Wednesday, December 25, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 8 | Mùa Thường niên | Năm C

CHÚA NHẬT

TIN MỪNG: Lc 6, 39-45 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.

“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.

“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.    

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu đưa ra 3 giáo huấn cho ta thấy sự thật về Thiên Chúa và những việc người môn đệ phải thực hành:

Giáo huấn thứ nhất: Thiên Chúa là Đấng toàn năng, thánh thiện tuyệt đối, nên ngoài Ngài ra không ai có thể dẫn đường cho chúng ta đi, vì chính Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống”. Và vì lẽ đó người môn đệ phải nổ lực để hằng ngày trở nên giống Cha trên trời, lúc đó họ mới có thể “sáng mắt” để dẫn lối cho người khác.

Sự thật thứ hai: Vì chỉ Thiên Chúa là Đấng duy nhất tốt lành, thánh thiện, công minh nên chỉ có Ngài mới có thể xét xử nhân loại. Còn con người với nhau chỉ là giúp nhau để sửa sai và làm điều tốt chứ không được quyền lên mặt dạy đời.

Sự thật thứ ba: Thiên Chúa là Đấng tốt lành và thống nhất trong mọi sự. Vì thế Ngài sinh ra mọi sự ngay từ ban đầu đều tốt đẹp. Sự hư hoại là do bởi con người sử dụng tự do không đúng đắn. Tình yêu và sự thống nhất của Thiên Chúa vẫn muốn cải hóa để con người được trở lại tốt đẹp như hình ảnh ban đầu. Thế cho nên khi quyết tâm hướng về Thiên Chúa là ta đang cố gắng để trổ sinh trái tốt.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, chúng con yếu đuối, mọn hèn, chỉ có thể đứng vững khi dựa vào ơn Chúa. Xin giúp con luôn biết hướng về Cha trên trời để nổ lực hằng ngày hoàn thiện bản thân trở nên người con cái Chúa và trổ sinh hoa trái tốt lành cho bản thân, cho người khác và cho Giáo hội.

THỨ HAI

TIN MỪNG: Mc 10, 17-27

Khi ấy, Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao”. Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”.

Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.   

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu đã dạy cho người thanh niên 2 bài học. Bài học thứ nhất là phải luôn biết dừng lại để suy nghĩ. Phải biết cái giá mình sẽ trả cho một quyết định của mình. Vì vậy đừng quyết định vội vàng.

Bài học thứ hai là Chúa Giêsu không muốn cho các môn đệ của Ngài dừng lại ở sự hấp dẫn của Ngài, nhưng muốn hướng họ đến với Thiên Chúa Cha. Người rao giảng phải ý thức mình chỉ là “ngón tay chỉ trăng”. Vì vậy đừng bao giờ chỉ vào chính mình, nhưng phải hướng lên trời cao. Người rao giảng chẳng những chỉ về Thiên Chúa, mà còn phải xoay cái nhìn của người khác về Thiên Chúa khi họ tập chú vào bản thân chúng ta.

Tiếp đến Chúa Giêsu đưa ra những điều răn, vốn là nền tảng của đời sống đạo đức: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” (Mc 10, 19). Chàng thanh niên đã trả lời ngay: “Tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10, 20). Nếu như vậy thì rõ ràng anh ta đã có lòng kính trọng với chân lý của đạo Chúa, vì có kính trọng mới tuân giữ những điều đó, mới không dám vi phạm lề luật Chúa.

Tuy nhiên đời sống Kitô hữu không chỉ dừng lại ở lòng kính trọng để không làm những điều sai trái, mà còn phải biết bước ra khỏi chính mình để thực thi tình bác ái với người khác. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu đã đòi hỏi anh ta: “Anh chỉ còn thiếu một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trờ. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10, 21). Nhưng đây lại là cản trở cho bước đường theo Chúa của anh ta: “Anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10, 22). Qua đó chúng ta thấy anh ta chỉ có lòng kính trọng, chỉ có mến Chúa chứ chưa có lòng yêu người, chưa biết thực thi tình bác ái cụ thể.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng sống theo những hấp dẫn của hình thức bên ngoài, nhưng phải biết con đường theo Chúa là một sự dấn thân đòi hỏi phải vững vàng trong tình cảm và mạnh mẽ trong lý trí, để từ đó tình yêu của chúng con đủ mạnh để dấn bước theo Chúa mà không từ nan bất cứ đòi hỏi nào, dù đó là lề luật cấm hay giới luật khuyên làm. Vì tất cả mọi sự chúng con làm đều vì tình yêu Chúa thúc bách.

THỨ BA

TIN MỪNG: Mc 10, 28-31

Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.    

SUY NIỆM:

Kitô hữu có thể bị thiệt thòi khi theo Chúa, khi bị gia đình từ chối, khi bị anh chị em ngăn cản và khước từ, khi mất mát quyền lợi… nhưng đổi lại họ được gia nhập vào một gia đình rộng lớn hơn đó là Giáo Hội. Họ có thể mất tất cả mọi sự ở đời này, kể cả mạng sống mình, nhưng họ sẽ được hạnh phúc đích thực ở đời sau, họ sẽ có được sự sống muôn đời…

Tuy nhiên Chúa Giêsu cũng đã nói thêm: “cùng với sự ngược đãi”. Rõ ràng Chúa Giêsu không cho chúng ta một con đường dễ dãi, một lời hứa giả dối với những tốt đẹp bên ngoài, mà Ngài thẳng thừng để nói đến con đường thập giá mà Kitô phải bước đi. Qua đó chúng ta thấy tôn giáo không phải là thứ thuốc phiện để dụ dỗ người khác, không phải là mật ngọt làm chết ruồi. Muốn có được điều quý giá phải trả giá bằng chính cuộc sống mình.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con dám từ bỏ những gì có thể cản trở con đến với Chúa, nhiều khi đó không phải là điều xấu, nhưng vì nó không phù hợp với chúng con là những Kitô hữu. Xin cho chúng con đừng tiếc nuối khi phải hy sinh cho Chúa, cho niềm tin của mình, vì chắc chắc chúng con sẽ được Chúa ban thưởng bội hậu ở đời sau.

THỨ TƯ LỄ TRO

TIN MỪNG: Mt 6, 1-6. 16-18

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.

SUY NIỆM:

Mục đích của việc bố thí là để sống tình bác ái, chia cơm sẻ áo với những kẻ khó nghèo. Đó là điều Chúa Giêsu đã dạy và đã sống, khi chính bản thân Ngài đã biết trao ban tất cả cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ và bất hạnh. Thế nhưng có một số người khi làm việc bố thì đã “khua chiêng đánh trống” cho mọi người tập trung đến xem. Việc bố thí của họ giống như một lễ hội để đánh bóng tên tuổi, hầu người khác biết đến và khen ngợi họ. Rõ ràng họ đã lợi dụng việc bố thí, lợi dụng sự nghèo khổ của người khác… Những việc làm như vậy Chúa Giêsu nói: “Chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6, 2b) từ những lời tán tụng của người khác. Còn người môn đệ Chúa, khi thực hành việc bác ái: “Đừng để tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6, 3).

Mục đích của việc cầu nguyện là để nối kết với Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã thường xuyên có sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha. Nhưng Ngài thường cầu nguyện vào lúc đêm khuya hay khi sáng sớm, ở trên núi cao hay ngoài bãi biển… Nghĩa là vào những lúc vắng vẻ và những nơi không có người. Vậy mà có những người thích cầu nguyện ở ngã ba đường, vào những lúc đông người. Mục đích là để cho người khác nhìn thấy, càng nhiều càng tốt, để người khác phải nể phục về đời sống đạo đức của họ. Chúa Giê su gọi họ là “bọn đạo đức giả” (Mt 6, 5). Và Ngài nhắc nhở cho các môn đệ của Ngài: “Hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện” (Mt 6, 6). Nghĩa là sự hiệp thông với Thiên Chúa chỉ có thể diễn ra trong một tâm hồn thinh lặng với một con tim hướng trọn về Chúa.

Mục đích của việc ăn chay là để biết làm chủ chính bản thân mình, là nhắc nhở mình biết từ khước những vui thú, những điều mình yêu thích để hướng trọn về Chúa. Chính vì vậy người ăn chay thực sự phải có được niềm vui, sự bình an trong tâm hồn vì họ đang tìm kiếm Chúa. Thế nhưng có những người ăn chay: “làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6, 16). Chúa Giê su nhắc nhở cho các môn đệ Ngài khi ăn chay: “nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh em ăn chay” (Mt 6, 17).

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, khi bước vào mùa Chay, xin cho con để ý đến 3 việc thực hành cơ bản trong đời sống đạo là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Nhưng đừng để con quá nệ vào những thức bên ngoài, mà phải hướng vào chiều sâu bên trong của mỗi việc làm, vì Chúa không thích của lễ với những hình thức hào nhoáng bên ngoà mà không có một chút tâm tình nào, nhưng yêu thích “một tấm lòng tan nát khiêm cung”.

THỨ NĂM SAU THỨ TƯ LỄ TRO

TIN MỪNG: Lc 9, 22-25

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

Chúa nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?” 

SUY NIỆM:

Muốn giới thiệu về một tổ chức, một đoàn thể sao cho thật hấp dẫn, người ta sẽ tìm mọi cách để tránh đi những điều xấu, hoặc ít ra cũng nói làm sao cho nó ít xấu nhất. Ở đây không phải là một tổ chức, một đoàn thể, mà là một Vương Quốc thì lẽ ra Chúa Giêsu phải nói làm sao cho thật hấp dẫn, đằng này Chúa nói những điều không tốt đẹp chút nào. Sự thật về Nước Chúa như vậy thì làm sao người ta dám theo.

Điều căn bản ở đây là Chúa Giêsu không phải giới thiệu để chúng ta thích thì vào, mà là Chúa nói lên sự thật để muốn có được thì phải chấp nhận những sự thật như vậy.

Kế đến Chúa Giêsu cũng nói lên sự thật của những ai muốn theo Chúa, muốn làm môn đệ Chúa: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23). Người môn đệ phải chấp nhận thân phận của Thầy mình, phải đi trên con đường Thầy mình đã đi. Có phải Chúa Giêsu là người thích sự đau khổ, để rồi Ngài cũng ép buộc người khác trở nên giống như Ngài? Thưa không, đây là điều đương nhiên, đây là cái nhìn của vị tiên tri, vì Chúa Giêsu biết hễ ai đi trên con đường này ắt sẽ gặp những chuyện rắc rối từ nhiều phía, những rắc rối đó Chúa Giêsu gọi chung là thập giá.

Muốn làm môn đệ Chúa thì phải sống theo những gì Chúa chỉ dạy, mà nhiều khi những điều đó không hợp với ý chúng ta. Ngoài ra theo Chúa còn phải biết nghe lời Chúa để sống giá trị của những người con Chúa là bác ái, yêu thương. Nhưng có những người chúng ta không thể thương được… Tất cả những điều đó là thập giá mà chúng ta phải vác hằng ngày.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, bước vào Mùa Chay xin cho chúng con biết rõ con đường theo Chúa là phải vác thập giá theo chân Chúa suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên những hy sinh đó không phải là vô hiệu, vì chúng con biết bước qua cuộc tử nạn là mầu nhiệm Phục sinh. Ngược lại không thể có Phục sinh nếu không có tử nạn.

THỨ SÁU SAU THỨ TƯ LỄ TRO

TIN MỪNG: Mt 9, 14-15

Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?” Chúa Giêsu nói với họ: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.  

SUY NIỆM:

Với hai câu lời Chúa ngắn ngủi hôm nay cho chúng ta thấy một sự thật vô cùng lớn lao nơi Chúa. Đó là ở bên cạnh Chúa con sẽ tìm được niềm vui đích thực. Chính Chúa đã nói điều đó: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ?” (Mt 9, 15). Trong tiệc tân hôn chàng rể là nhân vật chính. Mọi người đến tham dự tiệc cưới là để chia sẻ niềm vui với chàng rể. Ai ai cũng mong gặp được chàng rể để nhận được nụ cười nơi chàng. Mọi người hạnh phúc “lây” với chú rể.

Nhưng Chúa Giêsu cũng nói cho biết “tới ngày chàng rể bị đem đi”. Nghĩa là niềm vui sẽ không còn, hạnh phúc vụt mất… Lúc đó bạn bè của chú rể sẽ u buồn, mong ngóng ngày trở lại của chú rể.

Qua đó Chúa cho thấy ý nghĩa của việc ăn chay là để chờ đợi niềm vui đích thực. Mọi thứ ngon ngọt, mọi điều hạnh phúc ở đời này đều không thể sánh bằng với hạnh phúc có được từ nơi Chúa.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, qua phụng vụ lời Chúa hôm nay, xin cho chúng con biết tìm đến Chúa là niềm vui đích thực của cuộc đời. Tất cả những gì xuất phát từ nơi Chúa đều là hạnh phúc. Đồng thời cho chúng con dám khước từ những thứ hạnh phúc giả tạo, những niềm vui chóng qua trong khi mong chờ Chúa lại đến.

THỨ BẢY SAU THỨ TƯ LỄ TRO

TIN MỪNG: Lc 5, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài. Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.   

SUY NIỆM:

Tưởng rằng Chúa là Đấng toàn năng, thánh thiện, chỉ nhìn thấy những gì tốt đẹp, chỉ quan tâm đến những con người lành thánh… Đằng này một người tội lỗi như vậy mà Chúa cũng thấy.

Chẳng những nhìn thấy mà Chúa còn đến sát bên, nhìn anh ta với ánh nhìn trìu mến và mở miệng nói với anh ta: “Anh hãy theo tôi” (Mt 5, 27b).

Liền sau đó Lêvi mời Thầy Giêsu và các môn đệ của Ngài đến nhà, “làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông” (Lc 5, 29). Hà cớ gì chỉ với 4 từ “anh hãy theo tôi” mà Lêvi lại tốn kém như vậy? Xin thưa là vì cảm nghiệm ra tình thương của một người cao trọng dành cho một kẻ thấp hèn. Mình biết thân phận mình, mình xấu hổ với những điều mình đã và đang làm, mình muốn trốn tránh tất cả… Ấy vậy mà một con người nổi tiếng, một con người quyền năng, một con người thánh thiện lại đến bên mình, lại nhìn mình, lại nói chuyện với mình, lại muốn mình làm môn đệ cho ông ta… Ôi, còn hạnh phúc nào bằng

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, biết được tình thương của Chúa, chúng con còn chần chờ gì mà không quay về với Chúa? Chúa đang đến bên, trìu mến nhìn và cũng mở miệng nói với chúng con: “Hãy trở về với Ta”. Tình thương của Chúa chính là động lực để chúng con dám từ khước tất cả. Sự tha thứ của Chúa là sức mạnh để chúng con dám trỗi dậy. Và ơn thánh hóa của Chúa là sức hút để chúng con có thể đến với Chúa.

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here