SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN – B
CHÚA NHẬT:
TẤM LÒNG
Lời Chúa: Mc 12,38-44
Một hôm, trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói với đám đông dân chúng rằng : “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”.
Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói : “Thầy bảo thật anh em : bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì đê nuôi thân”.
Suy niệm:
Điều Chúa Giêsu muốn giáo huấn trong đoạn Tin mừng hôm nay là sự giả hình. Dẫn chứng cụ thể là: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ.”
Điều gì khiến họ làm như vậy? Thưa vì lợi ích cá nhân. Họ làm tất cả những việc như thế không phải vì bổn phận, càng không phải vì lòng yêu mến Chúa, nhưng chỉ ích lợi cho bản thân của họ.
Ngược lại với hành động đó, Đức Giêsu đề cao thái độ của một nhân vật thấp cổ bé miệng, yếu thế trong xã hội lúc bấy giờ, đó là bà góa qua việc bỏ 2 đồng tiễn kẽm vào thùng dâng cúng, một số tiền rất ít, rất nhỏ bé.
Hành động của bà góa là quên đi ích lợi cá nhân để nghĩ đến lợi ích chung, nhất là qua việc chung đó bà thể hiện đức tin của bà vào Thiên Chúa, chủ tể của cuộc đời bà.
Thế cho nên đối với Chúa có tấm lòng là có tất cả. Ngược lại khi có tấm lòng ta sẽ làm tất cả để mưu ích cho bản thân.
Đại dịch Covid-19 đang cần chúng ta chung tay để dìu nhau vượt qua khó khăn. Tuy nhiên muốn vượt qua khó khăn này cần phải có tấm lòng, nếu không chúng ta sẽ dễ vướng vào lợi dụng hoàn cảnh để trục lợi cho bản thân; điều đó đã xảy ra vài nơi.
Tuy nhiên còn rất nhiều người giống như bà góa, dù khó khăn, thậm chí thiếu thốn nhưng vẫn chia sẻ những phần rất nhỏ của mình để dìu nhau vượt qua cơn dịch bệnh.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con biết “làm mọi sự vì đức ái”, vì nếu không có đức ái, không có tình yêu, không có tấm lòng thì mọi sự con làm chỉ là trình diễn, thậm chí tệ hại hơn là lợi dụng vì một mục đích cá nhân nào đó. Xin cho con biết ghê sợ sự giả hình. Amen.
THỨ HAI:
GƯƠNG XẤU
Lời Chúa: Lc 17, 1-6
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. Anh em hãy đề phòng!
“Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: “Tôi hối hận”, thì anh cũng phải tha cho nó.”
Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em.”
Suy niệm:
Chỉ vỏn vẹn 6 câu nhưng đoạn Tin Mừng hôm nay lại chứa đựng 3 giáo huấn quan trọng cửa Chúa Giêsu cho đời sống đạo của chúng ta. Đó là gương mù gương xấu, sự tha thứ và lòng tin vững vàng.
Ở đây chỉ suy niệm về giáo huấn thứ nhất là việc làm gương xấu. Ở đây Chúa Giêsu muốn nói đến những kẻ làm cho người khác lung lay đức tin hoặc mất đức tin vào Chúa. Quả thật chính cách sống của người công giáo thực thụ có sức hấp dẫn người khác và góp phần làm cho xã hội nên tốt đẹp. Nhưng cũng chính cách sống không phù hợp với Tin mừng đã làm cho nhiều người ngao ngán về đạo công giáo. Thế cho nên gương mù gương xấu sẽ làm nguy hại đến chính chúng ta, làm cho chúng ta mất hạnh phúc đời đời; còn làm ảnh hưởng đến nhiều người khác, nhất là những người non kém trong đời sống đức ti.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con một niềm tin vững vàng để con kiên trung với những gì con đã lành nhận và can đảm tuyên xưng điều con đã sống. Amen.
THỨ BA – 09/11: CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ
THANH TẨY TÂM HỒN
Lời Chúa: Ga 2,13-22
Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.
Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.
Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.
Suy niệm :
Đền thờ là nơi thờ phượng Thiên Chúa, nhưng có những người đã lạm dụng để làm lợi cho bản thân mình, thậm chí còn dùng cả việc lường gạt, trộm cắp….
Đứng trước thái độ đó Đức Giêsu không thể làm ngơ, Ngài thanh tẩy Đền Thờ của Cha Ngài cho sạch mọi ô uế do chính những con người trong Đền Thờ làm ra. Ngài muốn con người phải trả lại mục đích và vẻ đẹp của Đền Thờ.
Có người nói “Trước khi họp chợ, thì lòng người ta đã là cái chợ”. Vì thế mọi ngổn ngang là do lòng người gây ra. Lòng đầy những tham lam, những tính toán, những đố kỵ hơn thua… nên họ đã hành động bất chấp cả lương tâm, cả nơi thánh.
Tâm hồn ta là một Đền Thờ. Đức Giêsu cũng muốn ta giữ gìn vẻ đẹp cho Đền Thờ ấy bằng việc thanh tẩy thường xuyên và tránh xa những sự xấu xa của thế gian.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin gìn giữ tâm hồn con, đừng để những ham hố của thế gian xâm chiếm làm con trở nên dơ bẩn. Và nếu con có dơ bẩn, xin cho con biết đến với Chúa để được Ngài thanh tẩy. Amen.
THỨ TƯ:
KHÔNG CÒN NGĂN CÁCH
Lời Chúa: Lc 17,11-19
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”
Suy niệm :
Ranh giới giữa “bên có đạo và bên không có đạo” lại xuất hiện nhóm người sống chung với nhau gồm cả người có đạo và không có đạo, dường như người có đạo ít hơn, chỉ có 1 người. Sự gặp gỡ này là vì họ dù có đạo hay không có đạo đều có một điểm chung: mắc bệnh phong cùi.
Chính trong sự đau khổ và loại trừ khiến con người sẽ gặp gỡ nhau bất chấp tôn giáo, địa vị, thành phần giai cấp. Lúc này đâu ai còn chơi với người cùi, đâu ai dám lại gần người cùi, đâu ai nghe người cùi tâm sự, đâu ai thăm viếng người cùi… thôi thì từ nay cùi sống với cùi, cùi chơi với cùi, cùi tâm sự với cùi, cùi gặp gỡ cùi…
Đức Giêsu thấu hiểu nỗi khổ của họ nên Ngài đã cho họ được sạch để hòa nhập với cộng đoàn. Tuy nhiên khi được sạch rồi, những người có đạo lại dựa vào lệ luật để chỉ sống cho lề luật, họ đi trình diện các tư tế. Còn người ngoại đạo thì quay trở lại để cám ơn Đức Giêsu, vì chính con người này đã làm cho anh được sạch. Anh không lệ thuộc vào bất cứ lề luât nào, mà chỉ có trái tim dành trọn cho người đã yêu thương mình.
Chín người kia được sạch về phần xác, nhưng tâm hồn vẫn mù tối, người ngoại bang được sạch cả về tâm phần xác lẫn tâm hồn.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết ơn Chúa là Đấng đã dành mọi sự cho con ; để từ đó dạy con hãy biết san sẻ tình yêu thương với mọi người xung quanh, nhất là những người bị loại trừ trong xã hội. Amen.
THỨ NĂM:
VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU
Lời Chúa: Lc 17,20-25
Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói : ‘Ở đây này !’ hay ‘Ở kia kìa !’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”
Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. Người ta sẽ bảo anh em : ‘Người ở kia kìa !’ hay ‘Người ở đây này !’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.”
Suy niệm :
Người Do Thái quan niệm Đấng Messia đến như một vị vua, và triều đại của Ngài như một thời gian cai trị. Triều đại này, vị vua này sẽ giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách thống trị của ngoại bang và làm cho đất nước họ trở nên sung túc… Tóm lại họ quan niệm Đấng Messia và Triều Đại Thiên Chúa theo kiểu trần tục.
Đức Giêsu là Đấng Messia đang ở giữa họ, và triều đại Thiên Chúa chính là tình yêu thương mà Đức Giêsu đang thiết lập trong cuộc sống bằng những lời rao giảng, bằng hành động yêu thương và phục vụ và bằng chính cái chết đau thương trên thập giá.
Khi con người nhận biết và bước theo Đức Giêsu để tôn thờ Thiên Chúa, nghe lời Ngài để trau giồi và sống tình yêu thương là lúc họ trở thành công dân trong Vương quốc của Ngài.
Vì thế triều đại Thiên Chúa không ở đâu xa mà ở nơi chính những con người biết yêu thương nhau. Đừng tìm kiếm, nhưng hãy sống.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa, mỗi ngày con gặp gỡ nhiều người, xin cho con biết kính trọng yêu thương họ bằng sự nhận biết Thiên Chúa hiện diện nơi họ. Chính lúc đó là con đang sống trong vương quốc của Thiên Chúa, vương quốc tình yêu. Amen.
THỨ SÁU:
NHẠY BÉN VỚI NHỮNG BIẾN CỐ HẰNG NGÀY
Lời Chúa: Lc 17,26-37
Cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thuỷ ập tới, tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót : thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải. “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. Thầy nói cho anh em biết : đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su : “Thưa Thầy, ở đâu vậy ?” Người nói với các ông : “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”
Suy niệm :
Nếu con người mải mê với những thế sự trần gian, thì khi ngày của Con Người đến họ sẽ mất tất cả, giống như 2 câu chuyện trong Cựu ước mà Đức Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay. Gia đình ông Nô-ê và ông Lot được cảnh báo về tình trạng tội lỗi của dân thành mà họ đang sống. Chắc chắn không phải chỉ một mình gia đình họ, mà mọi người đều được cảnh báo, chỉ có điều những người biết nghe lời Thiên Chúa qua lời loan báo của các ngôn sứ, họ thi hành, nên họ được cứu.
Thời đại nào cũng vậy, Thiên Chúa luôn luôn nhắc nhở con người bằng nhiều cách khác nhau để họ biết ăn năn sám hối, nhưng lúc nào cũng thế, cũng có những con người biết đón nhận, và những con người khước từ, họ vẫn “ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mua bán, trồng trọt, xây cất”, nghĩa là họ không quan tâm đến giá trị tâm linh, họ không màng đến Thiên Chúa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin cho con biết sám hối để chuẩn bị hành trang cho một cuộc vượt qua như ông Nô-ê và ông Lót là chính là biết bỏ đi những gì không cần thiết, để lại và cất cẩn thận tài sản của mình, trưng bày ra những nhu yếu phẩm để sử dụng cho cuộc hành trình… Muốn thế con phải luôn luôn quản lý cuộc đời mình cách chặt chẽ để không phải hối hận khi giờ Con Người đến. Amen.
THỨ BẢY:
KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN
Lời Chúa: Lc 18,1-8
Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói : “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông : ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng : ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.'”
Rồi Chúa nói : “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó ! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao ? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi ? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”
Suy niệm :
Mục đích của dụ ngôn này được Luca ghi rất rõ ràng: “để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.” Như vậy trước hết Đức Giêsu dạy ta phải cầu nguyện, vì cầu nguyện chính là sự nối kết con người với Thiên Chúa. Nếu không cầu nguyện chúng ta không thể có sự hiệp thông với Chúa.
Kế đến chẳng những cầu nguyện mà còn phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Vì thực tế có những người đã nản chí sờn lòng khi họ cầu nguyện mà không đạt được kết quả.
Về vấn đề này cần phải lưu ý đến việc mục đích của việc cầu nguyện là gì? Có phải là để bắt Chúa làm theo ý của ta? Có phải là để Chúa can thiệp ngay hoàn cảnh tang thươn, mất mát? Có phải là để Chúa cho ta hết bệnh ngay tức khắc?… Thưa không phải thế, vì tất cả mọi sự diễn ra đều không ngoài thánh ý Chúa. Cầu nguyện là để ta thêm sức mạnh và vượt qua những khó khăn gian khổ, vì tin chắc một điều Chúa ở bên ta để cùng ta vượt qua cảnh khổ này.
Chính vì thế thay vì xin Chúa làm điều này điều nọ, thì xin Chúa cho ta luôn biết trung thành với Chúa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa dẫu cuộc đời có lắm nỗi chông gai và tương lai có mịt mù tăm tối, thì xin cho con biết rằng Chúa là vầng thái dương đang chờ con phía trước. Con cứ mạnh dạn tiến bước trong sự đồng hành nâng đỡ của ơn Chúa, thì chắc chắn con sẽ đến miền ánh sáng. Amen.