CHÚA NHẬT PHỤC SINH
(Lễ ban ngày)
Ga 20,1-9
A. Hạt giống…
Bằng cách viết rất súc tích với những ý tưởng sâu sắc chứa đựng trong những chi tiết được chọn lựa rất kỹ, Thánh Gioan muốn mô tả hành trình đức tin của 3 nhân vật trong bài tường thuật này : Maria Mađalêna, Phêrô và “người môn đệ kia”. (tức tông đồ Gioan)
– Khi ấy là “sáng sớm khi trời còn tối” : họ vẫn còn ở trong đêm tối chưa hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu, nhưng đã là lúc sáng sớm rồi, bình minh sắp tỏa sáng.
– “Chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu” : “địa chỉ” của Chúa Giêsu là một điều được Tin Mừng Gioan lưu ý nhiều lần. Ngay từ đầu quyển Tin Mừng, hai môn đệ đầu tiên đã hỏi “Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?” (1,38). Đến phần cuối quyển Tin Mừng, câu hỏi “Thầy ở đâu ?” lại được lặp lại. Các môn đệ Chúa Giêsu luôn muốn biết “địa chỉ” của Ngài.
– Cả 3 nhân vật trong chuyện này đều “chạy” : Mađalêna chạy tìm Simon Phêrô, ông này cùng với Gioan “cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn”. Họ “chạy” để làm chi ? Để tìm đến “địa chỉ” Chúa Giêsu. Đây là cuộc hành trình của đức tin.
– Thiên Chúa đã đặt sẵn những dấu chỉ giúp họ tìm, đó là ngôi mộ trống, những khăn vải liệm còn đó được xếp gọn gàng và những lời tiên báo của Thánh Kinh. Nhưng chỉ một mình “môn đệ kia” đã đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ ấy nên “đã thấy và đã tin”. Gioan đã tìm được “địa chỉ” của Chúa Giêsu. Thực ra, nhiều lần Chúa Giêsu đã ám chỉ đến “địa chỉ” này (“Thầy về cùng Cha Thầy” : xem Ga 7,33-34 ; 8,21 13,33) nhưng các môn đệ vẫn chưa hiểu. Hôm nay Gioan đã hiểu : Chúa Giêsu đã sống lại và về cùng Thiên Chúa.
B. … nảy mầm.
1. Khi mọi sự quanh ta hầu như tối đen và chỉ có một tia sáng hy vọng còn le lói, thì ta làm gì : đứng đó mà than khóc, hay nhanh chân chạy tới nguồn ánh sáng ?
2. Thế giới hôm nay cũng giống như một màn đêm tăm tối : nhiều người không có đức tin, không hy vọng, không yêu thương. Thế nhưng không hẳn tối đen hoàn toàn, vẫn còn một vài tia sáng của đức tin, của hy vọng và của yêu thương. Hãy lạc quan nhận ra những tia sáng đó, hãy chỉ cho mọi người thấy những tia sáng đó và hãy khuyến khích mọi người cùng ta chạy tới.
3. Đoạn Tin Mừng này đã được cải biến thành một vở tuồng do một nhóm học sinh công giáo trình diễn. Vở tuồng như sau :
– Một học sinh chạy tới hỏi một nhóm bạn học sinh khác : “Chúa Giêsu đâu rồi ? Ai đã đem Chúa Giêsu đi đâu rồi ?”. Mọi người ngơ ngác, sau đó ai nấy đều lần lượt trả lời “Tôi không có ! Tôi không biết !”. Rồi cả nhóm cặm cụi tìm kiếm trong và quanh ngôi mộ của Ngài.
– Từ một góc sân khấu, một học sinh lên tiếng : “Đừng tìm ở đó vô ích. Chúa Giêsu đang ở với mẹ tôi ở nhà tôi đấy. Mỗi khi tôi giúp mẹ một tay thì khuôn mặt rạng rỡ của Chúa Giêsu hiện lên trong nụ cười của mẹ”.
– Từ một góc khác, một học sinh khác cũng lên tiếng : “Chúa Giêsu đang ở trong Nhà thờ đấy. Mỗi khi tôi dự lễ, tôi được nghe Ngài nói trong Tin Mừng và được ấp ủ Ngài trong lòng lúc rước lễ”.
– Từ góc thứ ba, học sinh thứ ba tiếp lời : “Chúa Giêsu ở trong lớp học. Mỗi khi tôi giúp chỉ bài cho một bạn chưa hiểu là tôi gặp Ngài”.
– Phía dưới sân khấu, nhiều khán giả dần dần cũng bị cuốn hút, mỗi người chỉ ra địa chỉ của Chúa Giêsu phục sinh mà họ khám phá được…. (Trích báo Our Family, Lent 1997, Canada).
4. Trước vành móng ngựa, bị can đã tự thú tất cả tội lỗi của mình. Cuộc sống đã không cho phép anh dìm mình mãi trong tội lỗi nữa. Ôi, cũng không thể dửng dưng với cuộc sống còn đầy những ganh ghét và đố kỵ của mình. Chẳng lẽ khi cùng đường bí lối tôi mới dám đối diện với sự thật của chính mình, mới chỗi dậy mà về cùng Cha sao ?
Tôi như người ngủ mê cần chỗi dậy để được thấy vinh quang phục sinh của Người.
Lạy Chúa, xin chiếu tỏa vinh quang Chúa trên chúng con. (Epphata)
5. “Không phải các sách Tin Mừng giúp hiểu biến cố Phục sinh, mà trái lại biến cố phục sinh giúp hiểu các sách Tin Mừng”. (J.S. Whale)