Wednesday, January 22, 2025
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 24 | Năm B

CHÚA NHẬT:
NHỎ BÉ ĐỂ VĨ ĐẠI

Lời Chúa: Mc 8, 27-35

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Suy Niệm:

Người vĩ đại không cần làm những việc lớn lao, mà chỉ cần “Đi về phía những làng nhỏ” để làm cho những con người nhỏ bé trở nên vĩ đại. Con người cảm thấy đủ đầy không phải về vật chất hay những giá trị chóng qua như danh lợi thú, nhưng là khi được yêu thương. Chính khi đón nhận tình yêu thương con người thấy mình vĩ đại.

Sứ mạng của Đức Giêsu không giống như Gioan tẩy giả, Êlia hay các vị tiên tri vì họ chỉ là những con người dọn đường, những con người giới thiệu cho một Đấng làm cho người ta trở nên vĩ đại khi họ được hưởng ơn cứu độ. Đức Giêsu là Đấng thực hiện lời giới thiệu đó, là chính ơn cứu độ cho người ta. Vì vậy Ngài là Đấng vĩ đại.

Thế nhưng con người vĩ đại này lại “đi về phía những làng nhỏ”, đi trên con đường hẹp, con đường thập giá, con đường chẳng mấy ai đi. Nếu nhìn ở khía cạnh nhân bản, những con người chấp nhận làm những việc tầm thường, những việc người khác ghê sợ, không dám làm như dọn nhà vệ sinh, khơi thông cống rãnh, chăm sóc người bị bệnh truyền nhiễm… thì họ mới thực sự là những con người vĩ đại. Xét về khía cạnh tâm linh, chỉ khi nào con người nhận ra mình là con 0, lúc đó Thiên Chúa mới là số 1 đặt trước cuộc đời họ.

Chính vì thế, Đức Giêsu không cứu độ kiểu ở trên cao ban phát, mà Ngài âm thầm đi vào mọi ngõ ngách tâm hồn, ngõ ngách cuộc đời để cùng với con người giải quyết từng vấn đề riêng tư của họ. Ngài chọn con đường nhỏ bé để làm cho người ta trở nên vĩ đại.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, chúng con tự hào là người công giáo, tự hào là con cái Chúa không phải về những việc lớn lao thần kỳ, nhưng về việc mình được Chúa yêu thương và biết yêu thương nhau. Chính tình yêu làm cho con người trở nên vĩ đại dù họ làm những việc hết sức bình thường. Xin cho con âm thầm phục vụ trong những việc hết sức bình thường giữa đời thường, để cho con người trở nên phi thường vì họ được yêu thương. Amen.

THỨ HAI:
PHỤC VỤ ĐỂ MANG LẠI HẠNH PHÚC CHO NHAU

Lời Chúa: Lc 7, 1-10

Một hôm, sau khi giảng dạy dân chúng, Đức Giêsu vào thành Caphácnaum. Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta quý người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ mục của người Do Thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.

Họ đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. Đức Giêsu liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi !’ là nó đi; bảo người kia: ‘Đến!’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này! là nó làm”.  Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế”. Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.

Suy Niệm:

Người làm lớn biết quý trọng người cộng tác với mình “Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta quý người ấy lắm”, quý mến dân dù họ không cùng tôn giáo: “Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”.

Chính tâm hồn bao la rộng mở, phóng khoáng, yêu thương đó đã làm cho Đức Giêsu, hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha chạnh lòng thương và sẵn sàng giúp đỡ ông để làm cho ông điều ông mong muốn, là chữa lành cho tên đầy tớ của ông. Nói cách khác, sự hòa hợp giữa những tâm hồn biết quan tâm, lo lắng cho người khác sẽ mang đến niềm vui, hạnh phúc cho cuộc đời này.

Ở đâu có nhiều tâm hồn đồng điệu, cùng chung nhịp đập là không nghĩ đến bản thân mình, mà nghĩ đến người khác, nghĩ đến lợi ích chung… thì ở đó thiên đàng đang ngự trị. Vì thiên đàng là Thiên Chúa yêu thương mang lại hạnh phúc cho con người.  Nên ở đâu người ta mang lại hạnh phúc cho nhau, thì ở đó là thiên đàng.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, hình ảnh viên đại đội trưởng tha thiết xin Đức Giêsu chữa lành cho người đầy tớ của mình cho chúng con phải suy nghĩ lại vì anh ta là người ngoại giáo nhưng đã sống tinh thần Kitô giáo rất rõ nét. Đó là một tinh thần yêu thương phục vụ, bắt đầu từ những con người nhỏ bé nhất. Đó chính là cung cách Đức Giêsu đã sống, nêu gương và mời gọi chúng con bắt chước. Xin cho chúng con dù là ai, làm gì, hãy cũng biết sống tinh thần khiêm tốn đó để mang lại hạnh phúc cho mình và cho người. Amen.

THỨ BA:
VỊ NGÔN SỨ VĨ ĐẠI

Lời Chúa: Lc 7, 11-17

Khi ấy, Ðức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám người rất đông cùng đi với Người. Khi Ðức Giêsu đến gần cửa thành, thì kìa người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có đám rất đông người trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Ðức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Ðức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Lời này được đồn ra trong khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận.

Suy Niệm:

Nỗi đau của người vợ mất chồng được vơi đi khi còn đứa con làm điểm tựa. Nhưng khi điểm tựa đó bị đổ gãy thì không còn đau nữa: không đau vì quá đau. Lúc đó bà không còn cảm xúc, bà đã “trơ mặt ra như đá”, trái tim bà đóng băng, tâm hồn bà tan nát…

Đức Giêsu không thể làm ngơ trước nỗi đau của người khác. Ngài đau nỗi đau của bà. Ngài chạnh lòng thương, nghĩa là cùng chung cảm xúc, nhưng hơn thế nữa, Ngài có thể giải can thiệp để biến nỗi đau thành hạnh phúc.

Đức Giêsu có khả năng phục sinh kẻ chết không phải để chứng tỏ quyền năng của Ngài, nhưng để giúp con người bớt khổ đau; và nhất là để con người biết hướng nhìn đến hạnh phúc vĩnh cửu, vì anh thanh niên sống lại rồi cũng sẽ chết, nhưng nếu tin vào Ngài thì 2 mẹ con sẽ sống mãi mãi trong hạnh phúc đời sau.

“Một vị ngôn sứ vĩ đại” đối với dân chúng thời bấy giờ là vị đã giải thoát cho người ta hết đau khổ, đem đến hạnh phúc của sự xum vầy, cho mẹ con được đoàn tụ, trả lại sự sống cho người thanh niên trong hiện tại… Tất cả những điều đó chỉ là cảm nếm cho hạnh phúc thực sự mà vị ngôn sứ vĩ đại mang lại cho nhân loại qua cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Như vậy, để có được hạnh phúc mãi mãi thì phải biết xây dựng hạnh phúc ngay từ bây giờ khi biết góp phần xây dựng hạnh phúc cho đời và cho người khác. Hãy sống làm sao để những người bên cạnh chúng ta được hạnh phúc.

Họ được an ủi khi đau khổ, họ tìm thấy bờ vai lúc mệt mỏi, họ bám được chiếc phao khi chới với, khi gặp khó khăn họ chạy đến với ta, khi buồn họ có nơi trút bầu tâm sự…

Những “Vị ngôn sứ vĩ đại” rất âm thầm, khiêm tốn trong thời đại chúng ta.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã mang đến niềm vui hạnh phúc cho cuộc đời con bằng chính tình yêu thương và sự giải thoát của Ngài. Con xin cám ơn Chúa và cố gắng mỗi ngày để đạt được hạnh phúc đích thực, vĩnh cửu. Đồng thời xin cho con biết mang đến niềm vui hạnh phúc cho cuộc đời, cho người khác bằng chính tình yêu thương và sự phục vụ hết sức âm thầm của con. Amen.

THỨ TƯ : LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
TREO LÊN

Lời Chúa: Ga 3, 13-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.

“Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”.

Suy Niệm:

Để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại, Thiên Chúa không chọn con đường nào khác, mà lại chọn con đường thập giá cho Đức Giêsu Kitô, để chính khi bị treo lên Ngài sẽ nâng con người đến cùng Thiên Chúa.

“Treo lên” là hình ảnh của việc từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa.

“Treo lên” là làm cho mình nên nhẹ nhàng, thanh thoát với những giá trị trần gian để hướng đến những giá trị vĩnh cửu trên trời.

“Treo lên” là sự quyết tâm không mệt mỏi để kiên trì, đeo bám những gì là tốt đẹp.

“Treo lên” để không còn là mình, nhưng trở thành dụng cụ của  Chúa muốn.

“Treo lên” để giữa những mênh mông vô tận, con người còn nhìn thấy một điểm tựa.

“Treo lên” mỗi ngày để trở thành hy tế dâng lên Thiên Chúa Cha

“Treo lên” từng ngày để kéo người khác về với Chân-Thiện-Mỹ.

Cầu Nguyện:

Lạy  Chúa, xin cho con biết kết hợp với Đức Giêsu để “Treo lên” trọn vẹn cả con người của con hầu trở thành của lễ cho chính mình và cho nhiều người. Amen.

THỨ NĂM:
ĐẲNG CẤP THÁNH THIỆN

Lời Chúa: Lc 7, 36-50

Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi!” Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: “Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông”. Simon thưa: “Xin Thầy cứ nói”.

“Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?” Simon đáp: “Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông đã xét đoán đúng”.

Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: “Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít”.

Rồi Người bảo người đàn bà: “Tội con đã được tha rồi”. Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: “Ông này là ai mà lại tha tội được?” Và Người nói với người đàn bà: “Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”.

Suy Niệm:

Suy nghĩ của người biệt phái trong đoạn Tin Mừng hôm nay cũng là suy nghĩ của nhiều người, thậm chí là của chính chúng ta: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi!”. Họ muốn tách biệt sự thánh thiện với tội lỗi; và từ đó là người tội lỗi với Đấng Thánh.

Theo quan điểm đó thì giữa Đấng Thánh và người tội lỗi phải có một ranh giới rõ ràng, phải có bức tường lửa để bên này muốn qua bên kia cũng không được, mà bên kìa muốn qua bên này cũng không xong.

Đức Giêsu lại thường xuyên tới lui với người “bị xếp loại hạnh kiểm xấu”, đồng bàn với quân tội lỗi và người thu thuế, cho cô gái điếm đụng chạm đến mình… Đấng Thánh gì mà kỳ cục vậy?!

Sự thánh thiện của Đức Giêsu không phải để trên bàn thờ hoặc trưng bày trong lồng kính, mà sự thánh thiện đó phải có khả năng biến đổi con người từ tình trạng xấu đến tình trạng tốt hơn; nghĩa là  nâng cấp họ, giải phóng họ.

Đức Giêsu đã tự xé hàng rào ngăn cách của thánh thiện và tội lỗi để sự tốt lành của Thiên Chúa có thể đến được với con người, để họ không còn mặc cảm vì bị loại trừ, và nhận ra từ nay mình có thể trở thành con người tốt.

Vì thế đẳng cấp của con người là sự hòa mình như hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”; vẫn giữ được bản chất tốt lành của họ, nhưng vẫn có thể góp phần cải thiện phong hóa thế gian, làm cho kẻ dữ hóa lành…

Đức Giêsu đã đạt được đẳng cấp đó khi Ngài vẫn là Đấng Thánh và giúp cho những ai tiếp cận với Ngài đều trở thành thánh. Muốn thế, chính Ngài phải đi bước trước, phải xé rào để sự thánh thiện của Ngài có thể tuôn đổ đến sự yếu đuối mỏng giòn của chúng ta. Hơn nữa, đẳng cấp ấy không phải để chứng tỏ, để ra oai, nhưng đẳng cấp ấy để ta nhận ra sự thật về Thiên Chúa Tình Yêu.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, Chúa không phân biệt, loại trừ bất cứ một ai, nhưng tất cả đều được Chúa yêu thương và mời gọi đón nhận ơn cứu độ. Xin cho chúng con biết chạy đến gần Chúa nhiều hơn để được sự thánh thiện của Ngài gột rửa những dơ bẩn nơi tâm hồn và thân xác mỏng giòn của chúng con. Đồng thời xin cho chúng con đừng có cái nhìn định kiến về bất cứ người nào, dù họ có ra sao. Amen. 

THỨ SÁU:
GÓP PHẦN XÂY DỰNG NƯỚC CHÚA

Lời Chúa: Lc 8, 1-3

Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

Suy Niệm:

Đức Giêsu không rao giảng một mình vì Nước Trời nằm trong mầu nhiệm Hiệp Thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, tự bản chất Nước Trời phải là sự hiệp thông.

Trên bước đường loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đi cùng và cùng đi với nhiều người, nhiều thành phần khác nhau trong đó có những người xem ra yếu thế, đối tượng được Tin mừng Luca đặc biệt quan tâm, cụ thể là những người phụ nữ.

Tuy nhiên những người yếu thế này lại là những người đóng góp rất lớn trong công cuộc loan báo Tin mừng. Họ biết vị thế của họ, và vì thế họ biết dùng cách nào để góp phần loan báo Tin Mừng. 

Họ biết họ không thể kề cận với Đức Giêsu như các Tông đồ. Họ biết họ cũng không thể rảo bước hằng ngày khắp nơi vì họ còn lo cho gia đình. Họ biết họ không thể đứng lên trong các hội đường để nói về Nước Thiên Chúa, vì tiếng nói của họ không có giá trị thời bấy giờ… Nhưng tất cả những điều đó không ngăn cản việc loan báo Tin mừng, họ dùng chính những gì Chúa ban để góp phần xây dựng Nước Chúa: “Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ”.

Hiệp nhất, yêu thương, xây dựng là hình ảnh của Nước Chúa ngay tại trần gian này. Thiên đàng không dành cho riêng ai, và vì thế không ai có quyền tự tách mình khỏi mọi sinh hoạt của Hội Thánh nếu họ muốn sống trong Nước Trời. Mọi thành phần dân Chúa đều là những người xây dựng chứ không phải phá đổ.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, khi ở trần gian Chúa cần sự nuôi dưỡng của Đức Mẹ và thánh Giuse, Chúa cần những người bạn và những người cùng đi trên bước đường loan báo Tin Mừng. Từ đó cũng cho mọi người chúng con thấy giá trị của mình trong Nước Chúa. Xin cho chúng con biết dùng tất cả khả năng của mình để góp phần xây dựng Nước Chúa. Amen.

THỨ BẢY:
THÁI ĐỘ QUYẾT ĐỊNH HẠNH PHÚC

Lời Chúa: Lc 8, 4-15

 Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng:

“Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt.Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt.Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”. Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.”

Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì.Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.

“Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ.Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc.Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành.Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.

Suy Niệm:

Người ta kéo đến với Đức Giêsu đông đảo, không phải người gần, mà cả người xa. Luca tường thuật một cảnh tượng xem ra rất đẹp, rất thành công với một nhân vật mang tên Giêsu: “Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su”.

Thế nhưng Đức Giêsu không nhìn với cái nhìn của con người để tự lừa dối mình: rằng mình quá hay, quá giỏi… vì Ngài biết rõ mục đích Ngài đến thế gian này, và Ngài cũng biết rõ mục đích của những người kéo đến với Ngài. Điều đó cho thấy Ngài không rao giảng một giá trị để đánh lừa, để mị dân, một giá trị với hình thức bên ngoài, mà là giá trị chân thật và vĩnh cửu.

Dụ ngôn người gieo giống với hình ảnh những hạt giống rơi nhiều nơi khác nhau: vệ đường, trên đá, bụi gai, đất tốt… và dẫn đến những kết quả khác nhau. Đức Giêsu ngầm nói với đám đông họ đến với Ngài cũng bằng nhiều mục đích khác nhau. Nếu mục đích xấu như hạt giống rơi trên vệ đường, trên đá, bụi gai thì sẽ chẳng mang lại kết quả gì đâu; còn nếu đến với Ngài với mục đích tốt như hạt giống rơi trên đất tốt thì chắc chắn sẽ mang lại kết quả tốt.

Thiên Chúa luôn muốn những điều tốt đẹp cho con người. Ngài như người nông dân phóng khoáng, tốt lành, gieo vãi những giá trị tốt. Thế nhưng con người lại đón nhận với thái độ khác nhau. Có người loại trừ Ngài, có người lợi dụng Ngài, có người muốn theo dõi Ngài với mục đích xấu, nhưng cũng có người chân thành đón nhận Ngài…

Ngài biết tất cả, nhưng vẫn đối xử tốt với mọi hạng người để mong muốn đến ngày sau cùng họ sẽ đón nhận được điều tốt. Phần con lại là chính thái độ của con người. Bao lâu chúng ta xem Ngài là Đấng Cứu Độ thì sẽ mang lại kết quả tốt đẹp cho chính cuộc đời chúng ta. Còn nếu đang có thái độ dò xét, loại trừ, hoặc lợi dụng thì hãy hoán cải để mong đón nhận giá trị tốt đẹp hơn, ít nhất là để chúng ta không còn mệt mỏi với một Đấng mà chúng ta đang có cái nhìn không đúng đắn; giống như giơ chân đạp mũi nhọn.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, hạnh phúc đích thực cho mỗi người chúng con là tùy thuộc vào thái độ đón nhận Đức Giêsu Kitô, Hạt Giống được Chúa gieo vào trần gian này. Xin cho chúng con có lý trí sáng suốt để nhận ra điều chân thật, ý chí mạnh mẽ để không bị những giá trị ảo dối lừa, con tim mãnh liệt để dấn thân cho lý tưởng và cũng là cùng đích cuộc đời mình. Amen.

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here