Thursday, November 21, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần Bát nhật Giáng sinh | Năm A   

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

CHÚA NHẬT – LỄ GIÁNG SINH

LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 2, 1-14

Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Đavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Đavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai. 

Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán. 

Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Đavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”. 

Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

SUY NIỆM:

Luca cho biết lúc Chúa Giêsu ra đời, Ngài “được bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”, vì “không tìm được chỗ trong hàng quán”…

Với 2 chi tiết này chúng ta suy tư về mầu nhiệm Giáng Sinh:

Hài Nhi Giêsu “được bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”, nghĩa là Chúa sinh ra hết sức đơn sơ, khiêm tốn.

Cha mẹ Ngài “không tìm được chỗ trong hàng quán” thể hiện một sự hất hủi, lạnh lùng của lòng người, dấu chỉ của sự từ chối ơn cứu độ.

Sự đơn sơ, khiêm tốn nghĩa là Chúa chấp nhận tất cả những gì người khác dành cho Ngài. Cho nên có khi người ta diễn tả Chúa sinh ra trong hang đá hết sức đơn sơ hoặc một hang đá quá chừng lộng lẫy; có khi Chúa được trang hoàng ở nơi cung điện, có khi ở một làng quê… Tất cả những điều đó không quan trọng, mà quan trọng là sứ điệp Chúa ở với con người chúng ta trong mọi hoàn cảnh.

Điều chúng ta nhận thấy ngay từ ngày Chúa Giáng trần là có những người đã xua đuổi, không đón tiếp Chúa. Họ có nhiều lý do khác nhau, nhưng hậu quả cuối cùng là không có được hạnh phúc khi không có Chúa ở cùng.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, như ngày xưa, con biết Chúa vẫn đang ở trong cuộc đời chúng con, cũng mang kiếp người đau khổ như chúng con. Nhưng kiếp người đó không phải cũng sẽ qua đi như chúng con, mà để nâng chúng con lên thoát khỏi sự dữ. Xin cho chúng con biết mở lòng ra để đón nhận Chúa hầu có được niềm vui, hạnh phúc đích thực.

THỨ HAI, NGÀY II TRONG TUẦN BÁT NHẬT – 26/12: THÁNH STÊPHANÔ TỬ ĐẠO

LỜI CHÚA: Tin Mừng Mt 10, 17-22

Ngày ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp các con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn các con nơi hội đường. Vì Ta, các con sẽ bị điệu đến trước vua quan, để làm chứng trước mặt họ và các dân. Nhưng khi người ta nộp các con, các con chớ lo lắng phải nói sao và nói gì, vì không phải các con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha các con sẽ nói thay cho. Anh sẽ nộp em cho người ta giết; cha sẽ nộp con; con cái chống đối cha mẹ và làm cha mẹ phải chết. Vì Ta, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi.

SUY NIỆM:

Không nao núng, sợ hãi trước những thử thách trong đời sống đòi hỏi một niềm tin vững vàng: “Tôi biết tôi tin vào ai”. Vì xác quyết niềm tin của mình nên dù những đòn vọt, đe dọa của người đời cũng không làm cho người môn đệ bỏ cuộc.

Đứng trước những đe dọa của người đời, người môn đệ không dùng sự khôn ngoan của mình, nhưng ơn Khôn Ngoan của Thánh Thần sẽ soi sáng cho họ biết phải làm gì.

Thánh Stêphanô đã chấp nhận khổ hình khủng khiếp là để người ta ném đá đến chết. Chắc chắn đó là kết quả của một niềm tin vững chắc vào Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa của Ngài; hơn thế nữa còn là sự kiên trì, vì “kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi.” Rất có thể, một vài viên đá có thể chấp nhận được, nhưng cơn mưa đá đổ xối xả trên thân xác chắc chắn ngài cũng bị nao lòng, nhưng chính sự kiên trì của lòng trung thành đã giúp ngài can trường cho đến chết.

Đức tin của người môn đệ hôm nay cũng gặp muôn vàn gian nan thử thách, đòi hỏi họ phải có một lòng xác quyết vào Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, và sự trung thành cho đến cùng.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con trau giồi đức tin của mình mỗi ngày bằng việc cầu nguyện và suy niệm lời Chúa để con càng tin tưởng vào Chúa hơn. Có như thế con mới có thể trung thành với Chúa cho đến chết.

THỨ BA, NGÀY III TRONG TUẦN BÁT NHẬT- 27/12: THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ

TIN MỪNG: Lời Chúa Ga 20, 2-8

Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà nói: “Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu”.

Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ.

Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.

SUY NIỆM:

Tất cả mọi con đường ngay chính đều dẫn đến Chúa, nhưng con đường tình yêu sẽ đến với Chúa gần hơn, vì “Thiên Chúa là tình yêu”.

Con đường đó cho Gioan được phúc tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly, nghĩa là ông rất gần với trái tim của Chúa. Ở đó có những điều ông chưa hiểu, nhất là những Chân lý cao siêu, nhưng ông cảm được những gì Chúa thao thức, ấp ủ để bằng tất cả tình yêu của mình ông cộng tác để Tình Yêu Chúa được lan tỏa.

Con đường đó cũng đã thúc bách ông dùng hết sức lực của tuổi trẻ để chạy đến mồ. Ông không nghĩ đến việc đến trước hay đến sau, nhưng phải đến vì nó liên quan đến Thầy mình.

Cũng chính tình yêu đã làm cho ông nhạy bén nhận ra ngay tức khắc Thầy mình sống đã lại: “ông đã thấy và đã tin.”

Mừng lễ thánh Gioan, nhắc chúng ta về một tình yêu dành cho Chúa vì Chúa đã yêu ta trước, để ta dùng tất cả năng lực tích cực của mình mà đáp trả lại tình yêu của Chúa để mong cho tình yêu được bay cao, bay xa và lan tỏa khắp.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con tin Chúa bằng tất cả lý trí, ý chí và nhất là con tim, để con dùng cả cuộc đời mình mà chuyển tải thông điệp yêu thương của Chúa.

THỨ TƯ, NGÀY IV TRONG TUẦN BÁT NHẬT – 28/12: CÁC THÁNH ANH HÀI

LỜI CHÚA: Tin Mừng: Mt 2, 13-18 

Khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”. Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrođê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.

Bấy giờ Hêrođê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.     

SUY NIỆM:

Có những người chẳng biết Chúa Giêsu là ai, nhưng họ đã sống đúng với những con đường của Chúa, thậm chí có những người đã chết vì Chúa; trong số đó phải kể đến các Thánh Anh Hài, là những trẻ thơ đã phải chết oan ức vì cuộc truy sát Hài Nhi Giêsu của những thế lực độc ác muốn bảo vệ quyền lợi của mình.

Từ đó cho ta một cái nhìn phổ quát về Hội thánh của Chúa Giêsu. Nó chẳng những là những người tin và tham gia vào Hội thánh đó, mà còn là những người “liên lụy” trong ơn cứu độ. Họ là những người thành tâm thiện chí để sống bác ái yêu thương, cộng tác với Giáo hội trong nhiều việc dù họ không ghi danh vào Giáo hội, và có cả những người phải hy sinh, bị bách hại vì liên đới với Hội thánh Chúa.

CẦU NGUYỆN

“Lạy Chúa, các thánh Anh Hài đã không dùng lời nói, nhưng dùng chính cái chết của mình mà tuyên xưng danh Chúa, xin cho chúng con biết lấy cả cuộc đời mà minh chứng niềm tin như chúng con vẫn tuyên xưng ngoài miệng”.

THỨ NĂM, NGÀY V TRONG TUẦN BÁT NHẬT

LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 2, 22-35

Khi mãn thời hạn thanh tẩy theo Luật Môsê, ông bà đem Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa, như đã viết trong lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh, dâng cho Thiên Chúa”, và việc dâng lễ vật như đã nói trong lề luật Chúa là “một cặp chim gáy, hoặc hai bồ câu con”.

Và lúc đó tại Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính và có lòng kính sợ, đang mong đợi niềm an ủi Israel, có Thánh Thần ở trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

“Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.    

SUY NIỆM:

Đối với ông già Simêon, được bồng ẵm Hài Nhi Giêsu, nghĩa là đụng chạm đến ơn cứu độ, là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời ông. Ông đã chờ đợi điều này, đã dấn thân, đã sống trọn vẹn cho sứ mạng vì điều này.

Khi đạt được hạnh phúc lớn nhất, ông sợ nó mất đi nên đã xin Chúa: “Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

Từ hình ảnh của ông cho chúng ta biết dấn thân cả cuộc đời cho những giá trị cao cả. Điều đó khiến chúng ta phải hy sinh, phải hao mòn, phải mất mát. Và như một xác quyết, giá trị quý giá nhất chính là ơn cứu độ của Chúa ban cho ta.

Kế đến phải bằng mọi giá để gìn giữ, bảo vệ những giá trị cao đẹp mà chúng ta dấn thân tìm kiếm, thậm chí phải hy sinh mạng sống mình. Ông già Simêon xin Chúa cho mình chết đi vì quá hạnh phúc, ông sợ những hạnh phúc khác lôi kéo khiến ông nao lòng.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, con nổ lực cả cuộc đời để làm gì? Con được gì sau cái chết này khi sự dữ đang lan tràn khắp nơi: bệnh tật, thiên tai, chiến tranh, tranh giành, bất công…? Tất cả mọi thứ sẽ qua đi, chỉ còn tình yêu ở lại. Tình yêu trong Chúa, tình yêu với mọi người. Chính tình yêu đó sẽ lưu giữ cho con hạnh phúc trong vương quốc Tình Yêu.

THỨ SÁU, NGÀY VI TRONG TUẦN BÁT NHẬT: LỄ THÁNH GIA THẤT

LỜI CHÚA: Tin Mừng Mt 2, 13-15. 19-23

Khi các đạo sĩ đã đi rồi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”. Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.

Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.

Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai-cập và bảo: “Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết”. Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Được báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: “Người sẽ được gọi là Nadarêô”.

SUY NIỆM:

Gia đình Thánh Gia đã hiệp thông với Chúa và với nhau để vượt qua những khó khăn thử thách. Giuse đã nghe thiên thần báo mộng để mang “Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập”. Sau đó lại nghe lời của thiên thần để mang mẹ con Hài Nhi Giêsu về đất Israel…

Thiên Chúa không nói bằng lời của nhân loại, nhưng hoàn toàn bằng mộng báo. Nghĩa là Thánh Giuse phải có một đời sống chiêm niệm, hiệp thông với Chúa mới có thể nhận ra ý Ngài.

Đức Maria luôn luôn theo sự dàn xếp của thánh cả Giuse, vì Mẹ biết ngài là chủ gia đình. Đó là sự hiệp thông với nhau để hướng đến những giá trị tốt đẹp. Bỏ qua ý định riêng tư của mình để làm theo ý chung theo sự hướng dẫn của Chúa.

Gia đình hôm nay rất cần sự hiệp thông với Chúa và với nhau để xây dựng những giá trị tốt đẹp.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, gia đình Thánh Gia còn phải gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ hiệp thông với Chúa và với nhau mà họ đã vượt qua tất cả. Xin cho chúng con biết đón nhận những trái ý trong cuộc đời với sự cầu nguyện để tìm ý Chúa mà hành xử.

THỨ BẢY, NGÀY VII TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

LỜI CHÚA: Tin Mừng Ga 1, 1-18 

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thuỷ. Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng. Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Đây là Đấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”. Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác.

Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Đức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Đấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.   

SUY NIỆM:

“Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người.” Nhân loại mong chờ Đấng Mesia, vị cứu tinh nhân loại, nhưng khi Ngài đến, họ đã không nhận ra hoặc xua đuổi Ngài.

Không nhận ra bởi họ định hình một vị cứu tinh theo khuôn khổ, theo cái nhìn của họ. Xua đuổi vì họ cứ mong chờ một vị cứu tinh cao sang lộng lẫy, nên hình dáng nghèo hèn khốn khổ thì sẽ bị loại trừ…

Chung quy lại của ơn cứu độ là tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người không phân biệt ai: “Phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa”. Tuy nhiên có những người nghĩ rằng ơn cứu độ chỉ dành cho những thành phần nào đó theo cái nhìn của họ.

Mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm ánh sáng. Suy cho kỹ thì chỉ nơi nào tối mới cần sáng, còn nơi đã sáng thì ánh sáng sẽ dư thừa. Vì thế ai tự cho mình “sáng” là đã xua đuổi “Ánh Sáng” ơn cứu độ, còn ai khiêm tốn nhìn nhận mình “tối” là mặc nhiên đang cần “Ánh Sáng”.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết mình còn tối tăm để mở rộng tâm hồn cho ánh sáng Chúa soi dọi vào, để từ đó con trở thành ánh sáng của Chúa dẫn lối cho nhiều người tiến về vùng Ánh Sáng thật. Ánh sáng nơi con chỉ có thể là tình yêu.

bài viết mới