Tuesday, February 18, 2025
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần VI Thường niên | Năm C

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VI THƯỜNG NIÊN C

CHÚA NHẬT

TIN MỪNG: Lc 6, 17. 20-26

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

SUY NIỆM:

Thời đã điểm. Khi mọi người chứng kiến những dấu lạ, những việc lẫy lừng Chúa Giêsu đã làm. Họ kéo đến với Ngài để mong được tiếp tục nhìn thấy và đón nhận những gì Ngài làm cho họ.

Đây là thời điểm thích hợp để Chúa Giêsu cho họ điều Ngài muốn đúng với thánh ý Chúa Cha, để họ được không phải những thứ thuộc về thế gian mà họ đang tìm. Ngài ban cho họ định hướng để hạnh phúc đời đời. Định hướng đó chính là tám mối phúc thật.

Điều này nhắc nhở cho Kitô hữu theo Chúa không phải để tìm những giá trị vật chất, nhưng là giá trị linh thánh, giá trị mang lại hạnh phúc đích thật và vĩnh cửu.

Tám mối phúc này rõ ràng đi ngược lại với cái nhìn của con người, nhưng nếu thấu hiểu, tìm kiếm và đạt được một trong những mối phúc đó thì quả thật con người hạnh phúc thật sự.

Ví dụ sự nghèo khó ở đây không phải là phủ nhận những giá trị vật chất, nhưng là không để giá trị đó làm chủ con người chúng ta, để chúng ta biết sử dụng giá trị vật chất cho đúng ý Chúa: là làm vinh danh Chúa và giúp đỡ người nghèo.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết để tâm đến những giá trị tốt đẹp đúng theo ý Chúa, và nổ lực mỗi ngày làm cho giá trị đó được hiện thực nơi cuộc đời chúng con.

THỨ HAI

TIN MỪNG: Mc 8, 11-13

Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào”. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.

SUY NIỆM:

Có những sự xuất hiện mang lại niềm vui, hạnh phúc, sự háo hức chờ đợi cho người khác. Nhưng cũng có những sự xuất hiện mang lại muộn phiền, lo âu, phiền toái cho người gặp gỡ. Cụ thể: “Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu”.

Sự tranh luận này không phải là để tìm chân lý, lẽ phải, nhưng là để bắt bẻ, kết án, luận tội một con người có những điều không phù hợp với cái nhìn của họ; và thậm chí là vì tốt lành và có tầm ảnh hưởng hơn họ.

Tiếng thở dài của Chúa Giêsu nói lên sự chán chường, thất vọng về cách sống của một số người biệt phái. Tiếng thở dài đó cũng là kết thúc cho mối tương quan giữa hai bên: “Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.”

Sự xuất hiện của Kitô hữu phải mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người khác, dù đôi khi đó là sự tranh luận hoặc bất đồng ý kiến về một số vấn đề. Nhưng chân lý và sự thật phải đạt được trong tình yêu. Khi biết yêu nhau, người ta sẽ bỏ qua tất cả để chiêm ngắm, tận hưởng và sống trong tình yêu đó.

Dù thế nào, Kitô hữu cũng đừng để tiếng thở dài chấm dứt cho mọi tương quan. Đừng để Thiên Chúa thở dài vì sự cứng lòng của chúng ta. Đừng để tha nhân thở dài vì cung cách sống bất chấp, chỉ nghĩ cho mình…

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin ơn Thánh Thần tác động để chúng con biết mở lòng ra với chân lý, với vẻ đẹp rạng ngời từ ngàn xưa của Thiên Chúa. Để từ đó chúng con biết hợp tác với nhau làm cho Danh Chúa được cả sáng.

THỨ BA

TIN MỪNG: Mc 8, 14-21

Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: “Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”. Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: “Tại mình không có bánh”. Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: “Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?” Các ông thưa: “Mười hai thúng”. – “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?” Họ thưa: “Bảy thúng”. Bấy giờ Người bảo các ông: “Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?”

SUY NIỆM:

Khi Chúa Giêsu giảng dạy những giá trị siêu nhiên, thì các môn đệ lại nghĩ đến những giá trị tự nhiên và thậm chí là phàm tục.

Chúa Giêsu nói về “men biệt phái” là lối sống giả hình, không đúng với đường lối của Thiên Chúa, thì các môn đệ lại nghĩ đến việc “Tại mình không có bánh”.

Chúa Giêsu quả là bậc thầy khi nâng cấp tầm nhìn cho các môn đệ để đưa các ông từ việc lo lắng cái ăn, cái mặc đến việc nhìn thấy sự lo liệu của Thiên Chúa cho họ.

Chính vì thế người Kitô một khi đã tin và bước theo Đức Giêsu, là để cho lòng mình tràn ngập niềm vui vì có Chúa đồng hành, là bận tâm thao thức để sống điều đẹp lòng Chúa, là tích cực cộng tác với ơn thánh Chúa để loan truyền Thiên Chúa yêu thương.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, đôi khi chúng con theo Chúa chỉ để thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Xin Chúa nâng cấp tầm nhìn của chúng con để biết hướng về những giá trị Chân- Thiện- Mỹ.

THỨ TƯ

TIN MỪNG: Mc 8, 22-26

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đến Bếtsaiđa, người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy. Chúa cầm tay người mù, dắt ra khỏi làng, Chúa phun nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: “Ngươi có thấy gì không?” Anh nhìn lên và trả lời: “Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi”. Chúa lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng. Chúa Giêsu cho người ấy về nhà và căn dặn: “Ngươi hãy về nhà, và nếu có vào làng thì đừng nói với ai”.   

SUY NIỆM:

Thái độ ân cần của Chúa Giêsu đối với người bất hạnh, cụ thể là người mù trong bài Tin Mừng hôm nay.

Ngài “cầm tay” anh ta, “dắt ra khỏi làng” để không có ai gây lo ra trong cuộc gặp gỡ này, để riêng tư chỉ có thầy và trò, chỉ có Thiên Chúa và con người.

Việc chữa lành cho anh mù cũng là một tiến trình tiệm tiến từ việc thấy người ta một cách lờ mờ cho đến thấy được rõ ràng. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa để mong giải thoát con người khỏi sự dữ.

Nhân loại chúng ta vẫn không ngừng bị sự dữ chế ngự. Tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa không bao giờ muốn điều xấu xảy ra. Sự khôn ngoan của Ngài cũng ít khi can thiệp theo kiểu “chỉ là hết”, “nói là dừng”, nhưng trong mọi sự Thiên Chúa muốn con người có những giây phút, có thời gian riêng tư với Ngài, để cùng với Ngài nhìn lại tất cả mọi sự. Cho đến khi con người khiêm tốn cần đến Ngài, Ngài sẽ thực hiện những điều để giải thoát họ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống với Chúa nhất là trong những lúc khó khăn, gian nguy, hiểm trở. Để trong sự riêng tư giữa tình Chúa và tình con, Chúa sẽ dạy dỗ chúng con theo đường lối của Ngai, và sẽ giải thoát chúng con khỏi sự dữ theo chương trình của Ngài.

THỨ NĂM

TIN MỪNG: Mc 8, 27-33

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Đấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.   

SUY NIỆM:

Đi cùng đường nhưng chưa chắc sẽ về cùng đích. Cùng đi với Chúa Giêsu, nhưng các môn đệ chỉ nhìn thấy những điều làm cho các ông khoái chí khi Thầy của mình được người ta tung hô, tâng bốc… Nhưng khi Thầy xác định con đường đích thực là lên Giêrusalem để chịu chết thì các ông lại không chấp nhận điều đó.

Con đường đích thực của Chúa Giêsu là con đường thập giá. Thập giá không chỉ là những điều gây đau khổ, chết chóc, nhưng thập giá đích thực là trong đau khổ đó thập giá đã nở hoa.

Các môn đệ chỉ muốn ngắm nhìn, thưởng thức nét đẹp của bông hoa chứ không thích gieo trồng, vun tưới, chăm sóc, vì nó cực khổ.

Cùng đi với Chúa Giêsu là chấp nhận mọi sự và tin tưởng dù trong cảnh ngộ nào thì ngày phục sinh cũng sẽ đến. Và đích đến chính là ngày phục sinh vinh hiển chứ không phải là những vinh quang theo kiểu thế gian.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, nhiều khi cùng đi với Chúa nhưng chúng con có những cái nhìn và định hướng rất khác với Chúa. Xin Chúa sữa dạy chúng con như đã sửa dạy thánh Phêrô và các môn đệ, để chúng con đi trọn con đường với Chúa.

THỨ SÁU

TIN MỪNG: Mc 8, 34-39

Khi ấy, Chúa Giêsu tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình. Vì chưng được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì? Và người ta lấy gì mà đánh đổi mạng sống mình? Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần thánh”.

Và Ngài nói với họ: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong số những kẻ có mặt đây, có người sẽ không phải nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa đến trong quyền năng”.    

SUY NIỆM:

Điều kiện rất rõ ràng để có thể làm môn đệ Chúa Giêsu được đích thân Ngài đưa ra: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.”

Thập giá là chính bổn phận của một Kitô hữu trong hoàn cảnh sống của mình, là tất cả mọi sự vui, buồn; hạnh phúc, đau khổ; mồ hôi, nước mắt… ôm trọn cả cuộc đời chúng ta với biết bao hy sinh bằng tất cả tình yêu và sự phục vụ.

Hậu quả của thập giá đó Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình.” Phải hy sinh ngay cả mạng sống mình vì giá trị của Nước Trời.

Ở đây không phải đương nhiên ai theo Chúa đều phải chết, nhưng là một sự chọn lựa dứt khoát khi ý thức mình là môn đệ Chúa Kitô Thập giá là ở chỗ dám hy sinh để sống vì mình là con cái Chúa.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, có đôi khi chúng con sống chưa đúng tư cách người môn đệ. Chúng con vẫn sẵn sàng làm điều sai trái vì nghĩ đến lợi ích của mình.  Chúng con chưa dám hy sinh để tuân giữ lề luật Chúa. Xin Chúa tha thứ và giúp chúng con biết vác thập giá mình hằng ngày trong đời sống Kitô hữu để được phục sinh với Chúa Giêsu.

THỨ BẢY22/02: LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ

TIN MỪNG: Mt 16, 13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu đến miền Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một trong các tiên tri!” Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”.

SUY NIỆM:

Sau một thời gian rao giảng cho dân chúng về Nước Trời, đây là lúc để Đức Giêsu đúc kết lại: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16, 13-19) Dân chúng không đáp ứng sứ điệp của Đức Giêsu, mặc dù có những lúc họ tôn Ngài lên làm vua, nhưng rõ ràng vị vua đó chỉ theo nghĩa trần tục.

Đức Giêsu đặt vấn đề với các môn đệ để chính các ông phải bày tỏ lập trường của mình: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai” (Mt 16, 15).

Ngày xưa ông Simon Phêrô đã đại diện anh em để tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Câu trả lời xuất sắc có sự trợ giúp của Đấng thông suốt mọi sự: “Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17). Dù như thế nào thì đó cũng là mặc khải của Thiên Chúa Cha về Đức Giêsu, để con người nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Câu hỏi “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15) cũng chính là câu hỏi Đức Giêsu dành riêng cho từng người chúng ta. Mỗi người hãy trả lời câu hỏi đó, vì chính nó sẽ định hướng cho cuộc đời của chúng ta.

Nếu nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, là chủ tể muôn loài muôn vật thì chắc chắn chúng ta sẽ suy phục Ngài bằng tất cả niềm tin.

Nếu nhìn nhận Đức Giêsu như một vĩ nhân hoặc một trong các vị thần khác, thì thái độ của chúng ta dành cho Ngài chỉ là sự ái mộ hoặc để tìm kiếm thế lực phục vụ lợi ích cho riêng mình.

Lời tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16) không phải chỉ một lần cho tất cả, nhưng nó phải được lặp lại thường xuyên để định hướng cho cuộc đời mình và nhắc lại mỗi khi chúng ta chọn lựa những giá trị khác ngoài Đức Kitô.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin tha thứ cho những lần chúng con chưa chọn Chúa làm chủ tể của cuộc đời mình. Và xin ơn trên giúp chúng con nhận ra sự thật về niềm tin mà con đã được ban cho vì đức tin của chúng con còn yếu kém. Chúng con cầu nguyện cho Đức Thánh Cha là Đấng kế vị thánh Phêrô để Ngài đủ sức bảo vệ Giáo hội và dẫn đưa dân Chúa về Nước Trời.

bài viết mới