Khi đọc các sách Tin mừng, chúng ta thấy rằng đa phần các bài giảng của Chúa Giêsu là dùng các câu chuyện dụ ngôn. Vậy tại sao Chúa Giêsu chỉ dùng dụ ngôn mà nói về các sứ điệp của mình, trong khi điều này có thể sẽ khiến cho nhiều người nhiều thắc mắc. Tại sao Người không nói thẳng ra mà lại cứ nói “úp úp mở mở” khiến cho nhiều người cứ mãi “đoán già đoán non”?!
Qua những đoạn Thánh Kinh, chúng ta biết rằng chắc chắn có rất nhiều người thích nghe Chúa Giêsu kể các dụ ngôn, thế nhưng không phải ai cũng hiểu được thông điệp đằng sau những dụ ngôn đó. Ngay cả các Tông đồ là những người kề cận của Chúa nhất, vậy mà cũng không hiểu hết được, có lần Thánh Phêrô đã xin Chúa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cho chúng con!” (Mt 15,15). Đúng như lời của ngôn sứ Isaia đã nói: “Các ngươi có lắng nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy (Is 6,9).
Chúa Giêsu chỉ dùng dụ ngôn mà truyền tải sứ điệp của mình vì những lý do sau:
Trước nhất, việc dùng chuyện để truyền tải thông điệp là một việc làm khá phổ biến của các Rabi Do Thái nói riêng và của các nhà hiền triết Trung Đông nói chung. Trong Cựu Ước chúng ta cũng tìm thấy được nhiều câu chuyện dụ ngôn như: Người giàu chiếm con chiên duy nhất của người nghèo (2 Sm 12,1-4), người nghèo mà khôn ngoan (Gv 9,14-18), vườn nho của Chúa (Is 5,1-6), người thợ gốm (Gr 18,1-10), Cái nồi đun sôi (Ed 24,3-5),… Bên cạnh đó, các nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại cũng đã dùng lối kể chuyện ngụ ngôn để truyền tải ý tưởng của mình, như Aesop (Êdốp), Socrates, Platon,… Tuy nhiên, những chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu đã vượt xa mọi câu chuyện khác. Bởi vì những bậc hiền triết kia thì dùng chuyện ngụ ngôn để nói về “những sự dưới đất” còn Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói đến “những sự trên trời”.
Kế đến, có thể Chúa Giêsu thấy được sự giới hạn của từ ngữ, vốn chỉ là những “biểu tượng” được dùng để diễn tả suy nghĩ của con người hoặc những thứ xung quanh,… thế nhưng nó vẫn chỉ là một công cụ bất toàn. Nó không bao giờ diễn tả được hết được những gì mà nó muốn diễn tả. Đó là lý do nhiều người đã nói rằng: “Tôi biết, nhưng tôi lại không hiểu làm sao để nói ra!” Với các sứ điệp của Chúa cũng vậy, có thể Chúa Giêsu thấy rằng các từ ngữ quá giới hạn, không thể nào diễn tả hết được những sự thiêng liêng của Thiên Chúa, mà nếu có giải thích thì người khác cũng không hiểu hoặc có thể hiểu lầm. Nên cách tốt nhất là dựa trên các câu chuyện để giúp họ có thể tự mình “cảm” lấy được về những sự thiêng liêng.
Sau cùng, Chúa Giêsu có thể muốn dùng những câu truyện của mình để đánh vào cảm xúc và trí tưởng tượng của người nghe, từ đó những câu truyện mà họ nghe sẽ mang đến sự thay đổi cõi trong lòng của họ. Mặt khác, nhiều người đến với Chúa thuộc nhiều tầng lớp, mức độ hiểu biết khác nhau. Nếu chỉ dùng những khái niệm trừu tượng thì có thể những người thuộc mức độ hiểu biết thấp sẽ không hiểu được và cảm thấy nhàm chán. Trong khi kể bằng dụ ngôn, tất cả mọi người điều có thể nắm bắt được tùy theo mức độ hiểu biết của mỗi người.
Qua tất cả những gì đã trình bày, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đúng là bậc thầy giảng dạy bằng các dụ ngôn. Những câu chuyện dụ ngôn của Ngài cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về các khái niệm thiêng liêng mà chúng ta không thể diễn đạt bằng lời nói đơn thuần. Những chuyện dụ ngôn này cũng cho chúng ta có thêm những hiểu biết phong phú hơn về Vương quốc của Thiên Chúa và các giá trị của nó, vốn thường đối lập với các giá trị thế gian. Chính vì thế, có thể nói rằng: Không hiểu các dụ ngôn thì không thể hiểu hết được Chúa Giêsu và những lời dạy của Ngài.
Tâm Minh