Friday, November 22, 2024
spot_img

[Bài viết] Thư quy Kinh Thánh

Lm Phêrô Lê Tấn Lợi

I. Thư quy là gì?

Trong bất cứ tôn giáo nào cũng có nhiều người viết sách về tôn giáo. Có những người viết sách cách nghiêm chỉnh nên đáng được tin theo. Bên cạnh đó cũng có những người và những sách viết không nghiêm chỉnh nên không đáng tin. Bởi thế những vị hữu trách của tôn giáo phải nghiên cứu và chọn lựa: chọn những sách nghiêm chỉnh và công nhận chúng là Sách Thánh để cho tín đồ đọc và tin theo; đồng thời, loại bỏ những sách không nghiêm chỉnh, không coi chúng là Sách Thánh.

Việc chọn lọc này tiếng Hy Lạp gọi là Canon. Nghĩa đầu tiên của chữ này là quy luật, quy định.

Trong vấn đề chúng ta đang bàn, đây là quy định xem sách nào viết nghiêm chỉnh và đáng làm mẫu mực cho đức tin. Cho nên ta gọi là Thư quy, nghĩa là qui định về sách. Có người dịch chữ Canon kiểu khác nữa như: Quy điển, Kinh bộ….

Tóm lại, thư quy là những qui định sách nào là sách thánh.

II. Thư quy Do thái giáo

Thư quy Do thái giáo gồm có hai: Thư quy Palestin và Thư quy Alexandria.

1. Thư quy Palestin

a. Tên gọi

Được gọi là Thư quy Palestin bởi vì được những người Do Thái cư ngụ ở Palestin thừa nhận.

b. Lịch sử hình thành

Ban đầu, người Do Thái không quan tâm lập thư quy. Biến cố thúc đẩy họ làm việc này là biến cố thành Giêrusalem thất thủ vào tay quân Rôma năm 70. Khi đó tất cả các phe nhóm trong xã hội Do Thái như Xa đốc, Essêni, Cuồng Nhiệt… đều tan rã. Chỉ còn lại những người Pharisêu.

Những người Pharisêu chạy về tập họp tại Jamnia, một thành phố ven bờ Địa Trung Hải, để nhận định những nguyên do đã khiến đất nước rơi vào tay quân thù; đồng thời, tìm biện pháp để cứu vãn tinh thần tín ngưỡng và dân tộc. Theo họ, một trong những nguyên nhân đưa đến mất nước là sự thiếu đoàn kết, nhất là trong việc chọn Sách Thánh. Vì thế họ đã cùng nhau lựa lọc những sách tôn giáo hiện hành rồi định ra một danh sách những quyển nào mà họ cho là Sách Thánh.

c. Tiêu chuẩn chọn lựa

Trong số các tiêu chuẩn để chọn lựa, có hai tiêu chuẩn sau:

– Một là nội dung đáng tin cậy.

– Hai là sách viết bằng chữ Hipri.

d. Số lượng.

Kết quả là họ đưa ra một thư quy gồm 38 quyển như sau: 5 quyển của bộ Ngũ Thư ; toàn bộ các sách Ngôn sứ ; một số sách Lịch sử, Thi ca và Minh triết.

2. Thư quy Alexandira

a. Tên gọi.

Được gọi là Thư quy Alexandria bởi vì được những người Do Thái ở hải ngoại nhóm họp tại Alexandria để chọn lựa sách thánh.

b. Lịch sử hình thành

Có nhiều tín đồ Do Thái sống ở nước ngoài, theo văn hóa Hy Lạp. Những người này họp nhau lại tại thành phố Alexandria ở Ai cập và định ra một thư quy khác gồm những sách của Thư quy Palestina, nhưng thêm một số sách viết bằng tiếng Hy lạp nữa.

Những sách thêm vào là: Giuđitha, Tôbia, 2 quyển Macabê, Khôn ngoan, Huấn ca, Barúc và các thư của Giêrêmia (nhiều người coi hai quyển này là một), và một vài đoạn viết bằng chữ Hy Lạp trong sách Étte.

c. Số lượng.

Thư quy này có thêm 7 (hoặc 8) quyển nữa, tổng cộng là 45 (hoặc 46) quyển. Tất cả đều là Cựu Ước.

III. Thư quy Kitô giáo

Thư quy Kitô giáo cũng có hai: Thư quy Tin lành và thư quy Công giáo. Hai thư quy này khác nhau ở phần Cựu Ước. Còn phần Tân Ước thì giống nhau gồm 27 quyển.

1. Thư quy Tin lành

a. Cựu Ước: Anh em Tin lành chọn thư quy Palestin của người Do Thái, gồm có 38 quyển.

b. Tân Ước: Giống thư quy Công giáo, gồm có 27 quyển.

c. Tổng số: 38 + 27 = 65 quyển.

2. Thư quy Công giáo.

a. Cựu Ước: Công giáo theo thư quy Alexandria của người Do Thái, gồm có 46 quyển.

b. Tân Ước: Gồm có 27 quyển.

c. Tổng số: 46 + 27 = 73 quyển.

IV. Khác biệt về truyền thống giữa Công giáo và Tin lành.

Ngoài khác biệt về số lượng sách, giữa Công giáo và Tin lành, còn một khác biệt quan trọng hơn, đó là về tương quan giữa quyền của Hội thánh và việc giải thích Kinh Thánh:

1. Công giáo

Việc giải thích Kinh Thánh phải ở dưới quyền Hội thánh. Hiến chế Dei Verbum, số 12, viết: “Mọi điều liên hệ đến việc giải thích Kinh Thánh cuối cùng đều phải tùy thuộc vào quyền phán quyết của Hội thánh, vì Hội thánh được Chúa giao cho sứ mệnh và chức vụ gìn giữ và giải thích Lời Chúa”.

2. Tin lành

Đặt việc giải thích Kinh Thánh trên quyền Hội Thánh: “Hội Thánh phải ở dưới quyền của Kinh Thánh… Hội thánh không phải là người giải thích tối hậu Kinh Thánh, mà phải để cho Lời Chúa hướng dẫn[1].

Do sự khác biệt này nên những ấn bản Kinh Thánh của Công giáo thường có in thêm những lời chú thích, còn của Tin lành chỉ in nguyên văn Kinh Thánh thôi, phần giải thích tùy mỗi cá nhân.

Nhưng gần đây, tất cả các Giáo hội Kitô thuộc phần thế giới nói tiếng Pháp[2], đã hợp tác để dịch và in một bộ Kinh Thánh chung được đặt tên là TOB, bản dịch Kinh Thánh đại kết[3]. Để dung hòa những khác biệt, ấn bản này đã thu xếp như sau:

a. Về các sách: Những sách nào được tất cả công nhận thì in ở phần đầu; những sách không được nhất trí công nhận thì cũng in nhưng in ở phần sau.

b. Về các chú thích: Cũng in nhưng chỉ in những chú thích nào được tất cả mọi phía nhất trí.


[1] Những suy nghĩ và đề nghị của Ủy Ban hỗn hợp Công giáo và Tin Lành nước Pháp, năm 1986.

[2] Công giáo, Tin lành, Chính Thống.

[3] TOB: Traduction Oecuménique de la Bible.

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here