Wednesday, January 22, 2025
spot_img

Sống Lời Chúa mỗi ngày | CN III MC | Năm B

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN III MÙA CHAY NĂM B

CHÚA NHẬT

LỜI CHÚA: Ga 2, 13-25

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.

Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.

SUY NIỆM:

Tham gia đời sống Giáo hội không chỉ là làm những việc này việc nọ được phân công hay nhờ vả, thậm chí là tự nguyện đóng góp; mà còn là xây dựng Giáo hội ngày càng tốt đẹp hơn bằng cách giúp Giáo hội sống đúng với bản chất của mình.

Chúa Giêsu xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ vì họ đã làm biến chất Đền Thờ. Ngài trả lại cho Đền Thờ vẻ đẹp vốn có của nó.

Đền Thờ là nơi cầu nguyện, nơi để gặp gỡ Chúa, nhưng chính những người trong Đền Thờ biến thành “cái chợ” để trục lợi. Đó là hình thức buôn thần bán thánh.

Giáo hội là gia đình của Thiên Chúa, là nơi để mọi người sống và cảm nghiệm lòng thương xót của Cha trên trời, nhưng một số người đã làm biến chất Giáo hội theo tinh thần thế tục.

Bản chất của Đền Thờ vẫn là nơi để gặp gỡ Chúa. Bản chất của Giáo hội muôn đời vẫn là gia đình của Thiên Chúa. Chỉ có điều Đền Thờ cần dọn dẹp, Giáo hội cũng cần chỉnh đốn.

Tham gia đời sống Giáo hội thực sự là để cho Giáo hội ngày càng tốt đẹp hơn.   

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết siêng năng dọn dẹp tâm hồn mình bằng những giờ kiểm tâm và những lần xưng tội, để con xứng đáng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.

THỨ HAI

LỜI CHÚA: Lc 4, 24-30

 (Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.

SUY NIỆM:

Ơn cứu độ phổ quát, dành cho tất cả mọi người. Nhưng có những người xem đó là đặc quyền cho riêng họ, và đương nhiên họ sẽ được.

Ơn cứu độ phổ quát, nhưng điều kiện đầu tiên là phải tin. Có những người được chọn để hưởng ưu tiên, nhưng không tin, vì thế họ vẫn không thể đón nhận ơn cứu độ. Có những người biết mình là “dân ngoại”, là dân không xứng đáng, nhưng họ lại tin, nên sẽ được ơn cứu độ.

Thái độ tin dẫn đến hành động đức tin. Ai không tin sẽ không bao giờ thực hành điều Chúa dạy. Người tin thì luôn thao thức làm sao để đẹp lòng Chúa.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu biết rằng, ơn cứu độ dành cho tất cả những ai và sống theo đường lối của Chúa, để con không tự hào tự mãn mình chắc chắn được cứu độ nhờ Bí tích Rửa tội và không khinh chê người khác vì họ là lương dân. Nhưng điều quan trọng là cho chúng con luôn biết tìm kiếm để thi hành thánh ý Chúa trong mọi bậc sống của mình.

THỨ BA

LỜI CHÚA: Mt 18, 21-35

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

SUY NIỆM:

Đối với con người, tha thứ phải có giới hạn, vì sức người có hạn; nhưng đối với Thiên Chúa, tha thứ là vô hạn, vì nơi Thiên Chúa, không có sự chấp nhất, kết án, hoặc giận hờn.

Mặc khải Lời Chúa cho ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu. Tuy nhiên, Lời Chúa cũng cho ta biết bất cứ một loại sự dữ nào cũng không thể thuộc về Thiên Chúa.

Do đó, Thiên Chúa luôn mời gọi và trao ban hạnh phúc cho ta, nhưng có những điều kiện khiến con người không thể có được điều đó; không phải vì Thiên Chúa phạt, nhưng vì con người không xứng đáng.

Thay vì nuôi giận hờn, chấp nhất… thì hãy tha thứ; vì còn bất cứ cảm xúc xấu nào cũng không thể xứng đáng với sự thánh thiện, tốt lành của Thiên Chúa.

Mùa Chay là thời gian để ta tháo gỡ những rào cản nơi chính bản thân mình cho Chúa có thể biến đổi nơi thân xác phàm tục chúng ta trở thành thân xác phục sinh.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con chiêm ngắm Chúa mỗi ngày trong cầu nguyện và Lời Chúa để học nơi Chúa sự yêu thương tha thứ cho người khác.

THỨ TƯ

LỜI CHÚA: Mt 5, 17-19

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

SUY NIỆM:

Chúa Giêsu là một nhà tâm lý lỗi lạc, vì trong việc giáo dục, Ngài biết rất rõ các môn đệ của Ngài có khuynh hướng “đổ thừa”.

Người ta hay dùng từ “tưởng” để bao che cho những hành động sai trái của mình. Cái “tưởng” đôi khi do mình thiếu hiểu biết, nhưng cũng có khi do mình cố tình để che đậy.

Ở đây Chúa Giêsu mặc khải một cách rõ rang về đường lối của Thiên Chúa, để các môn đệ được biết và không còn lý do ngụy biện.

Ngài cho biết Thiên Chúa là Đấng tốt lành, thánh thiện, nên “một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót”. Không phải Thiên Chúa khắt khe, nhưng vì sự dữ dù nhỏ cũng không xứng đáng với Thiên Chúa.

Do đó, con người cố gắng mỗi ngày để vươn đến sự thánh thiện, tốt lành trong sự trợ giúp mà chúng ta gọi là ân sủng của Thiên Chúa.

Một đàng ý thức mình yếu đuối, bị tội lỗi đẩy xa Thiên Chúa; một đàng biết rằng Chúa đang chờ đợi và lôi kéo mình để nổ lực “lội ngược dòng” để trở về với Chúa.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con cố gắng mỗi ngày để được ân sủng và tình thương của Chúa bao bọc, hầu con bớt được những điều xấu và tiến đến gần sự thánh thiện của Chúa hơn.

THỨ NĂM

LỜI CHÚA: Lc 11, 14-23

Khi ấy, Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được và dân chúng đều bỡ ngỡ. Nhưng có mấy người trong bọn họ nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ”. Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: “Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Sa-tan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêeliêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.

“Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán”.

SUY NIỆM:

Vấn đề hôm nay không chỉ là việc một số người ganh tị, không chấp nhận những việc làm tốt của Chúa Giêsu, nhưng vấn đề càng nặng hơn khi họ gán cho Ngài danh hiệu Chúa quỷ. Đó là một sự phạm thượng.

Ban đầu, những người này chỉ là ganh tị vì ảnh hưởng của Chúa Giêsu, nhưng dần dà, sự ganh tị đó ngấm ngầm lớn mạnh đến mức trong thâm tâm họ nhìn Chúa Giêsu là thủ lãnh của ma quỷ.

Sự tai hại của ganh tị là như vậy đó, không chấp nhận để người khác hơn mình, nên tìm mọi cách để người khác thuộc về thế lực hoàn toàn đối lập.

Chúa Giêsu vẫn là Thiên Chúa, nên những ai xem Ngài là thế lực đối lập thì chỉ là ma quỷ mà thôi. Do đó, phản ứng của mộ số người trong đoạn Tin Mừng hôm nay vô tình cho thấy họ thuộc về phe ma quỷ.

Mùa Chay là thời gian để chúng ta sám hối. Điều căn bản mà con người cần sám hối là tính kiêu ngạo để ngoan ngoãn hơn với tác động của Thần Linh hầu nhận ra những điều cao đẹp trong cuộc sống. 

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con tìm đến với sức mạnh của Chúa, để con có thể chiến đấu với ma quỷ đang quấy phá trong con, nhất là kích thích tính hơn người của con.

THỨ SÁU

LỜI CHÚA: Mc 12, 28b-34

Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?”

Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: “Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Còn đây là giới răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

SUY NIỆM:

Chính Chúa Giêsu đã cho biết hai điều quan trọng nhất trong thực hành Kitô giáo là mến Chúa và yêu người.

Hai điều này thực ra chỉ là một. Đó là Tình Yêu trong đời sống hằng ngày. Vì thế, sống đạo là sống yêu thương với Thiên Chúa và với con người.

Ông luật sĩ trong đoạn Tin mừng hôm nay là đại diện cho mỗi người chúng ta trong việc khao khát kiếm tìm chân lý. Tuy nhiên từ nhận thức đến thực hành vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Ông luật sĩ đã nhận thức rất tốt về điều răn của Chúa. Chính Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Nghĩa là ông hãy làm điều đó, thì ông đã ở trong Nước Thiên Chúa.

Mùa Chay là thời gian để chúng ta thực hành các mối tương quan với Chúa và với tha nhân. Chúa đã chỉ cho thấy, đó là việc sống trọng giới răn mến Chúa và yêu người. Vì vậy, hãy thực hành bằng việc siêng năng cầu nguyện và sống bác ái yêu thương.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết cố gắng mỗi ngày để tô luyện tình yêu với Chúa và tha nhân. Xin cho con yêu Chúa cụ thể bằng việc siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích. Xin cho con yêu người bằng việc cố gắng để đừng ghét một ai.

THỨ BẢY

LỜI CHÚA: Lc 18, 9-14

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

SUY NIỆM:

Kiêu ngạo là điều Thiên Chúa ghê tởm, vì chính tội kiêu ngạo đã làm hư hoại công trình sáng tạo của Thiên Chúa Cha. Cũng chính tội kiêu ngạo sẽ khiến người ta không thể đón nhận hồng ân cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Và nhất là kiêu ngạo chính là tội chống lạị Thánh Thần.

Nguyên tổ không phải vì mê ăn, nhưng vì muốn được bằng Thiên Chúa nên đã trái lệnh Chúa mà ăn trái cấm. Còn tội nào khủng khiếp cho bằng thụ tạo muốn hạ bệ Đấng Sáng tạo.

Con người bị hậu quả của tội nguyên tổ làm cho dễ sa ngã, phạm tội, nhưng khi họ biết khiêm tốn chạy đến với Chúa thì họ sẽ được ơn tha thứ, sẽ được nhận trở lại làm con. Chỉ những ai thấy mình không có tội, không cần đến ơn Chúa thì mới không thể được tha thứ.

Và nhất là, dù được ơn Chúa tác động bằng nhiều cách thức khác nhau, họ vẫn cứng long không chịu nghe theo, lúc đó họ đang chống lại Thánh Thần; và vì thế cũng không thể đón nhận ơn tha thứ.

Một người kiêu ngạo là người tự thấy mình tốt lành còn hơn Chúa, nên họ xem thường mọi người và chẳng cần đến Chúa.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, con là kể có tội độc ác ngàn trùng. Xin thương tha thứ cho con và nhận con trở lại làm con Chúa.

bài viết mới