Saturday, November 23, 2024
spot_img

[Bài viết] Chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp bảy bước

Lm Thiên Vy

I. BẢY BƯỚC CHIA SẺ LỜI CHÚA[1],[2]

Bước 1:   Mời Chúa đến
Bước 2:   Đọc Kinh Thánh
Bước 3:   Câu đánh động
Bước 4:   Thinh lặng
Bước 5:   Chia sẻ
Bước 6:   Thảo luận
Bước 7:   Cầu nguyện

II. MỤC ĐÍCH

Phương pháp 7 bước lấy Lời Chúa làm khởi điểm để soi rọi vào cuộc sống hiện tại. Nói cách khác, Phương pháp chia sẻ Lời Chúa 7 bước đi từ Lời Chúa đến cuộc sống. Phương pháp này có 6 mục đích sau đây:

1. Cảm nghiệm sự diện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh,

2. Giúp mỗi thành viên trong nhóm được Lời Chúa đánh động,

3. Cổ võ việc cùng nhau đào sâu niềm tin qua những chia sẻ cá nhân,

4. Đào sâu mối tương quan giữa từng người với các thành viên trong nhóm,

5. Xây dựng niềm tin giữa các thành viên trong nhóm,

6. Và tạo bầu khí thiêng liêng cần thiết cho việc lên kế hoạch hành động của nhóm.

III. CÁCH THỰC HIỆN

BƯỚC 1: MỜI CHÚA ĐẾN

Nguồn: Learn religions

1. Ý nghĩa

Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện diện thật sự trong nhóm, nhưng chúng ta thường không ý thức cho đủ sự hiện diện của Người. Vì thế, một thành viên trong nhóm thay mặt anh chị em để mời Chúa đến với nhóm. Việc mời Chúa đến giúp mọi người có mặt ý thức sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu hơn.

Trong Tin mừng, Chúa hiện diện ở đâu thì ở đó con người nhận được nhiều phúc lành. Tại Cana, nước đã hóa thành rượu; tại nhà Giakêu, ông đã được biến đổi; tại nhà Phêrô, bà mẹ vợ ông khỏi bệnh; tại cổng thành Naim, con trai bà góa sống lại… Vậy anh chị em hãy mời Chúa đến để “Người thi ân giáng phúc” cho tất cả chúng ta.

2. Thực hành

a. Linh hoạt viên (LHV): “Xin anh/chị… thay mặt anh chị em trong nhóm mời Chúa Giêsu đến với chúng ta”.

b. Lời mời Chúa đến

(1) “Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã được mời đến dự tiệc cưới tại Cana cùng với Mẹ Maria và các môn đệ (Ga, 2,1-12). Chúa đã làm cho nước lã biến thành rượu ngon để niềm vui của tiệc cưới được trọn vẹn. Giờ đây, chúng con kính mời Chúa đến với chúng con. Chúng con tin rằng sự hiện diện đầy yêu thương và quyền năng của Chúa sẽ biến đổi mỗi người chúng con. Lạy Chúa, xin Chúa hãy đến với chúng con”.

(2) “Lạy Chúa Giêsu, nhiều lần lên Giêrusalem, Chúa đã dừng chân tại gia đình Bêtania (Lc 10, 38-42). Nơi đó Chúa và các môn đệ đã được ba chị em Mátta, Maria và Lazarô đón tiếp cách chân tình. Mátta đã phục vụ Chúa và các môn đệ như những thành viên trong gia đình và Maria ngồi bên chân Chúa để nghe lời Người. Xin Chúa hiện diện giữa chúng con như một thành viên trong gia đình và ban Lời Hằng Sống cho chúng con”.

(3) “Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã viếng thăm nhà ông Giakêu, một người thu thuế tội lỗi bị những người Do thái ruồng bỏ và khinh chê (Lc 19,1-10). Sự hiện diện của Chúa tại nhà Giakêu đã biến đổi ông: từ một người tham lam trở thành người quảng đại, từ một người bị ghét bỏ trở thành người được Chúa đón nhận và tha thứ. Xin Chúa đến với chúng con để ban Lời Hằng Sống có sức biến đổi mỗi người chúng con”.

(4) “Lạy Chúa Giêsu, sau khi phục sinh, Chúa đã hiện ra với các môn đệ để đem bình an cho các ông. Chúa đã cho các ông xem tay và cạnh sườn; Chúa đã nói chuyện thân tình với các ông và ăn uống trước mặt họ (Lc 24,35-48). Sau khi gặp Chúa rồi các môn đệ đã trở thành những chứng nhân Tin mừng Phục sinh. Xin Chúa đến với anh chị em chúng con, ban lời bình an và củng cố đức tin của mỗi người chúng con”.

(5) “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiện diện tại nhà Mátta và Maria để an ủi hai chị em sau cái chết của Lazarô. Chính sự hiện diện của Chúa đã làm vơi đi những đau khổ và nước mắt của những người trong gia đình này. Không chỉ có vậy, Chúa còn cho Lazarô, người đã được an táng trong mồ sống lại (Ga 11,1-45). Xin Chúa đến với chúng con để chia sẻ những gánh nặng vất vả của cuộc sống và đem niềm vui thiêng liêng cho chúng con”.

c. Phân tích và nhận định

Cả 5 lời mời Chúa trên đây đều xuất phát từ Tin mừng.

Cả 5 lời mời Chúa đều không tập trung xin ơn này hay hơn khác, cũng không xin Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng; vì chúng ta tin rằng: Đức Giêsu hiện diện ở đâu thì Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cũng hiện diện ở đó. Chúa gặp gỡ ai thì người đó được Chúa ban phúc lành. Vì thế, khi mời Chúa đến, người mời không cần xin ơn, mà chỉ hướng anh chị em tập trung vào việc đón Chúa đến với nhóm.

BƯỚC 2: ĐỌC LỜI CHÚA

Nguồn: NIV Bible

1. Ý nghĩa

Đọc Lời Chúa là chúng ta nghe Chúa nói với chúng ta. Đó là điều hết sức quan trọng trong Chia sẻ Lời Chúa cũng như trong đời sống người con Chúa. Muốn nghe được tiếng Chúa, chúng ta phải biết lắng nghe trong thinh lặng, chăm chú, ước mong và đón nhận; và phải đọc đi đọc lại nhiều lần.

2. Thực hành

a. Linh hoạt viên: “Xin anh chị em mở: sách…, chương…, câu… đến câu…”.[3]

b. Công bố Lời Chúa: “Xin anh/chị … công b Lời Chúa”.[4]

Tin mừng:                  

– Khởi đầu: “Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh…”.

– Kết thúc:   “Đó là Lời Chúa”.

                     “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa”.

c. Linh hoạt viên: “Xin anh/chị… (nói tên) vui lòng đọc lại đoạn Lời Chúa trên một lần nữa”.

d. Đọc lại: Người được yêu cầu đọc lại đoạn văn lần thứ hai.[5]

3. Những điểm cần lưu ý

– Đoạn Kinh Thánh phải được chọn trước và có sự thống nhất trong nhóm. Nó có thể được trích từ Cựu Ước, Tân Ước hoặc các thư.

– Nhóm cũng có thể chọn bài Tin mừng Chúa nhật hoặc bài Tin mừng đúng ngày họp mặt chia sẻ.

– Linh hoạt viên nên cắt cử người công bố Lời Chúa trước, để anh/chị có thời gian chuẩn bị, để họ có thể công bố dõng dạc và ngắt câu rõ ràng.

– Khi công bố lời Chúa, nhóm phải đứng hoặc quỳ. Cả nhóm không nhìn vào bản văn Kinh Thánh mà hướng về người công bố Lời Chúa và thinh lặng lắng nghe.

Hình ảnh có liên quan
Nguồn: Amazing Kids

BƯỚC 3: CÂU ĐÁNH ĐỘNG

1. Ý nghĩa và nội dung

Để Lời Chúa khắc ghi vào tâm trí và tác động trong tâm hồn chúng ta, mỗi người nên tập trung vào bản văn Kinh Thánh. Chúng ta cần đọc đi đọc lại nhiều lần trong thinh lặng, cầu nguyện và lắng nghe. Chúng ta chỉ lặp lại những câu ngắn gọn, nhất là những lời của chính Chúa Giêsu nói với các môn đệ, những người khác hay với dân chúng.

2. Thực hành

a. Linh hoạt viên: “Anh chị em hãy rút ra mấy lời ngắn gọn, đọc lớn tiếng những lời ấy trong bầu khí thinh lặng và cầu nguyện”.

b. Anh chị em: Mỗi người hãy chọn một lời ngắn gọn mà mình thích nhất;[6] đọc lên một cách rõ ràng và chậm rãi để mọi người cùng nghe; đọc đi đọc lại hai hoặc ba lần.

c. Linh hoạt viên: Khi không còn ai đọc lại một lời trích từ đoạn Kinh Thánh nào nữa, LHV mời gọi: “Anh chị em cùng đọc lại đoạn Kinh Thánh một lần nữa”.

d. Cả nhóm: Cùng đọc lại đoạn Kinh Thánh.

3. Những điểm cần lưu ý

– Không phải ai cũng có câu đánh động và đọc lên.

– Có thể một người được đánh động bởi hai câu. Nếu có, hãy đọc một câu đánh động mình nhất. Nếu còn thời gian, người đó có thể đọc thêm câu nữa.

– Khi đọc câu của mình, chúng ta nhớ đọc chậm. Đọc xong câu, ngưng một chút, rồi lập lại câu đó lần hai.

– Nếu anh chị em chưa quen với việc rút ra một câu ngắn đánh động mình và đọc lên, LHV có thể đọc lên từng câu ngắn gọn và xin từng anh chị em lập lại câu ấy 2 lần.[7] Dần dần, các thành viên trong nhóm sẽ quen và tự rút ra những câu mình thích và đọc lên.

BƯỚC 4: THINH LẶNG

Nguồn: Learn Religions

1. Ý nghĩa và nội dung

Sau khi lắng nghe Lời Chúa, người đọc và người nghe cần một khoảng thời gian thinh lặng. Thinh lặng để tâm hồn mỗi người lắng đọng. Lắng đọng tâm hồn để chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa nói qua đoạn Kinh Thánh hay câu chúng ta được đánh động.

2. Thực hành

Linh hoạt viên: “Chúng ta giữ thinh lặng trong… phút để lắng nghe lời Chúa nói với chúng ta”.

3. Những điểm cần lưu ý

– LHV nhớ căn đồng hồ để hướng dẫn anh chị em chuyển sang bước 5.

– Ở bước này, mọi người hãy giữ thinh lặng hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu LHV thấy anh chị em bắt đầu chuyển động (nghĩa là anh chị em cảm thấy không thoải mái vì thời gian thinh lặng hơi dài), thì hãy nhanh chóng chuyển qua bước 5.

BƯỚC 5: CHIA SẺ

Nguồn: Your teen

1. Ý nghĩa và nội dung

Chia sẻ Lời Chúa là hiện tại hóa Lời Chúa, là làm cho lời ấy sống thật sự trong đời sống của người đang chia sẻ. Lời người đọc và nghe nay đang được ứng nghiệm: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai [anh chị em] vừa nghe” (Lc 4,21). Vì thế, người nói chia sẻ điều họ nghe được trong tâm hồn mình, tỏ lộ tác động của Lời Chúa mà họ đón nhận. Ngoài ra, người nói có thể chia sẻ những nỗ lực và ngay cả những thiếu sót của bản thân họ trong việc thực thi Lời Chúa.

2. Thực hành:

a. Linh hoạt viên: “Mời anh chị em chia sẻ điều chúng ta cảm nhận và nghe được trong tâm hồn mình”. Nếu cần, LHV có thể giải thích: “Nghĩa là chúng ta chia sẻ: Lời nào đã đánh động tâm hồn mình? Tại sao Lời ấy đánh động mình hay mình đã sống ‘Lời Sự Sống’ ấy như thế nào?”

b. Anh chị em trong nhóm: Các thành viên lần lượt chia sẻ. Người chia sẻ hãy nói ngắn gọn, rõ ràng. Những anh chị em còn lại thinh lặng lắng nghe. Người chia sẻ hãy bắt đầu: “Anh chị em thân mến/ Thưa anh chị em, tôi xin chia sẻ…”. Hãy chia sẻ một cách chân thành, giản dị, không hình thức, kiểu cách, khoe khoang, công kích hoặc dạy dỗ. Hãy sử dụng từ “Tôi”. Tránh sử dụng từ “Chúng ta”.

3. Những điểm cần lưu ý

– Đây là bước LHV làm việc nhiều nhất. Vì LHV một mặt phải là người lắng nghe tâm sự chia sẻ cách tập trung nhất, mặt khác LHV là người điều phối để buổi chia sẻ linh động, không nhàm chán.

– Người chia sẻ nói lên điều Chúa nói với mình. Vì thế, đây không phải là giờ học Kinh Thánh để chúng ta nói về những hiểu biết Lời Chúa về mặt lý thuyết. Vì thế, người nói nên chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về việc đón nhận và sống Lời Chúa của mình.

– Chia sẻ là hành động tự nguyện nên không ai có quyền ép người khác phải chia sẻ. Nhưng mỗi người trong nhóm đều có quyền và có bổn phận cho và nhận, vì đời sống cộng đoàn là thế.

– Trong chia sẻ có nhiều cách và nhiều mức độ khác nhau: nói lên điều mình nghe được trong lòng là chia sẻ; đảm nhận một công việc đã được phân công hay tự nguyện trong buổi Chia sẻ Lời Chúa cũng là chia sẻ; thậm chí ngồi chăm chú lắng nghe và đón nhận những gì anh chị em mình chia sẻ cũng là chia sẻ. 

BƯỚC 6. THẢO LUẬN

Nguồn: Shopify

1. Ý nghĩa và nội dung

Bước 6 này có một tầm quan trọng rất đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa:

a. Hiểu sứ điệp Lời Chúa,

b. Đem sứ điệp ấy vào trong thực hành,

c. Nhóm biết cách bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ và đi đến một quyết định chung.

2. Thực hành

a. Linh hoạt viên: “Nội dung của bước 6 là chúng ta thảo luận về nhiệm vụ mà nhóm chúng ta được mời gọi thực hiện. Trước khi thảo luận, xin mỗi anh chị em cho biết mình đã thực hiện nhiệm vụ của tuần/tháng trước như thế nào?”

b. Anh chị em trong nhóm: Lần lượt từng người nói ngắn gọn về nhiệm vụ mình đã thực hiện lần trước như thế nào: điều tôi đã làm được; điều chưa làm được, nêu lý do; những thuận lợi hay khó khăn bản thân gặp phải; những khám phá khi thực hiện nhiệm vụ.

c. Linh hoạt viên: Sau khi mọi người trình bày nhiệm vụ lần trước xong, LHV hướng dẫn anh chị em: “Bây giờ chúng ta thảo luận với nhau về nhiệm vụ mỗi người nên làm trong tuần/tháng tới, để thực hiện Lời Chúa nói với chúng ta hôm nay”.

d. Anh chị em trong nhóm: Ở đây chúng ta nên áp dụng “Phương pháp đi đến quyết định chung”. Quá trình thảo luận theo 5 bước sau đây:

(1) Xác định mục tiêu cụ thể: xác định sứ điệp của Lời Chúa hôm nay.

(2) Đề xuất một số giải pháp để thực hiện sứ điệp ấy.

(3) Thảo luận về một vài giải pháp: bàn thảo về một hai giải pháp được nhiều người nêu ra nhất.

(4) Quyết định chọn một giải pháp, một công việc mà nhóm nhất trí với nhau.

(5) Phân công công việc: phân công việc làm một các rành mạch, cụ thể và chi tiết: Ai làm? Khi nào thực hiện? Thực hiện thế nào?

BƯỚC 7: CẦU NGUYỆN

Nguồn: Faithlife

1. Ý nghĩa và nội dung

Đây là bước cuối cùng, bước kết thúc buổi Chia sẻ Lời Chúa. Bao nhiêu tâm tình, nguyện ước, khám phá… đều có thể được bộc lộ ở bước này qua các lời nguyện để dâng lên Thiên Chúa.

2. Thực hành

a. Linh hoạt viên: “Để kết thúc buổi Chia sẻ Lời Chúa hôm nay, mời anh chị em hãy dâng lên Thiên Chúa và Chúa Kitô những lời nguyện tự phát chân thành”.

b. Anh chị em trong nhóm: Một số anh chị em dâng lên Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô những lời nguyện tự phát của mình. Có thể là lời tạ ơn, ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa; có thể là lời xin ơn (cho mình hoặc cho người khác); cũng có thể là lời xin lỗi Chúa và quyết tâm đổi mới.

c. Linh hoạt viên: Khi thấy không còn ai cầu nguyện nữa, LHV nói: “Đó là những lời nguyện chúng ta tha thiết dâng lên Thiên Chúa. Giờ đây, cùng với những ước vọng thầm kín và tâm tình sâu lắng, chúng ta cùng hát… (nói tên bài hát)”.

Anh chị em trong nhóm cũng có thể đọc Kinh Lạy Cha với tư thế, cử chỉ và tâm tình thích hợp như giang tay hướng lên trời, chắp tay, nắm tay nhau…

Sau bài hát hoặc Kinh Lạy Cha, mọi người làm Dấu Thánh Giá kết thúc buổi Chia sẻ Lời Chúa.

IV. CÂU HỎI TỰ LƯỢNG GIÁ

A. LƯỢNG GIÁ BUỔI CHIA SẺ

Bước 1:   Buổi Chia sẻ Lời Chúa có bầu khí cầu nguyện không?

               Có điều gì ảnh hưởng đến bầu khí cầu nguyện không?

Bước 2:   Mọi người có tìm được đoạn Kinh Thánh trước khi đọc không?

Bước 3:   Chúng ta có dành thời gian thinh lặng đủ giữa những câu đánh động được đọc lên không?

Bước 4:   Thời gian thinh lặng quá ngắn hay quá dài?

Bước 5:   Liệu có những chia sẻ cá nhân thật sự hay ai đó bắt đầu bàn luận hoặc “giảng dạy” người khác?

Bước 6:   Chúng ta có để cho Thần Khí của Lời Hằng Sống hướng dẫn thảo luận công việc phải làm không?

               Mọi người có cơ hội để nói điều họ muốn nói không?

               Anh chị em có cảm thấy rằng một số trong chúng ta nói quá dài không?

Bước 7:   Chúng ta có dành thời gian cho anh chị em cầu nguyện tự phát không?

B. LƯỢNG GIÁ CÁ NHÂN

Bước 1:   Tôi bị lo ra về điều gì?

Bước 2:   Tôi có chăm chú lắng nghe Lời Chúa không?

Bước 3:   Tôi có câu đánh động không?

Bước 4:   Tôi có thinh lặng đủ để có thể nghe được tiếng Chúa nói không?

Bước 5:   Tôi có chia sẻ không? Tôi có chân thành chia sẻ hay chỉ là giảng dạy?

Bước 6:   Tôi có tích cực tham gia thảo luận không?

               Theo tôi, công việc thảo luận hôm nay có phù hợp với sứ điệp Lời Chúa không?

Bước 7:   Tôi có cầu nguyện tự phát không?

               Tôi, với tư cách LHV đã điều hành buổi chia sẻ thế nào? (Dành cho LHV).

Nguồn: Cùng học Lời Chúa

[1] Nguyễn Văn Nội, Các phương pháp Kinh Thánh thực hành, TP. HCM: n.p., 2002, chương 3.

[2] AsIPA – FABC, The Seven Steps Gospel Sharing, n.y, http://www.fabc.org/ offices/olaity/AsIPA%20docs/Gospel %20 Sharing%20Methods/1.%20Seven%20 Steps%20Method%20of%20Gospel%20Sharing.pdf (đã truy cập 20 6 2019).

[3] Ví dụ: Tin mừng Luca (chờ anh chị em mở Tin mừng Luca), chương 6 (chờ anh chị em tìm được chương 6), từ câu 1 đến câu 5 (chờ anh chị em tìm thấy câu 1 đến câu 5).

[4] Nhớ phân công người công bố Lời Chúa trước, để anh/chị có thời gian chuẩn bị.

[5] Nếu nhóm Chia sẻ Lời Chúa có nam có nữ thì mời một nam và một nữ đọc Lời Chúa, để anh chị em nghe được cả giọng nữ và giọng nam.

[6] Lời mình thích: nghĩa là lời làm mình rung động, vui sướng, hạnh phúc hay an ủi; có khi là lời chất vấn làm cho người đọc phải suy đi nghĩ lại…

[7] LHV hãy nói: “Xin mời anh/chị… lập lại câu (số câu) 2 lần”.

bài viết mới

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here