Tuesday, December 24, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 20 | Năm B

Lm. Giuse Nguyễn

CHÚA NHẬT: 15/08
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Tin Mừng: Lc 1, 39-56

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”.

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà Mình.

Suy Niệm:

Hôm nay Đức Maria đã được rước lên Trời. Hôm nay cả triều thần thiên quốc đều vui mừng vì phần thưởng xứng đáng của Mẹ. Có thể nói đây là kết quả của cuộc gặp gỡ mà cả cuộc đời của Mẹ đã thực hiện.

Trước hết là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa qua thánh ý của Ngài. Mẹ đã nói tiếng Xin vâng để làm theo những gì Chúa muốn vì Mẹ là “nữ tì của Chúa”. Mẹ đã gặp gỡ Thiên Chúa qua Hài Nhi Giêsu trong cung lòng Mẹ để cưu mang 9 tháng 10 ngày. Và đặc biệt Mẹ đã gặp gỡ Thiên Chúa qua hình hài đau khổ của Con Mẹ trên đường thập giá.

Kế đến là cuộc gặp gỡ với tha nhân. Mẹ đã “vội vã ra đi” để đến với người chị họ của mình khi nghe tin bà mang thai trong lúc tuổi già. Mẹ đã can thiệp để giải gỡ khó khăn cho gia chủ tại tiệc cưới Cana. Mẹ đã đồng hành với các Tông đồ trong những ngày gian khó…

Để thực hiện những cuộc gặp gỡ đó, Mẹ đã “chỗi dậy”, đã “vội vã ra đi”. “Chỗi dậy” thể hiện một ý chí mạnh mẽ, một lý trí kiên cường và một niềm tin sắt son. “Vội vã ra đi” thể hiện một đôi chân không biết mệt mỏi, một con tim nhiệt huyết thao thức mỗi ngày để sống cho tình yêu. Nhờ sự “chỗi dậy” và “vội vã ra đi” đó mà Mẹ đã gặp gỡ Thiên Chúa, và gặp gỡ tha nhân ngay khi Mẹ còn sống tại trần gian này.

Với cách sống như thế, Chúa đã ban cho Mẹ trần gian là thiên đường, và thiên đường cũng chính là trần gian để Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác. Đó là một cuộc gặp gỡ sau cùng, nhưng trọn vẹn của Mẹ.

Cầu Nguyện:

Xin Mẹ thương cho chúng con biết “chỗi dậy”, biết “vội vã lên đường” mỗi ngày, nhất là trong những lúc khó khăn, buồn chán, thất vọng; để nhờ thế chúng con sẽ được gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ tha nhân trong chính tình yêu dấn thân của mình.

THỨ HAI

Tin Mừng: Mt 19, 23-30

Bấy giờ có một người đến thưa Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Đức Giê-su đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.” Người ấy hỏi: “Điều răn nào? ” Đức Giê-su đáp: “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.” Người thanh niên ấy nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không? ” Đức Giê-su đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”  Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Suy Niệm:

“Chỉ có Chúa là Đấng Thánh!” Đúng thế, Ngôi Lời Thiên Chúa đã xác nhận điều đó: “Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi”. Tuy nhiên con người chúng ta được mời gọi nên thánh, nghĩa là tiến gần đến sự thánh thiện của Thiên Chúa ngày một hơn để được vẻ thánh thiện của Ngài bao phủ. Chính vì thế, thước đo của sự thánh thiện là thuộc về Thiên Chúa bao nhiêu.

Ngoài việc tuân giữ những giới luật của Thiên Chúa, sự thánh thiện hệ tại ở việc dám từ bỏ tất cả để dấn thân cho Chúa: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”

“Bán tài sản cho người nghèo” là lời mời gọi ra khỏi chính mình để quan tâm đến những nhu cầu cấp bách của tha nhân. Chính vì thế không lạ gì khi thánh Phaolô đã nói: “Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7), vì hành động cho đi, dâng hiến là hành động của Đức Giêsu, Đấng tự hiến bản thân mình cho Thiên Chúa và nhân loại. Khi dâng hiến, khi cho đi ta trở nên thánh thiện là vì ta nên giống Đức Giêsu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, trong thời buổi con người bị cám dỗ hưởng thụ, sống cho riêng mình, Lời Chúa vang lên mời gọi chúng con hãy biết hy sinh, cho đi để sống cho người khác. Dù giàu hay nghèo, sang hay hèn chúng con đều có thể cho đi, vì suy cho cùng, cho đi thực sự không phải chỉ là cho đi vật chất, nhưng là cho đi chính bản thân mình. Khi trao hiến chính bản thân mình là lúc con trở nên giống Đức Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống.

THỨ BA

Tin Mừng: Mt 19, 23-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật các con: Người giàu có thật khó mà vào Nước Trời. Thầy còn bảo các con rằng: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”. Các môn đệ nghe vậy thì bỡ ngỡ quá mà thưa rằng: “Vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu nhìn các ông mà phán rằng: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”. Bấy giờ Phêrô thưa Người rằng: “Này đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Thầy bảo thật các con: Các con đã theo Thầy, thì trong ngày tái sinh, khi Con Người ngự trên toà vinh hiển, các con cũng sẽ ngồi trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nhưng có nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết”.

Suy Niệm

Đức Giêsu nói lên sự thật: chỉ có Chúa là điểm tựa duy nhất của đời ta. Khi người ta thay đổi điểm tựa đó, mọi thứ sẽ trục trặc. Người giàu có cậy vào tiền bạc nên bản thân họ “phình to” ra không thể đi vào thiên đàng. Ngược lại con lạc đà dù có to lớn, nhưng nó “bước cứ bước, đi cứ đi”, mặc kệ vì nó không suy nghĩ gì khác ngoài việc làm sao “đi về phía bên kia”. Hành động chui qua lỗ kim cách dễ dàng không phải là hành động của con lạc đà, nhưng là hành động của Thiên Chúa, vì “đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”

Khi con người cậy dựa vào tiền bạc, của cải vật chất thì họ không thể nào bước vào “vùng đất dành cho kẻ sống”, vì của cải vật chất chỉ là những phương tiện ở đời này, khi nào con người chịu buông bỏ thì họ mới có thể bước vào sự sống vĩnh cửu.

Vì thế mà Đức Giêsu đã nói một cách mạnh mẽ: “Tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời”.

Hơn bao giờ hết, nhân loại chúng ta cảm nhận rõ ràng sự mong manh của những giá trị vật chất qua dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới. Giàu nghèo, sang hè, đẹp xấu… đều bình đẳng trước con virus nhỏ bé. Chỉ có tình yêu thương, sự san sẻ, đức tin mới là những điều người ta có thể bám víu trong lúc này. Đó chính là những giá trị làm cho chúng ta có thể “chui qua lổ kim” để đạt được hạnh phúc ngàn thu.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, người môn đệ của Đức Giêsu  không được bám víu vào bất cứ giá trị nào ngoài một sức mạnh của Chúa. Xin cho chúng con biết sử dụng tất cả những gì Chúa ban như phương thế giúp chúng con sống tốt cuộc đời này. Và quan trọng nhất xin cho chúng con luôn biết hướng lòng về giá trị đích thực là sự sống đời sau.

THỨ TƯ

Tin Mừng: Mt 20, 1-16a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.

“Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

“Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.

“Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết”. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?” Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?”

“Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

Suy Niệm:

Chúng ta đừng tính chuyện công bằng với Thiên Chúa, vì chẳng những công bằng mà Thiên Chúa còn là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài đối xử với chúng ta bằng lòng thương xót.

Vì thương xót nên Ngài đã kêu người làm vườn nho vào lúc sáng sớm. Lòng thương xót thôi thúc để ông chủ luôn nghĩ đến những người không có việc làm mà tiếp tục đi tìm kiếm và mời gọi họ vào làm vườn nho vào lúc giờ thứ ba, giờ thứ mười một… Giờ khắc khác nhau nói lên sự liên lỉ của Thiên Chúa luôn mong muốn cho con người được hạnh phúc.

Hạnh phúc đích thực là khi ta được làm vườn nho cho Chúa. Nhưng có những người đã không nghĩ đến hạnh phúc đó, mà lại kiếm tìm hạnh phúc bởi tiền công. Thiên Chúa đối xử với họ bằng tình nghĩa, họ đối xử với Ngài bằng công trạng.  Như thế khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người ngày càng xa nếu ta chỉ nghĩ đến những việc mình làm.

Đừng bao giờ kể công với Chúa, vì những gì ta làm được trước hết cũng chính là ân ban của Thiên Chúa. Ta bố thí thật nhiều là do Chúa ban cho ta có điều kiện. Ta đọc kinh, cầu nguyện, đến nhà thờ thường xuyên là do Chúa ban cho ta lòng đạo đức.  Ta phục vụ cách miệt mài là do Chúa ban cho ta niềm vui… Vậy thì hãy lo làm tốt những gì trong khả năng của ta, chứ đừng nhắm đến công trạng và đừng phân bì với người khác.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa không bao giờ bỏ chúng con. Ngài luôn yêu thương, chăm sóc chúng con bằng nhiều cách khác nhau. Cho chúng con được làm việc, được cộng tác với Ngài là một sự tin tưởng mà Chúa đã dành cho chúng con. Vì thế xin cho chúng con đừng tưởng rằng những gì mình có là do sức mình, mà cậy mình khoe khoang. Xin cho chúng con đừng tìm cách “bốc lột”, bớt xén những ân huệ của Chúa để sống cho riêng mình, mà hãy biết sống quảng đại để phục vụ mọi người từ những gì mà Chúa đã tin tưởng trao phó cho chúng con.

THỨ NĂM

Tin Mừng: Mt 22, 1-14

Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Nhưng những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.

Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!” Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.

Suy Niệm:

Tiệc cưới của hoàng tử mà nhà vua tổ chức có ảnh hưởng gì đến dân chúng? Thưa vua là người đứng đầu của một nước, niềm vui trong hoàng tộc cũng phải là niềm vui chung cho mọi người. Điều này nói lên sự hiệp thông với ơn cứu độ.

Nhân loại được Thiên Chúa yêu thương chọn gọi làm dân riêng của Ngài. Thiên Chúa đã trao ban tất cả mọi sự cho con người, nhưng dường như họ đã không đón nhận, ngược lại còn xua đuổi và thậm chí muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ.

Dụ ngôn những người đã được mời lại khước từ đi dự tiệc, và còn có hành động giết chết sứ giả của nhà vua nói lên thực tại đời sống đức tin của chúng ta khi chúng ta muốn loại trừ Thiên Chúa, loại trừ những giá trị linh thánh ra khỏi cuộc đời mình.

Lý do để khách được mời khước từ dự tiệc là “người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán”, chỗ khác còn thêm lý do : mới cưới vợ. Những lý do này tựu trung ở việc họ đam mê tiền bạc vật chất, dục vọng và những giá trị của trần gian.

Quả thật ngày hôm nay con người đang gánh lấy những hậu quả nặng nề do việc khước từ Thiên Chúa và những giá trị linh thánh. Vì kiếm tìm những giá trị phàm tục mà gây nên biết bao nhiêu hậu quả cho chính mình và ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Có thể nói đại dịch COVID-19 đang là hậu quả như thế.

Tuy nhiên đến giờ cử hành lễ cưới, có người đã không mặc áo cưới vào phòng tiệc, vì vậy họ đã bị loại trừ. Thế cho nên ân sủng của Thiên Chúa là một lời mời gọi với sự đáp trả hết sức tự do của con người, nếu họ không phù hợp thì đương nhiên họ sẽ không thể có được.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, Chúa vẫn mời gọi chúng con hằng ngày đến dự bàn tiệc Mình và Máu Thánh Chúa. Đó là tình yêu của Chúa dành cho nhân loại chúng con. Đó là ơn cứu độ mà Chúa đã ban cho chúng con qua hy tế của Đức Giêsu. Tuy nhiên rất nhiều lần chúng con đã từ chối vì nhiều lý do khác nhau. Đó là tự do của riêng con. Nhưng lời Chúa ngày hôm nay cho con một sự cảnh tỉnh để nếu chúng con không biết quý trọng ơn cứu độ đó, chúng con không thể được cứu độ. Hơn thế nữa, muốn được cứu độ chúng con phải sống cho xứng đáng. Xin Chúa sửa đổi ý hướng và hành động của chúng con để chúng con có thể được vào dự tiệc vui muôn đời.

THỨ SÁU

Tin Mừng: Mt 22, 34-40

Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại. Ðoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy, là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.

SUY NIỆM

Thời nào cũng vậy, giới luật của Thiên Chúa được tóm gọn lại trong hai điều : mến Chúa và yêu người.

Giới luật này được Đức Giêsu sống trọn vẹn bằng tất cả tình yêu thương. Trước hết đối với Thiên Chúa là Cha. Ngài đã thực hiện ý Cha trọn vẹn “dưới đất cũng như trên trời”. Ngài hành động mọi sự theo chương trình, ý hướng của Cha: “Một theo ý Cha, đừng theo ý con”. Tình yêu mến dành cho Thiên Chúa được thể hiện cụ thể qua việc luôn nghe là làm theo ý Chúa.

Tình yêu thương đó còn được thể hiện cho những con người mà Ngài được sai đến. Ngài rao giảng chân lý, Ngài an ủi, cứu giúp những người đau khổ, Ngài chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, Ngài thông cảm, tha thứ cho những người tội lỗi…

Nhân loại chúng ta đang rất cần một niềm tin và một tình yêu thương san sẻ với nhau. Vì không có niềm tin nên một số quốc gia đã hành động theo chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ gây nên biết bao điều tệ hại ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Vì không có tình yêu thương nên người ta trở nên cảm làm cho thế giới thật buồn tẻ vì đã bị “đóng cửa”

Tin tưởng vào Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, luôn yêu thương và ban ơn cứu độ cho con người, để chúng ta cố gắng sống theo những gì Chúa chỉ dạy, chính lúc đó hạnh phúc sẽ đến với chúng ta và toàn thể nhân loại.

Yêu thương nhau vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Không có tình yêu cuộc đời này sẽ trở nên vô nghĩa. Tình yêu để luôn sống cần nhau, sống cho nhau và vì nhau.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, tâm hồn chúng con khô cằn như những bộ xương khô không có sự sống. Chúng con khô khan, nguội lạnh đối với Chúa và xa cách, hững hờ với anh chị em. Nhưng con tin quyền năng Chúa sẽ biến đổi chúng con nên những con người mới, những con người biết sống yêu thương. Xin cho chúng con biết nghe lời Chúa để yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương người khác như chính mình.

THỨ BẢY

Tin Mừng: Mt 23, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là “Thầy”, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là “cha”, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là “người chỉ đạo”: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Suy Niệm:

Sự hiện diện của Thiên Chúa là một sự hiện diện hết sức khiêm hạ. Luôn nhẹ nhàng trong sự thông cảm, lắng nghe và phục vụ. Còn sự hiện diện của một số luật sĩ và kinh sư chẳng những không khiêm tốn, mà còn sai lạc về hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương phục vụ.

Họ không phục vụ mà bắt người khác phục vụ mình. Họ không sống thánh thiện mà còn làm gương mù gương xấu cho người khác. Họ không an ủi, nâng đỡ dân chúng mà còn chất lên vai dân chúng những gánh nặng…

Chính vì vậy lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta nhận thức được tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta mà luôn yêu thương và làm mọi cách cho chúng ta được sống. Đó chính là lòng thương xót. Từ đó mời gọi chúng ta cũng có thái độ yêu thương, phục vụ giống như Thiên Chúa.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, con quên mất mình được Chúa yêu thương chăm sóc, nên con đã sống trong sự vô tâm, hờ hững với mọi người. Con hành xử một cách quyền hành. Con không lo phục vụ người khác giống như Chúa. Hơn thế nữa, con không lo đến ơn cứu độ cho bản thân mình, mà còn cản trở người khác đón nhận ơn cứu độ đó bằng chính đời sống của con. Lạy Chúa, con khiêm tốn nhìn nhận mình có tội. Xin Chúa tha thứ cho con.

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here