Sunday, January 5, 2025
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | Lễ Hiển Linh và các ngày trong tuần | Năm C

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN B

CHÚA NHẬTLỄ HIỂN LINH

Tin Mừng: Mt 2, 1-12

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Suy niệm:

Ba nhà đạo sĩ không phải ở cùng một quê, hay xuất phát cùng một chỗ; họ là đại diện cho muôn dân nước, mọi dân tộc ở khắp nơi. Nhờ ngôi sao lạ, họ đã dõi theo để thờ lạy Hài Nhi Giêsu. Ngôi sao lạ này chính là một lời mời gọi, thúc bách của tiếng nói tận sâu thẳm tâm hồn họ về niềm tin vào một Đấng Cứu Thế.

Đừng để ý họ là ai, đừng xem họ mang gì đến cho Vị Vua Cứu Thế, hãy nhìn vào hành trình tìm đến Bêlem để thấy được đức tin thực sự là gì.

Đức tin không phải là một mớ lý thuyết suông hay bề dày của giáo luật, nhưng là chính nhân cách của một con người xác quyết vào một Đấng có giá trị đối với cuộc đời họ. Chính nhờ giá trị đó mới khiến họ chấp nhận tất cả những gì liên quan đến Ngài.

Người ta chỉ quan tâm đến việc 3 nhà đạo sĩ là ai? Họ đến từ đâu? Họ mang gì đến hang đá Bêlem?… nghĩa là người ta chỉ thấy những cái hời hợt, thậm chí còn vì những hời hợt này mà công kích, chửi bới, tấn công nhau.

Điều quan trọng cần phải nhìn thấy là ánh sáng đức tin để dẫn mỗi người đến với Chúa bất kể họ là ai; là tấm lòng của những người thành tâm thiện chí muốn tìm đến với Chúa. Tấm lòng đó không nhất thiết phải là vàng, nhũ hương hay mộc dược, nhưng là tất cả những gì ta có để dâng cho Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Hài Nhi, con cảm tạ Chúa đã ban cho con ánh sao chính là đức tin mà gia đình và Giáo hội đã hướng dẫn để con biết Chúa. Xin cho con lên đường mỗi ngày cho đến khi gặp Chúa trong vinh quang bất diệt. Xin cho con lòng bác ái trong cuộc đời để cùng nắm tay nhau, “hiệp hành” mà tiến đến để thờ lạy Chúa.

THỨ HAI

Tin Mừng: Mt 4, 12-17. 23-25

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng:

“Hỡi đất Giabulon và đất Nephtali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.

Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan.

Suy niệm:

Hành động của Chúa Giêsu sau khi hay tin Gioan bị nộp là: “Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum”. Một sự đoạn tuyệt, dứt khoát giữa cũ và mới. Từ đây Ngài bắt đầu sứ mạng của Ngài, một sứ mạng mà Ngài phải chấp nhận đánh đổi tất cả.

Vùng đất Galilê mà Chúa Giêsu chọn để bắt đầu sứ mạng là vùng đất của sự hội nhập, của sự cởi mở, của những con người luôn muốn đón nhận những điều mới để làm cho họ nên mới trong mọi sự.

Và quả thật, Tin mừng đã được đón nhận bởi nhiều thành phần thuộc mọi vùng miền khác nhau: “Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan.”

Một sự dứt khoát cho sứ mạng. Một sự khôn ngoan trong sứ vụ. Và một kết quả tùy thuộc vào tác động của Thánh Thần.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con sức mạnh của Thánh Thần để con can đảm, dứt khoát dấn thân cho sứ vụ, bất chấp những bấp bênh trong cuộc sống. Xin cho con ơn khôn ngoan của Thần Khí Chúa để biết hành động theo Thánh Thần hầu đạt được những kết quả  như lòng Chúa mong ước.

THỨ BA

Tin Mừng: Mc 6, 34-44

Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều. Và khi giờ đã muộn, các môn đệ đến thưa Người rằng: “Chỗ này hoang vắng, mà giờ đã muộn, xin Thầy giải tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn”. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Họ thưa Người: “Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn”. Người nói với họ: “Các con có mấy cái bánh? Hãy đi xem”. Khi biết được rồi, họ thưa: “Có năm cái bánh và hai con cá”. Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi. Người cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời mà chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho người ta; còn hai con cá, Người cũng chia cho mọi người. Và tất cả đều ăn no. Mụn bánh và cá còn dư lại, người ta lượm được mười hai thúng đầy. Mà số người ăn là năm ngàn người.  

Suy niệm:  

Mọi giải pháp của Chúa Giêsu đều xuất phát từ lòng thương xót: “Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều.”

Vì thương xót nên Ngài giảng dạy chân lý từ trời cao cho đám đông dân chúng, để họ hiểu, đón nhận và đạt được chân lý cứu độ cho cuộc đời mình. Đó là lòng thương xót vĩ đại nhất mà Chúa Giêsu dành cho nhân loại.

Lòng thương xót không phải chỉ ở những giá trị siêu nhiên, vô hình, mà lòng thương xót còn hết sức cụ thể trong từng hành động của Chúa Giêsu. Khi biết đám đông đói bụng, Chúa Giêsu đã đưa ra giải pháp cho các môn đệ: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Ngài mời gọi những người cùng đi với mình phải thực thi lòng thương xót cách cụ thể.

Còn giải pháp của các môn đệ là: “Xin Thầy giải tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn”, tìm sự an nhàn cho mình, khỏi mang gánh nặng của người khác vào mình. Dường như giải pháp tìm an nhàn cho mình là giải pháp phổ biến ngày hôm nay, cho thời đại hưởng thụ.

Kitô giáo, đạo của Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta không thể tìm an nhàn, không thể làm ngơ trước nỗi khổ của nhân loại, mà phải gánh lấy vào mình, “mang vào mình mùi chiên” để cùng sống, cùng chia sẻ với những ưu tư, những khắc khoải, những khốn khó, những thiếu thốn của phận người.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành để “mang vào mình mùi chiên”, để sẵn sàng chia sẻ mọi nỗi gian truân, khốn khó với con người.

THỨ TƯ

Tin Mừng: Mc 6, 45-52

(Khi năm ngàn người đã được ăn no), Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất. Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ. Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên. Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng: “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ”. Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng. Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh: lòng họ còn mù tối.

Suy niệm:

Sau dấu lạ cho năm ngàn người ăn no nê của Chúa Giêsu, các môn đệ khoái chí vì thấy hiệu ứng của đám đông rất tích cực. Ai mà lại chẳng tung hô những người cho mình ăn uống no nê, phủ phê về vật chất… Nhưng các môn đệ quên rằng, trước đó chính họ đã đề nghị Chúa Giêsu giải tán đám đông cho khỏe. Như vậy các ông là những người thời cơ, chỉ muốn nhận vinh quang mà không màng phấn đấu.

Còn Chúa Giêsu, một mặt gìn giữ cho các môn đệ của mình khỏi bị ảnh hưởng bởi sự tung hô của thế gian, nên Ngài “giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng”; một mặt Ngài trở về nguồn gốc của mọi vinh quang: “Người lên núi cầu nguyện” với Chúa Cha.

Ngay sau đó, biến cố sóng to, gió lớn xảy ra khiến các môn đệ hoảng sợ, và còn lầm tưởng Thầy mình là ma. Người vừa mới làm dấu lạ lẫy lừng, nay trong cơn nguy hiểm thì họ lại tưởng là ma. Người đời là thế! Chỉ chấp nhận Thiên Chúa khi Ngài cho họ những điều tốt, những chuyện thuận lợi, nếu không, với họ Ngài chỉ là thế lực thù ngịch.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con biết siêng năng cầu nguyện, chăm chỉ tìm hiểu lời Chúa để con nhận ra Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời; khi vui, lúc buồn; khi thành công, lúc thất bại; khi thuận lợi, lúc khó khăn… trong mọi biến cố con nhận ra có Chúa ở bên con và nói: “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ”

THỨ NĂM

Tin Mừng: Lc 4, 14-22a

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền năng của Thánh Thần và danh tiếng Người đồn khắp miền xung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và ai nấy đều ca tụng Người. Người đến Nadarét là nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, Người vào hội đường ngày Sabbat, và đứng dậy đọc sách. Người ta trao cho Người cuốn sách Tiên tri Isaia. Người mở sách và gặp chỗ có chép rằng: “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”.

Người xếp sách lại, trao cho viên phụ trách, đoạn ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều đưa mắt chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”. Và ai nấy đều công nhận lời Người và ngạc nhiên vì những lời hấp dẫn thốt ra từ miệng Người.

Suy niệm:   

Khác với Đền Thờ là nơi dâng lễ vật, hội đường là nơi gặp gỡ để dạy dỗ và học hỏi. Mọi người quy tụ nơi đó trước hết để cầu nguyện, sau đó đọc sách luật và sách các ngôn sứ, sau cùng là giảng dạy. Ai cũng có thể được mời để giảng dạy mà không có sự sắp đặt trước. Ai muốn chia sẻ điều gì cứ đăng ký với người phụ trách hội đường. Sau giờ giảng dạy đó, mọi người đều có thể gặp gỡ, thảo luận với nhau.  

Chính tại hội đường Nadaret, Chúa Giêsu đã làm cho nhiều người ngạc nhiên. Ngạc nhiên không phải vì giáo lý  mới mẻ, nhưng vì Ngài khẳng định: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”. Nghĩa là Ngài chính là người được Thánh Thần sai đến để thực hiện lời ngôn sứ Isaia. Ngài là Đấng được xức dầu, Đấng Messia.

“Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu đã thực hiện điều đó trong sứ mạng của Ngài, nhưng có nhiều người vẫn không chấp nhận Ngài là Đấng Messia. Như vậy có những người đến hội đường không phải để học hỏi, để đón nhận, nhưng để dò xét, bắt bẻ.

Chân lý luôn mở rộng, nhưng vì lòng người chật hẹp nên họ vẫn ở ngoài ơn cứu độ dù họ đã vào bên trong hội đường.

Cầu nguyện:

Xin Chúa cho con mỗi ngày biết quy tụ với nhau trong tình huynh đệ để cùng nhau học hỏi, chia sẻ và nhất là đón nhận những gì Chúa chỉ dạy cho con.

THỨ SÁU

Tin Mừng: Lc 5, 12-16

Xảy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: “Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch”. Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: “Ta muốn, hãy nên trơn sạch”. Lập tức, người ấy khỏi phong hủi. Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng: “Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch”. Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện.  

Suy niệm:

Những việc Chúa Giêsu đã làm khiến cho ai cũng nhận thấy Ngài là Đấng có quyền năng. Ngay cả người bị bệnh phong hủi là căn bệnh nan y, và còn là sự ô uế cho người khác mà còn tin chắc Chúa Giêsu sẽ chữa lành cho Ngài, nên anh ta mới dám chạy đến với Ngài giữa chốn đông người. Dĩ nhiên đến với Chúa bằng niềm tin thì chắc chắn sẽ được chữa lành.

Điều Chúa Giêsu muốn người được chữa lành làm, không phải là biết ơn Ngài, nói về Ngài cho người ta biết, nhưng là “Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy”. Nghĩa là tuân thủ lề luật của cha ông và biết ơn Đấng mà cha ông họ tôn thờ.

Chẳng biết anh phong hủi này có làm điều đó hay không, chỉ biết “tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật.” Như vậy anh ta đã tuyên xưng và loan báo người chữa lành cho anh chính là Đấng anh phải tôn thờ.

Đón nhận những việc trọng đại Thiên Chúa đã làm cho cuộc đời của mỗi chúng ta, chúng ta đã khiêm tốn để biết ơn Chúa và biết ơn những người đã giúp ta cách này cách khác, hay ngược lại chúng ta bắt người khác phải biết ơn mình, để làm vinh danh mình?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
Xin như người phong hủi, sấp mình tạ ơn Giêsu vì đã thương cứu vớt cuộc đời anh!
Xin như người vừa được chữa lành, hân hoan, lớn tiếng, reo mừng loan báo Đấng đã đối xử tốt với anh!

THỨ BẢY

Tin Mừng: Ga 3, 22-30 

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gioan chưa bị tống ngục. Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: “Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!” Gioan trả lời rằng: “Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.    

Suy niệm:  

Gioan đã nổi tiếng trước khi Chúa Giêsu xuất hiện, và ông hoàn toàn có thể lôi kéo dân chúng đến với mình, hoặc phản ứng tiêu cực khi nghe môn đệ phản ánh việc nhiều người đến chịu phép rửa của Chúa Giêsu.

Nhưng không, Gioan là biết mình là ai, và sứ mạng của mình là gì. Vì thế ông không bị ảnh hưởng bởi dư luận, ông bình thản trước mọi vấn đề, dù vấn đề đó có ảnh hưởng tiêu cực đến ông.

Ông hoàn toàn mở ra chân trời mới trong sứ mạng của ông. Ông không muốn giam hãm các môn đệ trong ý thức hệ của mình, mà dẫn các ông đến Chân Lý là đón nhận Đức Giêsu, vì chính ông đến cũng chỉ để làm chứng về điều đó.

Ông vui khi thấy người ta tuôn đến với Đức Giêsu. Ông mừng khi nghĩ đến một ngày mọi người đều quy phục Ngài. Phần ông, dù hoàn toàn mờ nhạt, nhưng ông cũng đã hoàn thành sứ mạng là người dọn đường.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin đừng để con tìm vinh danh mình, nhưng trong mọi sự biết làm vinh danh Chúa.  Xin cho con đừng than van, trách móc khi thấy sự bội nghĩa, vong ân, nhưng cứ âm thầm như người dọn đường cho Chúa. Xin cho con vui khi thấy nhiều người nhận ra Chúa nơi bản thân con, chứ không phải vui vì con làm được việc này việc nọ.

bài viết mới