Sunday, November 24, 2024
spot_img

[Bài viết] Dụ ngôn là gì?

Trong suốt những năm đi rao giảng, Chúa Giêsu thường kể những câu chuyện để minh họa những điểm quan trọng trong giáo lý của Ngài. Những câu chuyện này được gọi là “dụ ngôn”, vì qua những câu chuyện đời thường, Chúa Giêsu muốn dạy mọi người những bài học thiêng liêng nào đó. Vậy dụ ngôn là gì?

Chúa Giêsu kể dụ ngôn

Dụ ngôn là một câu chuyện minh họa, trong đó một ý tưởng cụ thể, quen thuộc được sử dụng để nói về một ý tưởng khác cao siêu khó nắm bắt hơn, thông qua sự tương tự của hai ý tưởng đó. Ví dụ: Chúa Giêsu nói: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6,39). Dụ ngôn muốn nói rằng chúng ta sẽ chẳng thể dẫn dắt hoặc giúp đỡ được ai khi bản thân vẫn còn sống trong u mê, tăm tối vì thiếu hiểu biết về những chân lý của Chúa.

Trong các Tin mừng, nhất là Tin mừng Nhất lãm, đã ghi lại rất nhiều câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu; có đến một phần ba nội dung của Tin mừng được kể bằng dụ ngôn. Đây là những câu chuyện đơn giản, ngắn gọn, với những hình ảnh quen thuộc được rút ra từ cuộc sống thường ngày, như: gieo giống, đánh cá, chăn chiên, người làm vườn nho, tiệc cưới… nhằm truyền đạt những sứ điệp thiêng liêng như: tình yêu, sự tha thứ, Nước Trời, đức tin, cánh chung…

Dụ ngôn người gieo giống

Các dụ ngôn của Chúa Giêsu đa dạng và với nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta có thể chia các dụ ngôn của Ngài thành ba nhóm:

(1) Nhóm so sánh: Dùng những hình ảnh đời thường để so sánh những sự thiêng liêng. Ví dụ: “Nước Trời cũng giống như chuyện…” (Mt 13,31.33.44; Mt 20,1-2; Mt 25, 1), hay “Nhưng tôi sẽ so sánh thế hệ này với điều gì?…” (Mt 11, 16-19).

(2) Nhóm ẩn dụ: Dùng những hình ảnh đời thường nhưng người nghe sẽ ngầm hiểu là nói về những sự thiêng liêng. Ví dụ: Xây nhà trên đá và xây nhà trên cát (Mt 7,24-27), dụ ngôn xem quả biết cây (Mt 12,33).

(3) Nhóm câu chuyện dụ ngôn đầy đủ: Được kể dưới dạng một câu chuyện đầy đủ nhằm truyền đạt một thông điệp nào đó. Dạng này được Chúa Giêsu dùng rất nhiều trong các bài giảng của Ngài. Ví dụ: dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15, 11-32), dụ ngôn những người làm việc cho vườn nho (Mt 20,1-16), dụ ngôn mười cô trinh nữ (Mt 25,1-13),…

Dụ ngôn người cha nhân hậu

Vậy khi đọc các dụ ngôn, người ta có thể hiểu sai hoặc bỏ sót những ý nghĩa của chúng không? Câu trả lời là có.

Một điều kỳ diệu là khi giảng dạy bằng dụ ngôn, Chúa Giêsu có thể che giấu sự thật khỏi những người quá lười biếng, thành kiến ​​hoặc cứng lòng tin. Vì vậy, có thể bạn hiểu nhầm, nhưng nếu bạn thật lòng tìm kiếm sự thật và để một vài nguyên tắc đơn giản hướng dẫn, bạn sẽ thấy những câu chuyện dụ ngôn thật phong phú và bổ ích:

1. Giữ nó đơn giản: Truyện dụ ngôn không phải là truyện ngụ ngôn. Mỗi chi tiết không có nghĩa là một cái gì đó hoặc đại diện cho một cái gì đó khác. Trong hầu hết các dụ ngôn (không phải tất cả), có một thông điệp chính, và các chi tiết không đáng kể. Thường thì các câu chuyện dụ ngôn chỉ được nghe một lần, vì vậy chúng cần một ý nghĩa đơn giản để có thể hiểu, cũng như tạo ra tác động ngay lập tức nơi người nghe.

2. Tìm hiểu bối cảnh (địa lý, hoàn cảnh xã hội, v.v.): Chúng ta sẽ càng thấy sự sâu sắc của các dụ ngôn khi bản thân biết điều gì đó về bối cảnh hoặc các yếu tố trong câu chuyện. Ví dụ: câu chuyện về người Samaritanô nhân lành sẽ có ý nghĩa hơn biết bao khi chúng ta biết người Do Thái và người Samari cực kỳ ghét nhau. Chúa Giêsu dạy rằng chúng ta nên giúp đỡ những người sống chung quanh mình, thậm chí ngay cả khi họ là kẻ thù xấu xa nhất của chúng ta.

3. Bước vào dụ ngôn: Truyện dụ ngôn có các nhân vật và hành động, và sức mạnh của truyện dụ ngôn không phải đến từ việc câu chuyện có thật hay không, mà là từ các nhân vật và hành động trong đó. Khi chúng ta đang đọc một câu chuyện dụ ngôn, hãy tìm xem mình là nhân vật nào và Chúa Giêsu nói chúng ta nên trở thành nhân vật nào. Điều này sẽ khiến cho từng người trở nên “nhập tâm” hơn để có thể hiểu được những sứ điệp của Chúa

4. Biến thành hành động: Bây giờ chúng ta hãy áp dụng những gì Chúa Giêsu dạy vào cuộc sống của mình. Các dụ ngôn là những công cụ giảng dạy tuyệt vời, nhưng chúng sẽ không đạt được nhiều thành quả nếu mỗi người không hành động theo những gì mình đã học.

Dụ ngôn kho kháu trong ruộng

Tóm lại, Chúa Giêsu đúng là bậc thầy giảng dạy các dụ ngôn. Các câu chuyện dụ ngôn của Ngài thường có một khúc quanh hoặc kết thúc bất ngờ khiến chúng ta chú ý và rút ra cho mình những bài học thiêng liêng. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng: Nếu không hiểu các dụ ngôn của Chúa Giêsu, chúng ta không thể nào hiểu gì về bản thân Ngài.

Tâm Minh

Tài liệu tham khảo

  1. Koester, Helmut. 7 6 2020. Những dụ ngôn của Chúa Giêsu.. Đã truy cập 10 9 2021. https://gpquinhon.org/q/than-hoc/nhung-du-ngon-cua-duc-giesu-3406.html.
  2. The Parables of Jesus. Đã truy cập 10 9 2021. https://www.christianbiblereference.org/ jparable.htm.
  3. Nguyễn Ðăng Trúc. Các dụ ngôn. Đã truy cập 10 9 2021. https://vntaiwan.catholic.org.tw/ trebible/dungon.htm.
  4. Zavada, Jack. The Purpose of Parables in the Bible. Đã truy cập 9 10, 2021. https://www.learnreligions.com/what-is-a-parable-700744.
  5. Four Ways to Better Understand the Parables of Jesus. Đã truy cập 10 9 2021. www.faithwire.com/

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here