Wednesday, November 20, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần XXIX Thường niên | Năm B

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN B

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Mc 10, 35-45

Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.

Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

SUY NIỆM

“Con Người đến để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Đức Giêsu đã khẳng định như thế và Ngài đã sống như vậy. Ngài đến là để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình để nhiều người được ơn cứu độ.

Phục vụ là làm công việc thuộc trách nhiệm của mình đối với người khác. Đức Giêsu đã bôn ba khắp nơi để loan báo Tin mừng vì đó là thánh ý Chúa Cha. Ngài làm mọi cách để con người được đón nhận Tin Mừng đó, nhất là giữa thử thách con người có quá nhiều thứ tin mừng “ảo” khác.

Việc loan báo Tin Mừng chính là việc phục vụ của Ngài, vì đó là trách nhiệm Chúa Cha đã giao phó. Nhưng điều quan trọng là phục vụ đến hiến dâng mạng sống mình, nghĩa là Ngài đã toàn tâm, toàn ý, dành tất cả năng lực cho việc loan báo Tin mừng; mạng sống là điều gắn bó và quý giá nhất Ngài cũng đã sẵn sàng hy sinh vì sứ mạng, vì trách nhiệm.

Đừng xem việc phục vụ là việc của những người “bao đồng”, của những người “lăng xăng”… nhưng phục vụ là “công việc thuộc trách nhiệm của mình”. Vì thế giá trị của con người là ở chỗ thực hiện công việc thuộc trách nhiệm đó đến mức nào. Tận cùng của việc phục vụ là hy sinh mạng sống mình giống như Đức Giêsu.

Mọi người ai cũng có trách nhiệm của mình, nhưng trong khi thực thi trách nhiệm đó tôi đã toàn tâm toàn ý, đã dùng hết năng lực, thậm chí phải đau khổ, phải suy nghĩ, phải mất ăn, mất ngủ; chịu hiểu lầm, mang tiếng…

Chính khi chịu tiêu hao vì trách nhiệm, đó là lúc chúng ta đang bắt chước Đức Giêsu để “ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con đừng tìm lợi ích trong việc phục vụ, hoặc kêu ca, phản kháng trong lúc phục vụ, nhưng “hãy làm mọi sự vì đức ái”, vì chính tình yêu đã thôi thúc Đức Giêsu “yêu đến cùng”. Xin cho con biết trao ban trọn vẹn để thực thi ý Chúa, là chính công việc bổn phận của con. Amen.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Lc 12, 13-21

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: “Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?” Ðoạn người ấy nói: “Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!” Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?” Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy”.

SUY NIỆM:

“Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12, 20b)

Chủ nghĩa hưởng thụ đang đẩy con người đến chỗ chỉ lo tìm kiếm hưởng thụ một cách thái quá. Thực ra một cuộc sống đầy đủ, dư giả, sung túc là điều tốt. Nhưng điều đáng nói là “Kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Thiên Chúa…”

Điều này có nghĩa là người ta chỉ thấy những cái trước mắt mà không thấy những chuyện xa hơn. Cái trước mắt là được sung sướng, thoải mái. Chuyện xa hơn là con người rồi sẽ ra sao?

Lời Chúa hôm nay là một lời cảnh báo: nếu con người chỉ lo tìm kiếm những giá trị vật chất thì “Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”

Vậy thái độ đúng đắn của con người là biết lo cho cuộc sống đời này bằng tất cả khả năng Chúa ban; nhưng điều quan trọng nhất là phải biết “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Nghĩa là phải lo sống đời sống đức tin của mình.

CẦU NGUYỆN : Lạy Chúa, xin cho con biết siêng năng làm việc hằng ngày để cộng tác vào chương trình tạo dựng của Chúa, Nhưng xin đừng để con quên đi ơn cứu độ của mình.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Lc 12, 35-38

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”

SUY NIỆM

Sự trung thành là nét nổi bật của người đầy tớ. Khi ông chủ vắng nhà, người đầy tớ quán xuyến mọi sự như khi ông chủ ở nhà. Chắc chắn sự trung thành phát xuất từ tình cảm mà ông chủ dành cho người đầy tớ; người đầy tớ biết ông chủ thương mình nên quyết tâm làm “mọi sự vì đức ái”.

Chắc chắn Chúa sẽ đến, nhưng không biết lúc nào. Vì vậy cuộc đời là một sự chờ đợi. Tỉnh thức và sẵn sàng là thể hiện rõ nét của người đầy tớ trung thành.

Tỉnh thức là biết rằng sẽ đến lúc, đến ngày ông chủ về. Con người phải luôn luôn ý thức giờ chết đến bất cứ lúc nào. Vì vậy họ phải luôn sống với tâm thế hôm nay là ngày cuối cùng. Khi ý thức như vậy thì chắc chắn người ta sẽ làm những điều có ích cho đời, cho người khác.

Sẵn sàng là thái độ chu toàn bổn phận, không điều chi vướng mắc. Để tranh thủ bao lâu còn sống phải “giải quyết! những gì còn vướng bận trong quá khứ và hiện tại, để tương lai ta sẽ sẵn khi Chúa đến.

Nếu mọi người luôn trong thái độ thức tỉnh, sẵn sàng thì cuộc sống sẽ đẹp, đời sẽ đẹp và tương lai của ta sẽ đẹp.

CẦU NGUYỆN

Xin Chúa cho con luôn cảm nhận tình yêu của Chúa để cố gắng sống giây phút hiện tại bằng tất cả tình yêu.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Lc 12, 39-48

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” Bấy giờ ông Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. Ðầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”

SUY NIỆM

Đức Giêsu nói rõ ràng về bổn phận của người quản gia : “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?

Ngược lại, một người đầy tớ gian ác là người “nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa.”

Trong bối cảnh trang Tin mừng hôm nay, người quản gia trung tín và khôn ngoan là người biết lo lắng cho những người mình có trách nhiệm cách chu đáo.

Ngược lại, người quản gia bất trung là người lo sống cho riêng mình và gian ác với người khác.

Sự hy sinh quên mình để tận tình lo lắng cho người khác là thái độ khôn ngoan trong khi chờ Chúa đến.

Sự gian ác ở đời này là những người chỉ biết sống cho riêng mình và còn làm khổ cho người khác.

CẦU NGUYỆN

Xin cho con biết sống cho Chúa và tha nhân.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Lc 12, 49-53

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.

SUY NIỆM

“Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên”

Ngọn lửa tình yêu của Chúa đã được trao ban cho Giáo hội để thắp lên cho thế giới hôm nay, nhất là những nơi còn hận thù, chiến tranh, chia rẻ,…

Tình yêu đó cũng được trao ban cho mọi người, để tất cả những nơi bước chân Kitô hữu hiện diện, phải là một đóm lửa yêu thương trong cung cách sống.

Nhưng rõ ràng như lời Chúa nói: “Thầy không đến để ban hòa bình, nhưng là đem sự chia rẽ”. Sự chia rẽ phát xuất từ việc người ta thiếu bác ái, thiếu yêu thương; mà nguyên nhân sâu xa là vì người ta chỉ nghĩ đến thân mình.

Khi thấy ai đó được người khác quý mến, lẽ ra tôi phải vui mừng, nhưng tôi lại khó chịu. Khi thấy ai đó được người khác giúp đỡ, lẽ ra tôi phải chia vui với họ, nhưng tội lại ganh tị. Khi thấy ai đó được những thứ mà tôi đang được, lẽ ra tôi phải hướng dẫn để họ được nhiều hơn, nhưng tôi lại tìm cách hạ bệ họ… Sự chia rẽ là do thiếu tình thương.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, trong mỗi người chúng con có một cái tôi quá lớn, để chỉ nghĩ đến mình. Xin cho con biết nghe theo lời chỉ dạy của thánh Phaolô: “Vui với người vui, khóc với người khóc”. Chính lúc đó, ngọn lửa của Chúa sẽ được cháy bùng lên.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Lc 12, 54-59

Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: “Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng”.

SUY NIỆM:

“Cảnh sắc đất trời thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?”

Câu hỏi của Chúa cũng là một sự chất vấn cho lương tâm mỗi người chúng con, khi thời đại hôm nay có nhiều thứ cám dỗ khiến chúng con nghiên cứu, tìm tòi, hiểu biết rất sâu rộng. Nhiều lúc tự hào về những hiểu biết của mình, và lấy sự hiểu biết đó để “đè trên đầu trên cổ” người khác… Trong khi Lời Chúa, ý Chúa, cung cách của Chúa thì chúng con thực sự thiếu hiểu biết, vì vậy chúng con hành xử không giống Chúa.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con đừng tự hào về điều gì ngoài thập giá Đức Kitô. Xin cho con mỗi ngày chiêm ngắm mầu nhiệm thập giá để sống sự tự hủy, yêu thương quên mình giống như Chúa vậy.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Lc 13,1-9

Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng : “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ? Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

SUY NIỆM:

Những dòng trước của trang Tin mừng này, Đức Giêsu nói về những dấu chỉ để qua đó người ta đọc được ý Chúa. Hôm nay qua câu chuyện “những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng”, một số người Do Thái kết án những người đó tội lỗi nên mới bị phạt.

Chắc chắn Đức Giêsu không nghĩ đến việc người khác gặp sự xấu như hình phạt của Thiên Chúa, mà qua sự kiện đó Ngài mời gọi con người hãy hướng về sâu thẳm cõi lòng mình để xem Chúa muốn nhắc mình điều gì.

Câu chuyện dụ ngôn sau đó kể về việc cây nho không sinh trái và sự nhẫn nại của ông chủ. Kết hợp sự kiện và dụ ngôn ta nhận được sứ điệp : Chúa chờ ta!

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, con biết Chúa vẫn đang từng ngày chờ đợi con như người cha trông ngóng đứa con hoang trở về. Chúa không trừng phạt những lỗi lầm của con vì Chúa vẫn còn cho con cơ hội. Xin Chúa giúp con biết tận dụng thời gian và cơ hội Chúa ban để ăn năn sám hối và sống tốt hơn. Amen.

bài viết mới