Friday, September 20, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 22 | Năm B

TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN NĂM B

CHÚA NHẬT: VỆ SINH TÂM HỒN

Tin Mừng : Mc 7,1-8a.14-15.21-23

Một hôm, có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân : họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu : “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?” Người trả lời họ : “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng : Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.

Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy rtì truyền thống của người phàm”. Sau đó, Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo : “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiêu cho rõ : Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thê làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế”.

Suy Niệm:

VỆ SINH TÂM HỒN

Thông điệp “5K” là từ hot nhất hiện nay, trong đó có việc sát khuẩn để phòng tránh dịch bệnh COVID-19.

Không phải do dịch bệnh COVID-19 mà có việc sát khuẩn. Thực sự ra đó là việc rất cần thiết trong việc gìn giữ sức khỏe mà thời nào người ta cũng phải làm.

Điều đáng nói là trong thời của Đức Giêsu, một số người không còn xem việc sát khuẩn là giữ vệ  sinh, mà họ đã lệch lạc đưa nó vào luân lý: nếu không sát khuẩn, không rửa tay là có tội. Vì vậy họ dò xét các môn đệ của Đức Giêsu để bắt bẻ họ: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?” Không phải họ quan tâm đến vấn đề vệ sinh, mà họ đang kết án các môn đệ Đức Giêsu đã vi phạm lề luật, đã phạm tội.

Đức Giêsu chắc chắn đã dạy các môn đệ mình giữ “giới luật phàm nhân”, bằng việc giữ vệ sinh, sát khuẩn,  nhưng thông điệp mà Ngài muốn gửi đến qua lời Chúa hôm nay không chỉ riêng cho các môn đệ, cho các kinh sư và những người Pharisêu, mà còn cho tất cả mọi người chúng ta, đó là : phải giữ vệ sinh tâm hồn.

Ngài nói : “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thê làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế”. Thân thể có mất vệ sinh cũng không nghiêm trọng bằng tâm hồn mất vệ sinh, nghĩa là ô uế.

Trong cơn dịch bệnh, mọi người lo giữ việc khử khuẩn, sát trùng và những chỉ dẫn khác. Tuy nhiên rồi thân thể chúng ta cũng sẽ bị ô nhiễm và dẫn đến cái chết, nếu không chết vì virus Corona thì cũng chết vì những vi khuẩn khác. Tóm lại, giữ vệ sinh bên ngoài là cần thiết, nhưng không quan trọng trong đời sống đức tin.

Trong đời sống đức tin, quan trọng nhất là phải giữ “vệ sinh tâm hồn”, nhất là trong lúc dịch bệnh nguy hiểm, tử thần rình rập, chúng ta còn có niềm hy vọng đời sau. Nhưng nếu tâm hồn chúng ta bị ô uế thì đời sau cũng sẽ chẳng được gì vì nó sẽ sống trong đau khổ.

Thế cho nên trong lúc khủng hoảng do dịch bệnh, là lúc chúng ta củng cố đức tin, như dịp để “khử khuẩn” cho tâm hồn chúng ta nên sạch đẹp. Hãy tin tưởng vào Chúa để được hạnh phúc muôn đời.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, Chúa cần những gì phát xuất từ bên trong tâm hồn chúng con. Nhưng thực sự bên trong tâm hồn chúng con cũng chẳng có gì tốt đẹp, nếu không có lòng thương xót và ơn thánh của Chúa. Vì vậy xin tẩy rửa tâm hồn chúng con cho sạch đẹp bằng chính sự thống hối ăn năn và ơn tha thứ của Chúa. Amen.

THỨ HAI: CHO NGƯỜI NGHÈO

Tin Mừng: Lc 4, 16-30

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”

Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: “Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình”; “điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông”. Người nói tiếp: “Ta bảo thật các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.

Suy Niệm :

CHO NGƯỜI NGHÈO

Giá trị của một con người là ở chỗ họ chọn và sống hết mình với lý tưởng đúng đắn mà họ đã chọn.

Từ lời ngôn sứ Isaia tiên báo về Đấng Cứu Thế: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”, Đức Giêsu đã quả quyết: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Như vậy Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế. Muốn biết có thật hay không chúng ta hãy nhìn vào những gì Ngài thể hiện, xem có đúng với những lời ngôn sứ loan báo hay không.

Cả cuộc đời của Ngài đã dành cho “người nghèo” nói chung, và liệt kê cách cụ thể là những người tội lỗi, bệnh tật, lương dân, bị bỏ rơi, bị áp bức… Bằng chứng hùng hồn nhất chính là cái chết của Ngài để sinh ơn cứu độ cho “những người nghèo”.

Ơn cứu độ đó được tiếp nối cho mỗi chúng ta khi biết “rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Đó phải là lý tưởng cho đời Kitô hữu, kẻo chúng ta chỉ là những người mang danh Kitô hữu.

Một đời sống tận tình yêu thương, tận tâm phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo của Thiên Chúa, chính là lý tưởng cao cả nhất của chúng ta, và cũng chính là việc loan báo Tin Mừng; vì Tin mừng cốt yếu là con người được Chúa yêu thương.

Chính vì thế, trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc khó khăn, không cần phân biệt thành phần, đẳng cấp, trình độ… nhưng hễ ai phục vụ cách tận tình thì sẽ được yêu thương. Đó chính là Tin mừng trong đời sống chúng ta.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con ra khỏi chính mình để nhìn thấy lý tưởng cao cả chính là việc sống theo thánh ý của Chúa, mà thánh ý của Chúa là  “sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Xin cho con sống trọn vẹn cho người nghèo. Amen.

THỨ BA: LỜI QUYỀN NĂNG

Tin Mừng: Lc 4, 31-37

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: “Hãy câm đi và ra khỏi người này”. Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó. Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: “Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra”. Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.

Suy Niệm:

LỜI QUYỀN NĂNG

Có những người la mắng, thậm chí cầm cây rượt đánh khi con cái làm điều sai nhưng nó chẳng sợ, làm cha mẹ càng tức thêm. Nhưng có những người chỉ cần “tằng hắng” một tiếng, nhìn một cái thì lập tức đứa con ngưng ngay việc sai trái nó đang làm.  Đó là dấu chỉ cho thấy uy thế của một người trong lời nói cũng như hành động.

Đức Giêsu là Đấng có uy quyền khi Ngài chỉ cần “trách mắng nó” thì lập tức nó đã xuất ra khỏi người bị nhập. Quyền năng của Đức Giêsu là hiển nhiên, vì Ngài là Thiên Chúa làm người.

Hãy nhìn đến người bị hại. Anh ta khổ sở bởi thế lực của ma quỷ, nhưng anh ta được giải thoát bởi sức mạnh quyền năng của Đức Giêsu.

Mọi người kinh hãi và bảo nhau “Lời gì mà lạ lùng vậy?” Lời quyền năng của Chúa chứ lời gì! Quyền năng đó giải phóng và đưa con người từ tình trạng tồi tệ đến tình trạng tốt đẹp.

Chính lời quyền năng của Đức Giêsu cũng đã giải phóng nhiều người khi họ biết để cho lời Chúa thấm nhập, thẩm thấu vào cuộc đời họ. Lời quyền năng đó có sức thay đổi cả những người với cái nhìn tự nhiên ta gọi là “bó tay” như Augustinô, Inhaxiô…

Ngay chính bản thân mỗi người cũng cảm nhận được lời quyền năng của Thiên Chúa khi Lời Chúa chính là châm ngôn, là động lực sống của chúng ta. Ví dụ khi chán nản trong việc bác ái, tôi nhớ lại châm ngôn của mình là “Mọi sự vì đức ái” (1Cr 16,14). Khi bị ai xúc phạm tôi nhìn câu lộc thánh treo trước bàn thờ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34)…

Và, nhất là chính bản thân chúng ta cũng có sức mạnh của lời quyền năng khi góp phần biến đổi sự dữ thành sự lành, điều xấu thành điều tốt… Nhưng ngược lại khi chúng ta là nguyên nhân để dẫn đến bất đồng, chia rẻ, thậm chí gương mù gương xấu cho người khác, là chúng ta đang trở thành thế lực của ma quỷ.

Lạy Chúa, Chúa có Lời ban sự sống, Lời mang lại hạnh phúc đích thực khi giúp phơi bày sự thật, lột trần xấu. Xin cho chúng con biết tin tưởng vào Lời, và để cho Lời tác động, biến đổi lên cuộc đời của chúng con. Amen.

THỨ TƯ: TRAO BAN TRỌN VẸN

Tin Mừng: Lc 4, 38-44

Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa”. Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Ðức Kitô.

Ðến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.

Suy niệm:

TRAO BAN TRỌN VẸN

Tình yêu hay nói rộng ra là tình thương, sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm lẫn nhau giữa những con người sẽ mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc và những lợi ích cho cả người trao lẫn người đón nhận nó.

Thiên Chúa là tình yêu. Bản chất của Ngài yêu thương, là trao ban, là chăm sóc. Nhạc mẫu của ông Simon dù chỉ bị cảm sốt, tình trạng không nguy hiểm, nhưng Đức Giêsu phải chữa lành, trước hết vì Ngài là tình yêu, kế đến vì hôm nay Đức Giêsu ghé tại nhà bà, nên bà phải mạnh khỏe, bà phải có niềm vui, được hạnh phúc.

Một ngày sống của Đức Giêsu là một sự trao ban trọn vẹn. Sự trao ban đó được kín mục từ việc kết hiệp với Thiên Chúa Cha trong một nơi hoang vắng để cầu nguyện, từ đó Ngài lấy thêm sức mạnh để tiếp tục thực thi sứ mạng.

Được thôi thúc bởi Thiên Chúa Cha là nguồn mạch yêu thương, Ngài chăm sóc mọi người, nhất là những người bất hạnh, Ngài không muốn bỏ rơi một ai. Cảnh tượng dân chúng chen nhau đến với Ngài cho ta một sự mệt mỏi, nhưng không, tình yêu thôi thúc Ngài vượt qua mọi rào cản của sự mệt mỏi, chán chường, thậm chí cả những dèm pha của những người thân cận.

Tuy nhiên dù làm gì Ngài vẫn nhớ sứ mạng của mình là: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến” để không bị những quyến rũ của thành công, của sự hâm mộ ràng buộc Ngài: phải lên đường để thi hành sứ vụ.

Nhìn, suy nghĩ, cảm mến tình yêu trao ban nơi cuộc đời của Đức Giêsu để trở thành động lực, gương mẫu cho đời sống chúng ta khi biết trao ban mỗi ngày. Trao ban càng nhiều, càng trọn vẹn sẽ làm ta càng trở nên giống Đức Giêsu.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, giữa một thế giới ích kỷ chỉ muốn đón nhận, xin cho người môn đệ của Đức Giêsu dám lôi ngược dòng để đừng bị tiêm nhiễm thói chỉ sống cho riêng mình, mà phải dám ra khỏi chính mình để trao ban từng ngày, từng giờ trong suốt cả cuộc đời; và trao ban trọn vẹn. Amen.

THỨ NĂM: THUYỀN ĐỜI KHÔNG ĐƠN ĐỘC

Tin Mừng: Lc 5, 1-11

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Ghênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng.

Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Suy Niệm:

THUYỀN ĐỜI KHÔNG ĐƠN ĐỘC

Đức Giêsu tận dụng mọi phương thế để loan báo Tin Mừng, thậm chí nhờ vả phương tiện người khác để chuyển tải thông điệp Thiên Chúa là Cha yêu thương.

Ngài xuống thuyền của Simon, như bước vào chính cuộc đời của ông, để ông không còn là kẻ được nhờ vả, mà chính ông sẽ trở thành người loan báo Tin mừng cứu độ của Thiên Chúa.

Để củng cố lòng tin và thêm sức mạnh cho Simon, Đức Giêsu đã cho ông một mẻ cá lạ lùng, để ông xác quyền rằng Đức Giêsu đang ở chung thuyền cuộc đời với ông, nên ông sẽ không lẻ loi, đơn độc, mà từ nay ông sẽ hành động bởi sức mạnh của người bạn đồng hành trên chiếc thuyền đó.

Sống cần phải nương tựa vào nhau. Chính Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng khi mặc lấy phận người cũng phải nhờ vả, cậy dựa vào những người bạn của Ngài, cụ thể là nhờ thuyền của ông Simon hôm nay.

Ngoài việc nương tựa, còn phải hợp sức và đôi khi phải trở thành sức mạnh để giúp những con người nghĩ rằng mình là chủ nhân của cuộc đời, để từ nay biết khiêm tốn nương tựa vào nhau.

Trong hoàn cảnh càng khó khăn, bi đát, những ai biết nương tựa vào nhau, biết hợp sức, hợp lòng thì họ sẽ được những “mẻ cá lạ lùng”.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, cơn dịch bệnh chúng con đang đối diện sẽ mãi mãi đi vào lịch sử với tên gọi đại dịch COVID-19. Đại dịch này như cơn sóng khủng khiếp đang ập vào chiếc thuyền cuộc đời chúng con. Trong cơn hoang mang, sợ hãi chúng con nhận ra mình không đơn độc vì có Chúa đang cùng ở trên thuyền; có anh chị em là những người đang quan tâm chia sẻ với chúng con trong lúc này. Vì vậy xin cho chúng con tin tưởng vào Chúa, và biết nương tựa vào nhau. Amen.

THỨ SÁU: CÓ CHÀNG RỂ SẼ CÓ NIỀM VUI

Tin Mừng: Lc 5, 33-39

Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?” Người đáp lại rằng: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy”.

Người còn nói với họ thí dụ này rằng: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: ‘Rượu cũ thì ngon hơn’ “.

Suy niệm:

CÓ CHÀNG RỂ SẼ CÓ NIỀM VUI

Thông điệp chính yếu từ lời Chúa hôm nay đó là “có Chàng rể sẽ có niềm vui ”. Chàng rể mà Luca muốn nói đến chính là Đức Giêsu. Thời đại của Đức Giêsu là thời đại của Tin Mừng, của nieèm vui. Vì vậy có Ngài đời sẽ vui.

Môn đồ của ông Gioan và môn đồ của những người Biệt Phái ăn chay là để mong chờ niềm vui cứu độ, mong chờ ngày chàng rể đến. Còn môn đệ Đức Giêsu đang sống với Ngài, đang ở với “Chàng Rể” nên họ đã có niềm vui, họ không cần phải ăn chay theo cách thức để mong chờ nữa.

Tuy nhiên có những lúc chúng ta phải ăn chay để tìm lại niềm vui ơn cứu độ khi chúng ta xa lìa Chúa, khi chúng ta cảm thấy khô khan nguội lạnh, khi chúng ta đang lạnh nhạt trong tình yêu thương… những lúc đó phải ăn chay để tìm lại niềm vui trong tâm hồn.

Và cả những lúc gặp gian truân thử thách như hiện tại, đó cũng chính là lúc chúng ta phải “ăn chay” vì đây là thời gian thanh luyện để đón nhận niềm vui. Có lẽ vì chúng ta đã quá phóng túng nên cần phải có những lúc chay tịnh để loại trừ những gì độc hại mà chúng ta đã dung nạp.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, thời nào cũng vậy, việc chay tịnh, sám hối là cần thiết vì Chúa là niềm vui, nhưng chúng con chưa đón nhận niềm vui đó, lại tìm kiếm những thú vui mang lại sự độc hại cho đời sống, tâm hồn. Xin Chúa thương xót thanh luyện để chúng con được sạch. Amen.

THỨ BẢY: BƯỚC ĐI TRONG TỰ DO

Tin Mừng: Lc 6, 1-5

Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các ông chưa đọc điều Ðavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi”. Và Người bảo họ rằng: “Con Người làm chủ cả ngày Sabbat”.

Suy niệm:

BƯỚC ĐI TRONG TỰ DO

Tất cả mọi lề luật, giới răn không nhằm kềm kẹp, phong tỏa con người, nhưng là để giải phóng, để giúp họ trên hành trình tiến đến tự do đích thực.

Thiên Chúa biết với bản tính yếu đuối của con người, họ sẽ dễ đi theo tự do thái quá dẫn đến việc thay vì tìm đến hạnh phúc, họ sẽ bị diệt vong vì sai đường lạc lối. Ông bà nguyên tổ là bằng chứng cho sự tự do đó.

Lề luật là cần thiết để giúp con người nên hoàn thiện, nhưng nếu quá khắt khe, hoặc sử dụng lề luật với mục đích kềm kẹp, bắt bẻ người khác, thì lúc đó chúng ta đang trở thành nô lệ chứ không phải người tự do.

Căn bản của lề luật là yêu thương. Vì thế phải có yêu thương mới chu toàn lề luật, còn nếu không sẽ trở thành gánh nặng cho chính mình và cho người khác nữa.

Những người Biệt Phái cứ rình rập để bắt bẻ Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài, chỉ nguyên thái độ đó là đã thiếu bác ái, thiếu yêu thương chứ chưa cần nói đến việc họ bắt bẻ đúng hay sai.

Người môn đệ Đức Giêsu là người bước đi trong tự do của ân sủng và lề luật Chúa. Chính vì thế chúng ta đừng để cho bản tính ích kỷ, ten tương khiến chúng ta thành nô lệ cho lề luật. Hãy bước đi tình yêu cứu độ của Đức Giêsu, một tình yêu muốn giải phóng chứ không phải để rành buộc.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã làm mọi cách để chúng con được hưởng ơn cứu độ sau thất bại vì đi tìm tự do không đúng đắn của ông bà nguyên tổ. Xin cho chúng con cảm nhận được ân tình của Chúa, để tuân giữ mọi giới răn, lề luật bằng tất cả tình yêu thương, vì chúng con biết Chúa luôn muốn những điều tốt đẹp cho chúng con. Và thêm nữa, xin cho chúng con đừng dò xét người khác vì mỗi người đều có tự do của riêng họ. Amen.

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here