Monday, December 23, 2024
spot_img

Hạt giống nảy mầm | Tuần 26 | Mùa Thường niên

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN

Lc 16,19-31

A. Hạt giống…

Người phú hộ trong dụ ngôn này đã quen cậy dựa vào tiền bạc của cải. Khi ông chết thì những chỗ ông cậy dựa cũng tiêu tan luôn cho nên ông rơi vào cảnh rất khốn khổ. Ladarô là một người nghèo không có chỗ dựa ở trần gian nên hoàn toàn cậy dựa vào Chúa, nhờ đó sau khi chết đã được hưởng hạnh phúc trong vòng tay Thiên Chúa (qua hình ảnh tổ phụ Abraham).

Dụ ngôn này còn muốn gởi một lời nhắn nhủ đến những người giàu : họ nên sớm thấy sai lầm của họ khi đặt niềm cậy trông vào những giá trị trần thế, để kịp thời quay về trông cậy vào Chúa. Đừng chờ đến khi chết, thấy rõ đâu là chỗ dựa vững chắc rồi mới sám hối, vì tới lúc đó, mọi việc đều không thể đảo ngược được.

B. … nảy mầm.

1. Đã biết tiền bạc, của cải và nói chung những giá trị thế gian là không bền, thế nhưng nhiều người vẫn cứ cậy dựa vào chúng. Đó chính là cái ngu dại của con người. Nếu nói theo từ ngữ của ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc 1, đó chính là cái “khốn nạn” của con người.

2. “Abraham nói lại : giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm…” : Thiên Chúa không tạo dựng thẳm ngăn cách Ngài với con người. Nhưng chính con người tự đào vực thẳm ấy, bằng nhiều cách :

– Bằng ích kỷ không giúp đỡ một người anh em đang cần giúp trong khi chúng ta có thể giúp (như ông nhà giàu đối với Ladarô).

– Bằng thái độ bỏ Chúa để hoàn toàn cậy dựa vào những giá trị trần gian.

3. Lạy Thiên Chúa của Abraham, con đã hiểu rằng lòng thương xót kẻ khốn khổ sẽ đặt con bên cạnh Ladarô trong lòng Chúa, trái lại sự ích kỷ sẽ đẩy con xuống vực thẳm chung với người phú hộ. Chúa biết con muốn chọn phía nào rồi, nhưng xin giúp con.

4. “Dửng dưng trước đau khổ của người khác là một tội. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nêu bật qua hình ảnh người giàu có trong Tin Mừng hôm nay”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

5. Chúa hứa với một bà là Ngài sẽ đến thăm bà vào ngày đó. Bà rất hãnh diện về điều này. Bà cọ rửa, lau chùi, đánh bóng, quét bụi và xếp đặt mọi thứ sẵn sàng. Bà ngồi và đợi Chúa đến.

Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Bà vội chạy ra. Vừa đẩy cửa, bà thấy một người ăn xin đứng đó. Bà liền nói : “Không, hôm nay tôi không giúp anh, vì Chúa luôn ở với anh rồi. Tôi đang nóng lòng đợi Chúa đến, không thể giúp anh điều gì”. Bà đuổi anh và đóng cửa lại.

Mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở cửa nhanh hơn trước. Thấy gì ? Vài người già nghèo nàn. ”Rất tiếc, tôi đang đợi Chúa đến. Hôm nay tôi không thể giúp đỡ các ông”. Rồi bà đóng sầm cửa lại.

Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở và lại thấy một người ăn xin rách rưới. Anh xin ăn và nghỉ qua đêm. “Ồ, hãy để tôi yên. Tôi đang đợi Chúa đến. Tôi không thể tiếp anh”. Người ăn xin  ra đi và bà tiếp tục ngồi chờ.

Hàng giờ trôi qua và màn đêm buông xuống, nhưng cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của Chúa. Bà băn khoăn không biết Ngài ở đâu.

Cuối cùng, bà đành lên giường nằm chờ. Bà ngủ quên và mơ thấy Chúa đến với bà và nói : “Hôm nay Ta đã đến với con 3 lần và cả 3 lần con đều đuổi Ta” (Góp nhặt).

6. “Con đã nhận phần phước rồi. Còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ Ladarô được an ủi nơi đây. Còn con thì phải chịu khốn khó” (Lc 16,25).

Mỗi khi nghe đến dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khổ, là nó ấm ức, trút nỗi bực dọc lên chúng tôi : 

– Giàu không phải là cái tội, giàu có nhiều loại. Chẳng lẽ tất cả đều không được hạnh phúc ở đời sau ? Phi lý quá !

Tôi chữa lại :

– Tội không phải do giàu nghèo mà do không biết hiệp thông, tương trợ với kẻ khác.

Nó gắt :

– Thôi đi, tiền của kiếm được toàn do mồ hôi nước mắt của chính mình. Bộ dễ san sẻ lắm sao !

Thế đấy, cho đi là một điều khó. Cho những thành quả lao động của mình còn khó hơn. Cho nên muốn hiệp thông thực sự với anh em đòi hỏi mỗi người phải biết hy sinh, phải biết chấp nhận mất mát, thiệt thòi… thậm chí phải biết chịu đựng sự dè bỉu, bội phản của người đời.

Lạy Chúa, xin cho con xác tín rằng : cho đi cũng là cách “chay tịnh” để đền bù tội lỗi, để hiệp thông trong sự sống và tình yêu. (Hosanna) 

7. “Ông Môsê và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại họ cũng chẳng chịu tin đâu”. (Lc 16,31)

Đã ba đêm, người ta nghe văng vẳng tiếng nức nở và khẩn khoản của một thanh niên ở ngoài nghĩa trang từ một ngôi mộ của một người đàn ông 50 tuổi mới được chôn cất một tuần : “Cha ơi, con xin lỗi cha. Cha tha lỗi cho con đi cha. Cha có nghe không cha…” Thì ra vì xích mích với cha anh đã bỏ nhà ra đi. Thời gian giúp anh hiểu ra tình cha. Trở về xin lỗi thì đã trễ.

Lời khẩn khoản ấy chỉ còn là lời van xin với một nấm mồ. Một sự hối hận muộn màng. 

Đó cũng là điều vẫn lặp lại trong cuộc sống của tôi.

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe lời dạy bảo của cha mẹ, sự nhắc nhở của lương tâm, và tiếng mời gọi của Chúa. (Epphata)

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here