CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH
Ga 21,1-19
A. Hạt giống…
Phần cuối của Tin Mừng Gioan (có lẽ không do Gioan viết, mà do các đồ đệ của Gioan), tường thuật cuộc hiện ra cho các tông đồ trên biển hồ Tibêria :
1. Theo gợi ý của Phêrô, người số tông đồ khác trở lại nghề cũ là đi đánh cá.
2. Khi đó xảy ra lại một tình huống giống y lần đầu tiên Phêrô gặp Chúa Giêsu và được Ngài gọi : các ông không đánh được cá, nhưng nhờ Chúa Giêsu nên sau đó đánh được rất nhiều cá. (x. Lc 5,4-11)
3. Các tông đồ nhận ra Chúa Giêsu : đầu tiên là Gioan, kế đến là các ông khác.
4. Bữa ăn thân mật bên bờ hồ sau khi Thầy trò nhận ra nhau.
B. … nảy mầm.
1. Trong những lần hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại, Chúa Giêsu không bao giờ nói nửa lời trách móc tội các ông đã bỏ trốn và chối Ngài ; cũng không có nửa lời ám chỉ, mà toàn là những lời dịu dàng, an ủi, khích lệ. Các ông cũng không một lời xin lỗi Chúa, thế mà Chúa vẫn tha. Tha thứ đâu cần phải nói ra bằng lời, ăn năn cũng đâu cần thốt ra bằng tiếng. Chúa đến với ta, ta ở bên cạnh Chúa, thế là đủ.
2. Sự tha thứ của Chúa không diễn tả bằng lời, nhưng bằng thái độ : “Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ. Ngài cũng cho cá như thế”.
3. “Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô : chính Chúa đó” : Gioan là người đầu tiên nhận ra Chúa. Ông nhận ra Chúa nhờ một kỷ niệm mà mẻ cá lạ giúp ông nhớ lại. Khi đã yêu thì từng chi tiết, từng biến cố đều khiến ta nhớ đến người mình yêu. Xin cho con yêu Chúa đủ để mỗi sự lành trong ngày đều khơi lên kỷ niệm của con về Chúa.
4. Trong lòng Phêrô ngổn ngang nhiều tình cảm : mặc cảm phạm tội, hối hận, nhớ Chúa và mong gặp lại Ngài. Nhưng mạnh nhất là tình cảm mong nhớ Chúa. Bởi đó khi vừa nghe Gioan nói “Chúa đó”, bao nhiêu tình cảm khác biến đâu mất hết, chỉ còn mỗi tình cảm muốn gặp lại Chúa. Vì thế ông “liền khoác áo vào rồi nhảy xuống biển” bơi tới Chúa. Dù con có thế nào đi nữa, nhưng xin cho con luôn nhớ Chúa và quên đi tất cả khi gặp lại Chúa.
5. Trong toán học, chúng ta đã biết tầm quan trọng của vị trí con số “không” trong tương quan với dấu chấm thập phân : số “một” càng bị nhiều số “không” ngăn cách nó xa dấu chấm thập phân thì giá trị của nó càng thấp. Thí dụ .000,000,1.
Tuy nhiên nếu số một đứng đầu thì sau đó càng có nhiều số “không” chừng nào thì giá trị của nó càng cao chừng nấy. Thí dụ 1,000,000.
Chúa chính là số một. Khi ta đặt Chúa hàng đầu trước những công việc của ta thì ta càng làm nhiều chừng nào, giá trị chúng càng cao chừng nấy. Ngược lại Chúa càng xa tâm trí ta chừng nào thì công việc ta làm càng ít giá trị chừng nấy. (Frank Mihalic)
6. “Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu”.
Mỗi ngày tôi học và làm việc theo một thời khóa biểu kín mít mà tôi tự đặt ra cho mình, tối về mệt quá tôi lăn ra ngủ. Tôi thường thấy mình rơi vào những khoảng trống, cảm thấy mình lạc lõng cô đơn và đâm ra chán nản. Thế rồi tôi được một vị “Kỹ sư tâm hồn” khuyên mỗi ngày nên dành cho Chúa một vài phút.
Từ đó mỗi tối trước khi ngủ, tôi đã dành ra ít phút để nhìn lại những ơn ban của một ngày sống và nhìn lại chính mình. Tôi thấy còn nhiều bóng tối phủ lấp tâm hồn tôi.
Thật hạnh phúc mỗi khi lên giường ngủ mà có thể mỉm cười với chính mình. Những giây phút tĩnh nguyện cuối ngày đã giúp tôi khám phá ra mầu nhiệm Chúa hiện diện và đồng hành với tôi trên khắp các nẻo đường.
Lạy Chúa, những bóng tối trong tâm hồn và những bận tâm khác đã khỏa lấp làm con không nhận ra được sự hiện diện sống động của Chúa. Một vài phút dành cho Chúa chẳng là gì so với 24 giờ của một ngày Chúa đã ban cho con, thế mà con không biết ! Cảm ơn Chúa, cảm ơn người “Kỹ sư tâm hồn” đã mở mắt cho con. (Epphata)
7. “Đức Giêsu bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống nhưng không thể kéo lên, vì lưới đầy những cá”. (Ga 21,6)
Mỗi khi thất bại, buồn chán… tôi lại tự hỏi : Chúa đã phục sinh, đã chiến thắng mọi sự dữ. Sao thế gian vẫn còn đau khổ ? Tôi phải làm gì để có được niềm vui phục sinh ? Các môn đệ xưa cũng có lúc đã thất vọng và buồn chán như tôi. Thất vọng về người Thầy mà các ngài đã bỏ tất cả để đi theo, nay đã chết thật rồi. Trở về nghiệp cũ, các ngài lại thất bại. Song lần này các ngài đã không nản lòng. Các ngài đã gặp Chúa và vâng lời Người mà thả lưới. Thật ngỡ ngàng, vì các ngài không chỉ được mẻ cá đầy mà còn được chính Đấng phục sinh.
Lạy Chúa, Chúa vẫn đi ngang qua đời con, nơi con làm việc, chỗ con ở. Chúa vẫn đến với con từng ngày, nhưng bước chân Ngài âm thầm quá ; thật khó lần ra dấu chân Ngài để lại. Xin cho con nhận ra Chúa và mau mắn lên đường với Ngài, đến những nơi Ngài muốn đến, gặp những người Ngài muốn gặp, làm những gì Ngài muốn làm. (Hosanna)