thuộc trọn về Chúa. Xin cho những người có trách nhiệm giáo dục biết hướng dẫn người trẻ những giá trị linh thánh, và tập cho họ một ý chí mạnh mẽ để họ nhạy bén hơn với những cám dỗ của ma quỷ, cũng như can đảm từ bỏ những điều xấu.
THỨ SÁU
TIN MỪNG: Mc 10, 1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ”.
Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.
SUY NIỆM:
Đức Giêsu mặc khải cho biết Thiên Chúa là Đấng trung thành, vì vậy những gì liên quan đến Ngài cũng phải trung tín với nhau.
Mọi trục trặc trong đời sống tự nhiên hay siêu nhiên đều do con người mất đi sự trung tín. Với Thiên Chúa khi người ta loại trừ Ngài. Với vũ trụ vạn vật khi người ta sử dụng nó để trục lợi cho bản thân. Với người khác khi người ta không đủ yêu thương và còn phản bội…
Đời sống hôn nhân gia đình là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa một cách rõ ràng nhất, vì vậy càng phải là khuôn mẫu cho sự trung thành của Thiên Chúa trong mọi sự.
Sự phản bội là do không có tình yêu hoặc tình yêu chỉ là vị kỷ. Do đó con người phải rèn luyện để tình yêu của mình được thăng tiến, được vươn cao vượt lên những ích kỷ của bản thân mình.
Cầu nguyện, hy sinh, phục vụ là phương thế để nâng cấp tình yêu.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết làm chủ lý trí, ý chí và tự do của mình để làm chứng cho Thiên Chúa là Đấng trung thành. Đừng để chúng con vì những đam mê bất chính mà không trung thành với Thiên Chúa, ruồng rẫy thiên nhiên và phản bội con người.
THỨ BẢY
TIN MỪNG: Mc 10, 13-16
Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.
SUY NIỆM:
Sự hấp dẫn của Đức Giêsu khiến cho dân chúng tuôn đến với Ngài rất đông, đến nỗi các môn đệ đã tìm cách ngăn cản người khác đến với Ngài, kể các các trẻ em.
Hành động của các môn đệ xuất phát từ việc lo cho Thầy, muốn Thầy có thời giờ nghỉ ngơi, ăn uống để tiếp tục công việc rao giảng. Nhưng hành động đó đã làm cho Thầy: “Bực mình với các ông” (Mc 13, 14).
Đức Giêsu đã nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.”(Ga 5, 17, 30). Đức Giêsu không muốn nghỉ ngơi trong khi người ta tìm đến với Ngài, nhất là trẻ em, hình ảnh của những công dân nước trời đích thực.
Các môn đệ có cái nhìn của người đời, và quả thật điều đó là đúng đắn, làm việc phải có lúc nghỉ ngơi. Nhưng tại sao Đức Giêsu lại bực mình? Thưa vì các ông đã ở bên Ngài trong thời gian khá dài, vậy mà các ông chưa hiểu được tâm tư của Ngài. Hơn thế nữa, Đức Giêsu muốn gởi đến cho các ông một sứ điệp, đó là bằng mọi giá phải để cho người khác tiếp xúc với sự linh thánh.
Tôi đã biết bắt chước Đức Giêsu để luôn thao thức với công cuộc rao giảng Nước Trời, và đã dành ưu tiên số một cho việc đó chưa, hãy vẫn còn để cho những giá trị phàm tục chi phối cuộc đời mình?
Tôi có vui vẻ đón tiếp người khác, nhất là những người thao thức về đời sống đức tin hãy tôi còn sợ bị quấy rầy, hoặc chỉ chọn lựa những người đem lại lợi ích cho tôi.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, với bản tính con người, cũng có những lúc chúng con mệt mỏi, chán chường, vì thế con không tích cực với những công tác của Giáo hội, xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin giúp sức để chúng con cùng chung thao thức với Chúa mà đem đến niềm vui ơn cứu độ cho mọi người.