Ngày 15.8: Đức Mẹ hồn xác lên trời
Tin mừng: Lc 1,39-56
LỊCH SỬ
Từ thuở ban đầu, các giáo đoàn tiên khởi đều tôn kính Đức Trinh Nữ Maria. Những trích đoạn trong Tân Ước minh chứng điều này ; tiếp đến là những bản văn của các giáo phụ ; rồi đến Công Đồng chung E phêsô năm 431 tuyên bố “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”. Đã có những thánh lễ nói về giây phút chấm dứt cuộc đời trần thế của Đức Maria. Ai cũng tin cuộc chấm dứt này phải tốt đẹp. Nhưng như thế nào thì không ai dám khẳng định.
Những thánh lễ nói về việc chấm dứt cuộc đời trần thế này, như Dormitio (an giấc) ; Transitus (chuyển hoá) ; Natalis (sinh ra trên đời) ; Assumptio (được nâng lên)… Hình như người ta tránh né cái chết thể lý của Đức Trinh Nữ. Vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ cho đến ngày nay.
Thánh lễ Dormitio (an giấc) của Đức Mẹ đã được long trọng cử hành khắp đó đây trên Giáo Hội Đông Phương, nhất là sau Công Đồng chung E phêsô 431. Hoàng đế Mauriee (582-602) xác định thánh lễ vào ngày 15 tháng 8 hằng năm, và tuyên bố đó là ngày lễ của nhà nước được nghỉ lao động. Mãi đến thế kỷ thứ 7 thánh lễ này mới du nhập vào Giáo Hội Tây Phương. Công đồng Mayence năm 813 xác định thánh lễ này trong đế quốc của Charlemagne.
Ngày 1.11.1950 Đức Piô XII long trọng tuyên bố tín điều : Đức Maria Hồn Xác Về Trời, và như thế xác nhận niềm tin Kitô giáo này đã bàn bạc trong Hội Thánh qua bao thế kỷ. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
A. Hạt giống…
Đức Maria được bà E lisabét gọi là người có phúc nhất trong tất cả các phụ nữ. Qua đoạn Tin Mừng này, ta có thể thấy được một số lý do khiến Đức Mẹ diễm phúc như thế :
– Vì Mẹ có đức tin vững mạnh : “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em”.
– Vì Mẹ luôn có Chúa Giêsu trong mình
– Vì Mẹ biết quan tâm mang hạnh phúc đến cho người khác
– Vì Mẹ biết sống như một “người nghèo của Thiên Chúa” : “Kẻ đói nghèo Ngài ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng”.
B. … nẩy mầm.
1. Cái chết của Đức Mẹ được người ta nói tới bằng nhiều cách : Dormitio (an giấc) ; Transitus (chuyển hoá) ; Natalis (sinh ra trên đời) ; Assumptio (được nâng lên)… Toàn là những cách nói đẹp, bởi vì Mẹ đã sống rất đẹp.
2. Có thể ví đời người như một câu văn mà cái chết là dấu chấm câu :
– Có cái chết như một dấu phẩy (,) tức tưởi không trọn vẹn ;
– Có cái chết như một dấu chấm than !) buồn hiu hắt ;
– Có cái chết như một dấu chấm hỏi (?) băn khoăn ray rứt ;
– Có cái chết như dấu 3 chấm (…) còn bỏ ngõ ;
– Vá có cái chết như dấu chấm tròn (.) thật đầy đủ, trọn vẹn, tuyệt mỹ.
Cái chết của Đức Mẹ chính là đấu chấm tròn. Còn cái chết của tôi sẽ là gì ?
3. Nhà vua bị bệnh nặng. Quan ngự y lo lắng, nhưng đành bó tay. Một nhà chiêm tinh đến bảo vua chỉ khỏi bệnh khi nào được mặc chiếc áo của một người hạnh phúc nhất.
Quan quân đổ xô đi khắp nước để tìm người hạnh phúc nhất. Cuối cùng thì họ cũng tìm được một người hạnh phúc thực sự. Nhưng khổ thay, người ấy quá nghèo, chẳng có lấy một chiếc áo ! (Góp nhặt)
4. Suy gẫm mầu nhiệm mân côi 5 sự mừng : “Thứ 4, Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin cho được thường cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng”
5. “Bà Maria lên đường, vội vã đến miền núi, vào một thành thuộc chi tội Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà E lisabét” (Lc 1,39-40)
Mẹ Maria ơi ! Ngày xưa Mẹ thật đơn sơ và dễ thương khi hăng hái lên đường giúp bà E lisabét. Những bước chân nhẹ nhàng, đầy niềm vui phục vụ. Rồi ngày Mẹ lo lắng sợ hãi đem trẻ Giêsu trốn sang Ai cập. Những bước chân nặng nề, cuống cuồng vì tai họa trần gian… Và con không cảm nhận hết tâm trạng của Mẹ khi theo sau Giêsu trên đường lên núi Sọ. Nhìn những giọt máu của con mình cùng cái chết dành cho loại tử tội xấu xa, những bước chân nhục nhã, đau khổ… Thánh giá Mẹ vác quá nặng mà Mẹ vẫn vượt qua và bước tới.
Con cũng biết Tin là Bước đi. Nhưng nhiều khi con chới với, con ngã lòng, con chưa có sức bước trong sự dẫn dắt tuyệt vời của Thiên Chúa. Con chưa tin đủ.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con xác tín rằng những bước chân vui buồn khấp khểnh ở đời nay, từng bước đường sướng khổ gập ghềnh hôm nay sẽ làm nên lối nhỏ dẫn lên Trời nếu con bước với lòng phó thác, tin yêu. (Hosanna)