Friday, November 22, 2024
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Tuần 2 | Mùa Vọng | Năm C

CHÚA NHẬT

Tin Mừng: Lc 3, 1-6 

Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.

Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Suy niệm:

Để đón một nguyên thủ quốc gia, người ta phải chuẩn bị nhiều khâu, tốn kém nhiều thứ.Đổi lại khi vị nguyên thủ đó xuất hiện, người ta được vinh dự, được niềm vui, nhất là khi vị nguyên thủ đó có thể mang đến cho họ những lợi ích nào đó.

Cũng thế, để đón mừng Ngôi Hai Giáng Sinh mang đến ơn cứu độ là niềm hy vọng lớn nhất cho nhân loại, con người cũng phải chuẩn bị.

Gioan, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế đã mời gọi con người Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Tất cả những việc đó không gì khác hơn là sửa đổi cuộc sống của mình cho tốt đẹp. Vì vậy có thể nói một cách ngắn gọn rằng, để được cứu độ con người cần phải luôn luôn thay đổi lối sống của mình cho tốt đẹp hơn.

Mỗi người đều nhận thấy và nhận ra những gì cần phải thay đổi nơi chính bản thân mình, điều quan trọng là chúng ta đã bắt tay vào việc “dọn đường” chưa. Nếu chưa thì Mùa Vọng chính là thời gian để nhắc nhở chúng ta về điều đó.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con biết dọn dẹp tâm hồn của mình được sạch đẹp, để Chúa đến mang ơn trời, mang ơn cứu rỗi cho con và cho mọi nơi.

THỨ HAI

Tin Mừng (Lc 5, 17-26)

Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: “Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!”

Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: “Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?” Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: “Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: “Các tội của ngươi đã được tha”, hay nói: “Ngươi hãy đứng dậy mà đi”, đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất”. Người nói với người bất toại rằng: “Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà”.

Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: “Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng”.

Suy niệm:

Tiên tri Isaia loan báo sẽ đến ngày: “mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước. Hang dã thú nơi chó rừng ẩn náu sẽ trở thành vườn lau vườn sậy”.

Điềm tiên báo đó hôm nay đã được thực hiện nơi Đức Giêsu bởi “quyền lực của Thiên Chúa”, khi Người truyền cho người bại liệt: “Hãy chỗi dạy mà đi!” và lập tức anh ta chỗi dậy.

Quyền năng của Thiên Chúa là để chữa lành. Nhưng để có thể được chữa lành thì phải có sự tiếp cận với Thiên Chúa, có khi là chủ động, có khi là thụ động giống người bại liệt trong bài Tin mừng hôm nay.

Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng là thời gian để nhắc nhở con người về sự mong chờ ơn cứu độ. Thiên Chúa sẽ đến cứu chúng ta, nhưng làm sao để chúng ta có thể đón nhận ơn cứu độ đó? Thưa điều kiện đó là phải tin tưởng và chạy đến với Thiên Chúa.

Tin tưởng để thờ phượng một mình Thiên Chúa. Điều đó được thể hiện qua việc siêng năng cầu nguyện sớm tối, tham dự Thánh lễ, thực hành những việc đạo đức, và sống theo những lời chỉ dạy của Thiên Chúa trong tình con thảo.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin Chúa giúp con trong mùa Vọng này cố gắng hy sinh nhiều hơn để gắn bó với Chúa, nhất là trong cơn dịch bệnh này, xin cho con biết quan tâm đến ơn cứu độ của những người thân trong gia đình, để có thể “khiêng họ” đến gần Chúa hơn.

THỨ BA

Mt 18, 12-14

Khi ấy, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ.

Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế.

Cha Ta đã trao phó cho Ta mọi sự.

Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!”

Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: “Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe.

Suy niệm:

Tinh thần của mùa Vọng không phải chỉ là mong chờ, nhưng nhất là tin tưởng vào Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến vì yêu thương.

Đấng đó chính là Thiên Chúa được mặc khải trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, vị Mục Tử nhân lành. Ngài không chỉ yêu thương những con chiên ở trong đàn (điều đó là tất nhiên rồi), mà Ngài còn yêu thương, quan tâm, tìm kiếm những con chiên lạc.

Quả thật, Đức Giêsu đã đến cũng chỉ vì sự lầm lạc của ông bà Nguyên Tổ, đã làm những điều sai trái để không xứng đáng ở trong khu vườn hạnh phúc nữa. Họ đã tìm kiếm một vùng trời hạnh phúc khác ngoài đồng cỏ xanh tươi Chúa đang chăn dắt họ. Họ đã chạy theo quyền lực ma quỷ đã gieo vào lòng họ. Họ đã lạc đàn.

Đức Giêsu đang đến giữa cuộc đời, trong mỗi người và từng người để quy tụ tất cả về cánh đồng xanh thơm ngát mùi cỏ non, về dòng suối mát trong thơm lành vị mật ngọt…

Tuy nhiên vẫn còn những con chiên chưa chịu quay đầu vì còn nhiều những con quỷ chưa chịu làm thinh. Còn cám dỗ ắt sẽ còn những giây phút nao lòng. Biển chưa yên thì con tàu chưa thể cập bến. Chính vì vậy Đức Giêsu Kitô vẫn phải còn thao thức, trăn trở trên thập giá để gọi mời yêu thương, để lôi kéo con người trở về với suối nguồn hạnh phúc.

Niềm vui thật lớn lao khi có nhiều con chiên bước vào đàn chiên của Chúa. Niềm vui sẽ dâng trào hơn khi một vài con chiên quay trở lại đàn chiên năm cũ.

Quay trở lại vì sau một thời gian đi tìm niềm vui mới, tìm hoài chẳng thấy, tìm mãi chẳng ra. Đói, khát, hiểm nguy khiến con chiên phải tìm về nơi chốn an toàn.

Nhưng chính trong lúc con chiên bỏ đàn đi tìm đàn mới, thì vị mục tử đã lặn lội phía sau, âm thầm gìn giữ, cẩn thận chở che, tế nhị cung cấp những thứ tối thiểu để nó được sống, can đảm chiến đấu với thú dữ đang ngày đêm rình rập con chiên của anh ta.

Tất cả những điều đó cho chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tình thương của vị Mục Tử Tối Cao mà chúng ta đang được vinh dự làm con chiên của Ngài.

Mùa Vọng để tin tưởng đợi chờ. Tin tưởng vào lòng Thương Xót Chúa. Đợi chờ ơn cứu độ Chúa.

Hai tâm tình đó thúc bách tôi hoán cải, sửa đổi, quay về.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, mỗi khi Mùa Vọng đến, con hay van xin: Mây ơi mau hãy mưa vị cứu tinh!

Nhưng Mùa Vọng năm nay con không van xin Chúa nữa vì con biết Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến. Ngược lại con sẽ van xin chính bản thân con: “chiên ơi mau hãy quay lại” vì Mục Tử đã luôn luôn cất bước ra đi để tìm kiếm chiên lạc.

NGÀY 08.12: ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Tin Mừng : Lc 1, 26-38

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!” Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.

Suy niệm:

Từ mẫu gương cầu nguyện của Mẹ Maria cho chúng ta nhìn lại đời sống cầu nguyện của mình.

Chúng ta đã biết cầu nguyện trong đời sống chưa, hay giữ đạo đối với chúng ta chỉ là việc dự lễ Chúa Nhật, không kêu tên Chúa vô cớ, không trộm cắp, không nói tục chửi thề, không làm chứng dối…? Giữ đạo không phải là việc tuân giữ một mớ lề luật, mà là việc sống mối tương quan thân tình với Thiên Chúa, từ đó mới tuân giữ những gì Chúa dạy.

Trong cầu nguyện chúng ta có đơn sơ, chân thành đặt mình trong vòng tay Chúa như một trẻ nhỏ chưa, hay chúng ta còn tìm kiếm những lời hay ý đẹp để độc thoại với Chúa? Trong cầu nguyện chúng ta có biết trình bày với Chúa hoàn cảnh của mình chưa hay cứ xin Chúa làm cho chúng ta việc này, việc nọ?

Trong cầu nguyện chúng ta có dám tin tưởng để mạnh dạn thực hiện những gì Chúa muốn chưa? Hay những khi thấy có những điều Chúa muốn buộc chúng ta phải hy sinh, từ bỏ thì chúng ta lại thoái thác, chối từ?

Trong cầu nguyện chúng ta đã biết phó thác chưa hay chỉ những gì hợp với suy nghĩ của mình thì chúng ta mới đón nhận?

Trong tất cả mọi sự chúng ta đã dành trọn con tim, dành trọn tình mến cho Chúa chưa?

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là mẫu gương tuyệt vời của đời sống cầu nguyện. Mẹ đã biết tin tưởng, phó thác và yêu mến Chúa một cách trọn hảo.

Với Mẹ con tin tưởng vào Chúa. Qua Mẹ con phó thác cho Chúa. Trong Mẹ con yêu mến Chúa.

Xin cho con biết bắt chước Mẹ để cùng với Mẹ dâng lên Chúa tất cả tâm tình của một đứa con.

Xin cho con biết học nơi Mẹ để sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa.

Xin cho con biết noi gương Mẹ để nói tiếng xin vâng, không phải một lần, mà là trọn cả đời con.

THỨ NĂM

Tin Mừng: Mt 11, 11-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!”

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho dân chúng vị tiền hô. Điều này phải chăng là một nghịch lý, vì tiền hô phải là người đi trước, nói trước, giới thiệu cho người khác. Đằng này chính Đấng được giới thiệu lại giới thiệu vị tiền hô? Thưa không phải là một nghịch lý, vì khi dân chúng đến với Gioan thì sẽ biết rõ hơn vị cứu tinh là ai, sẽ có thái độ đúng đắn trong khi trông chờ Ngài đến

Chúa Giêsu muốn dân chúng đến với Gioan vì “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”.

Gioan Tẩy Giả cao trọng là vì ông được Chúa viếng thăm ngay khi còn trong lòng mẹ.

Gioan Tẩy Giả cao trọng là vì ông thực hiện hoàn toàn chương trình của Chúa.

Gioan Tẩy Giả cao trọng là vì ông có một lối sống nhiệm nhặt, không dính bén đến trần gian.

Gioan Tẩy Giả cao trọng là vì ông trung thành rao giảng về Đấng Cứu Thế.

Gioan Tẩy Giả muốn cho dân chúng thấy Đấng đến sau ông còn cao trọng hơn ông vì Ngài đã vâng phục thánh ý Chúa Cha đến nỗi chấp nhận thân thận người phàm.

Lối sống của Chúa là lối sống đơn sơ, khó nghèo: Sinh ra trong hang bò lừa, sống lang thang rày đây mai đó, chết trần trụi trên cây thập giá… để cho thấy trần gian này không khống chế được Ngài. Sứ mạng của Ngài là loan báo Nước Thiên Chúa mà chính Ngài đã thành lập.

Để chuẩn bị đón Chúa đến, mỗi người chúng ta cũng phải bắt chước Gioan Tẩy Giả để trở thành ngôn sứ của Chúa, “mở lối cho Người” đến với tâm hồn của mỗi người chúng ta.

Chúa đã đến viếng thăm tôi và đang chờ đợi tôi từng giây phút nơi Bí tích Thánh Thể, nơi nhà chầu. Những giây phút ở bên Chúa, tôi trở nên cao trọng. Cao trọng không phải vì việc đạo đức tôi làm, mà vì quyền năng và sự thánh thiêng của Chúa bao trùm tôi.

Chúa đã trao phó cho tôi một bậc sống, tôi phải sống tốt trong bậc sống của mình. Lúc đó tôi trở nên cao trọng vì tôi đã hoàn tất công trình mà Chúa đã đặt nên móng nơi bản thân tôi. Cố gắng hoàn thành bản vẽ của Chúa dành cho riêng mình chứ đừng muốn làm những công trình theo ý riêng của mình.

Chọn lối sống đơn sơ, thanh thoát để thanh thản với những danh lợi thú của trần gian.

Nhất là phải ý thức sứ mạng thông truyền đức tin. Sứ mạng đó được thể hiện qua niềm vui đón nhận Tin Mừng, để trở thành ánh sáng cho những người xung quanh.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Mùa Vọng cho con chiêm ngắm khuôn mặt của Gioan Tẩy Giả. Khuôn mặt này có lẽ không hấp dẫn con vì vẻ khắc khổ, lạ lẫm… nhưng lôi kéo con vì lối sống đơn sơ, thanh thản; luôn thực hiện chương trình của Chúa và trung thành để loan báo Chúa.

Xin cho con biết chọn lối sống như Ngài để tỏa rạng khuôn mặt của Đức Kitô nơi cuộc đời con.

THỨ SÁU

Tin Mừng: Mt 11, 16-19

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: “Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!”

“Vì Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: “Ông ta phải quỷ ám!” Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: “Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi”. Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình”.

Suy niệm:

Niềm hy vọng Kitô giáo đặt nền tảng trên đức tin. Có tin người ta mới chờ. Có chắc chắn người ta mới đợi. Không ai chờ một điều tuyệt vọng. Không ai đợi một sự mông lung.

Vì thế sự mong chờ hiệu quả, tích cực là luôn thao thức với đối tượng chờ đợi của chúng ta. Ở đây, cụ thể chúng ta đang mong chờ ngày Đức Giêsu lại đến. Vậy thì chúng ta phải luôn thao thức về Ngài để nghe, nhìn, sống giống như Ngài.

Vì yêu thương nên Thiên Chúa đã chuẩn bị cho con người đón nhận lời hứa cứu độ của Ngài qua các tiên trị, mà vị chuẩn bị gần nhất cho sự xuất hiện của Đấng Cứu Độ chính là Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên còn có những người không đón nhận ông Gioan Tẩy Giả, cũng chẳng đón nhận Đức Giêsu.

Cho nên chính sự cứng lòng làm cản trở con người đón nhận ơn cứu độ.

Chúa Giêsu đã ví những con người đó như một lũ trẻ, cứng đầu cứng cổ, luôn luôn bắt người khác chiều chuộng mình. Một khi nó không được điều gì như nó mong đợi thì dù cho có ai tác động, khuyên lơn như thế nào nó cũng không nghe: “Tụi tôi thổi sao cho các anh, mà các anh không nhảy múa” ( Mt 11, 17).

Sự cứng lòng còn được thể hiện qua việc không chấp nhận người khác, mà bắt người khác phải như mình suy nghĩ, mong muốn: “Ông Gioan đến, không ăn, không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11, 19a).

Vì vậy điều chính yếu không phải là họ cần một tiêu chuẩn nào, mà đơn giản bởi vì họ không muốn đón nhận Lời Thiên Chúa.

Mùa Vọng, chúng ta mong chờ điều gì? Ơn cứu độ của Thiên Chúa hay niềm vui của bản thân chúng ta, những điều làm cho chúng ta thích thú?

Nếu mong chờ ơn cứu độ thì phải biết chỉnh đốn bản thân, từ bỏ những điều xấu xa, tội lỗi.

Nếu mong chờ những niềm vui của đời này, những thứ làm cho chúng ta ưa thích từ tiền bạc, danh vọng, quyền lực, đam mê thì chúng ta chẳng thể sửa đổi được con người mình, mà càng làm cho con người chúng ta méo mó, lệch lạc, mất đi định hướng lúc ban đầu của Thiên Chúa.

Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy hoán cải, nghĩa là biết đặt đúng mục tiêu của cuộc đời mình là được hạnh phúc viên mãn. Chính vì vậy phải biết từ bỏ những thứ là hư vô, ảo huyền; chính là những sai trái, méo mó, lệch lạc; những niềm vui chóng qua ở trần gian này.

Muốn hoán cải chúng ta phải khiêm tốn nghe lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả và sống theo lời chỉ dạy của Chúa Giêsu. Đừng biện minh cho hành động sai trái của mình.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, sự cứng cỏi của con tim sẽ ngăn cản ơn thánh Chúa tuôn đổ trên cuộc đời chúng con. Sự chai lì của tâm hồn sẽ làm cho con không còn nhận ra lời kêu mời khẩn thiết của Chúa. Vì vậy xin Chúa hãy dập tắt ngọn lửa cố chấp nhen nhóm trong lòng con bằng những cơn mưa ơn phúc của Ngài.

THỨ BẢY

Tin Mừng : Mt 17, 10-13

Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: “Tại sao các luật sĩ lại nói Elia phải đến trước đã?”

Chúa Giêsu trả lời: “Thật Elia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ”.

Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả.

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu giải đáp thắc mắc của các môn đệ về việc “Tại sao Êlia phải đến trước?” Người Do Thái tin rằng Êlia sẽ trở lại làm ngôn sứ cho Đấng Messia. Tiên tri Malakia đã viết: “Này, Ta sẽ sai ngôn sứ Êlia đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Chúa” (Ml 4, 5). Chẳng những tin là Êlia sẽ đến, mà còn khẳng định Êlia đến để: “Làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo Ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất này” (Ml 4, 6). Nghĩa là sứ mạng của Êlia là phải tiêu diệt điều ác, sửa sang lại mọi sai lầm để đáng cho Đấng Mesia ngự đến.

Chúa Giêsu nói Êlia phải đến, và đã đến rồi, nhưng không giống như những gì họ tưởng. Con đường mà Êlia chuẩn bị cũng chính là con đường của Đấng Mesia sẽ đi. Đó cũng là con đường mạnh mẽ, dứt khoát, nhưng không phải đem đến chiến tranh tiêu diệt lẫn nhau, mà là con đường phục vụ trong tình yêu hy sinh, tự hiến chứ không phải là con đường của sức mạnh và chinh chiến.

Hôm nay các môn đệ hiểu được ý của Thầy mình, khi các ông biết Ngài nói về Gioan Tẩy Giả.

Trong khi mong chờ Chúa đến, chúng ta đi theo con đường mà Êlia, Gioan Tẩy Giả, tất cả các ngôn sứ và chính Chúa Giêsu đã đi là con đường hy sinh, phục vụ đến quên mình.

Gioan Tẩy Giả đã mạnh dạn rao giảng, lên án những thói xấu… bất chấp sự đố kỵ ganh ghét của người khác, đến nỗi phải bị chặt đầu. Nhưng từ đó người ta nhận ra sứ điệp mạnh mẽ, dứt khoát của Gioan Tẩy Giả là phải sửa đổi tận căn để Đấng Cứu Thế có thể ngự vào trong tâm hồn.

Chúa Giêsu, khi Ngài đến thì cũng đi trên con đường đau khổ đó. Nhưng chính tình yêu tự hiến của Ngài làm đã tiêu diệt mọi mầm móng chiến tranh, và làm trơn tru con đường gươm đao, giết chóc và sự hy sinh.

Dọn một con đường cho Đức Vua ngự đến. Con đường đó là con đường hy sinh để từ bỏ những tính hư nết xấu. Con đường của tự hiến để phục vụ Nước Trời, phục vụ người khác.

Con đường Chúa đến với con là con đường tình yêu, thì con cũng phải dùng con đường đó để đến với tha nhân.

Vì vậy Mùa Vọng là dịp để con thể hiện tình yêu hy sinh, tự hiến vì Nước Trời, vì người khác.

Hy sinh để hãm mình, không chạy theo những đam mê lầm lạc.

Tự hiến để dành trọn tất cả cho Chúa.

Hy sinh để nhường cho người khác phần may mắn của mình.

Tự hiến để trao cho anh chị em những đau đớn mình phải chịu vì họ.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa, con đã dọn sẵn con đường trong chính tâm hồn con. Xin Chúa ngự vào để làm cho đời con dồi dào tình yêu Chúa, hầu trổ hoa yêu thương như Chúa vẫn hằng trông đợi.

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here